Những ngành vẫn 'sống khỏe' giữa đại dịch COVID-19

Khi nới lỏng giãn cách và trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về nguồn tiền, thiếu nguyên liệu, thiếu lao động. Tuy vậy, cũng có không ít DN nhìn thấy cơ hội có thể hồi phục mạnh mẽ, tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Kiếm được cả ngàn tỉ đồng

Hoạt động xuyên suốt trong mùa dịch để cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân TP.HCM, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, đã từng cảm thán rằng áp lực công việc quá lớn và phải vận hành với tốc độ “quá nhanh và quá nguy hiểm”. Tuy nhiên, chuỗi hệ thống siêu thị này đã đứng vững, hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn khó khăn nhất.

“Dù từng có người nhiễm bệnh nhưng hơn 18.000 cán bộ, nhân viên của hệ thống siêu thị không ai mất việc làm và nhận đủ lương” - ông Đức thông tin. Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh gây ra nhiều tổn hại nghiêm trọng cho cộng đồng DN, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, hàng loạt người lao động mất việc… thì những điểm sáng của Saigon Co.op là một ước mơ cho nhiều đơn vị kinh doanh.

Tương tự, Vinamilk - ông lớn trong ngành sữa Việt Nam vẫn kiếm được các khoản lợi nhuận lên đến hàng ngàn tỉ đồng giữa mùa dịch. Trong giai đoạn dịch bệnh, đơn vị này thực hiện mô hình “một cung đường - hai điểm đến” để duy trì sản xuất. Tính đến nửa đầu năm nay, ông lớn ngành thực phẩm này có lợi nhuận sau thuế lên đến trên 5.000 tỉ đồng.

Thực tế cho thấy nếu Saigon Co.op được trao nhiệm vụ là đơn vị cung cấp thực phẩm chính để hỗ trợ TP.HCM chống dịch thì Vinamilk đang sản xuất sản phẩm thiết yếu cho khách hàng. Vì vậy, dù thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng không tác động quá nhiều đến nhu cầu mua sữa hay thực phẩm phục vụ cho bữa ăn hằng ngày.

Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, đánh giá doanh số bán lẻ của sữa hay thực phẩm đóng gói tăng nhanh vì người tiêu dùng có xu hướng tích trữ trước thời điểm giãn cách xã hội. Điều này cũng giống như nhiều nước trên thế giới.

“Trong thời điểm dịch bệnh, nhu cầu sữa, thực phẩm không có nhiều thay đổi. Khi nới rộng giãn cách, mở cửa trở lại thì nhu cầu về những mặt hàng này sẽ tăng tốc nhanh hơn về doanh thu vì người tiêu dùng trở lại làm việc, có thu nhập tốt hơn. Đây là cơ hội cho các DN ngành này” - ông Michael Kokalari dự báo.

Nhiều ngành lên hương

Một trong những ngành kiếm tiền ổn định nhất có lẽ là kinh doanh bất động sản khu công nghiệp. Trong giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt nhất, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có chững lại nhưng tính chung tám tháng đầu năm nay, vốn đăng ký mới vẫn đạt 19,12 tỉ USD, giảm nhẹ chỉ 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Việc đầu tư của FDI rất quan trọng với tăng trưởng của khu công nghiệp.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, chuyên về phát triển khu công nghiệp, nhìn nhận rằng dịch bệnh tạo ra sự đảo lộn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng với lĩnh vực khu công nghiệp, tình hình kinh doanh vẫn rất khả quan vì nhà đầu tư vẫn mở rộng sản xuất.

Đặc biệt, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến khá hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài nhờ vị trí gần Trung Quốc và chi phí nhân công rẻ hơn Trung Quốc. Không những vậy, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp của Việt Nam đang ngày càng cải thiện cũng là yếu tố hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, những công ty đang sở hữu quỹ đất lớn sẽ có lợi thế lớn hậu dịch bệnh.

Trên thực tế, không chỉ kinh doanh bất động sản khu công nghiệp ăn nên làm ra mà nhiều ngành khác như tài chính, bất động sản, thực phẩm, đồ uống… tiếp tục hoạt động hiệu quả, bất chấp dịch COVID-19 hoành hành.

Ngành hàng tiêu dùng nhanh như lương thực, thực phẩm, đồ uống… vẫn duy trì được tăng trưởng trong mùa dịch. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ phục hồi

Công ty Chứng khoán KBSV nhận định ngành cảng biển sẽ tăng trưởng mạnh hậu giãn cách vì giao thương quốc tế phục hồi sau dịch COVID-19. Mảng gia công phần mềm cũng tăng trưởng tốt trong tám tháng đầu năm 2021, với số lượng đơn hàng ký mới tăng mạnh cùng triển vọng nhu cầu hồi phục tốt từ các DN sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hứa hẹn một năm 2021 tăng trưởng mạnh.

Cũng theo Công ty Chứng khoán KBSV, thúc đẩy đầu tư công là phương án khả thi và nhanh nhất để hỗ trợ kinh tế sớm phục hồi. Tổng cục Thống kê ước tính nếu đầu tư công tăng thêm 1% thì GDP sẽ tăng thêm 0,058%. Các ngành và lĩnh vực được hưởng lợi sẽ là bất động sản, hạ tầng, xây dựng, nguyên vật liệu… 

Bật dậy nhờ thay đổi chiến lược chống dịch

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Dragon Capital, cho biết khi phân tích số liệu của 600 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán thì thấy rằng: Với việc giãn cách kéo dài cùng các phương pháp chống dịch nghiêm ngặt đã khiến ngành sản xuất và dịch vụ suy giảm mạnh.

Nhưng khi Chính phủ thay đổi chiến lược từ “zero COVID” sang “sống chung an toàn với dịch COVID-19” bằng cách gia tăng độ phủ tiêm chủng thì trong thời gian tới, ngành sản xuất sẽ bật tăng mạnh mẽ trở lại trong quý IV-2021. Riêng ngành dịch vụ có thể phải đến quý II-2022 mới phục hồi mạnh mẽ.

Cùng góc nhìn, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, đánh giá khi nền kinh tế mở cửa trở lại thì Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới sẽ trải qua một giai đoạn bùng nổ tiêu dùng. Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu trên diện rộng, dồn nén cho tất cả sản phẩm chứ không riêng những sản phẩm thiết yếu, từ đó thúc đẩy hàng loạt ngành nghề kinh doanh phát triển trở lại.

Vị chuyên gia này cũng rất lạc quan về ngành hàng không. Bởi mức độ đi lại bằng đường hàng không nội địa của Việt Nam hiện thấp hơn 90% so với mức trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Nhưng dự báo vào cuối năm 2022, việc đi lại bằng đường hàng không trong nước sẽ gần như tăng trở lại mức trước dịch, dựa trên tốc độ tiêm chủng hiện tại. Điều này dẫn đến thu nhập toàn ngành hàng không sẽ tăng hơn 2.000% trong năm tới.

“Kỳ vọng đầu tư công được đẩy mạnh trong quý IV-2021 sẽ giúp nhiều ngành hưởng lợi lớn như xây dựng, bất động sản” - ông Michael Kokalari dự báo.

Ngành thực phẩm được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhiều thương hiệu nằm trong tốp có lợi nhuận tốt nhất

Ngày 15-10, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kép về lợi nhuận (CAGR) trung bình của tất cả DN trong PROFIT500 là 10,12%, trong đó có những ngành nhỉnh hơn mức này. Các ngành tài chính, bất động sản, xây dựng, thực phẩm, đồ uống… tiếp tục hoạt động hiệu quả bất chấp dịch COVID-19.

Đáng chú ý, dù chịu không ít tác động của dịch COVID-19 nhưng nhiều thương hiệu tiếp tục nằm trong bảng xếp hạng có lợi nhuận tốt nhất . Đơn cử như Samsung Việt Nam, Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các ngân hàng như Techcombank, Vietcombank, VietinBank, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Vingroup, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk, Tập đoàn Hòa Phát...

Đặc biệt, trong top 10 DN tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, các ngân hàng chiếm áp đảo về số lượng với sáu đơn vị. Các công ty còn lại trong bảng xếp hạng thuộc lĩnh vực xây dựng, sữa, tập đoàn đa ngành và bán lẻ.

Tuy vậy, trong một cuộc khảo sát được Vietnam Report thực hiện hồi tháng 8 vừa qua cho thấy các DN đang phải đối mặt với những thách thức lớn do đợt dịch lần thứ tư bùng phát. Cụ thể, thiếu nhân lực để sản xuất do các quy định về giãn cách; khó khăn trong điều hành và quản lý công việc từ xa; đứt gãy chuỗi cung ứng; sức mua giảm sút; giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

Khảo sát cũng chỉ ra trong thời kỳ dịch bệnh, chuyển đổi số được coi là phao cứu sinh cho DN trước hàng loạt khó khăn, biến thách thức trở thành cơ hội. Bởi chuyển đổi số góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; quản lý, phân tích dữ liệu và theo dõi các báo cáo kịp thời, nhanh chóng và chính xác; tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả hoạt động; nâng cao năng suất lao động; tăng cường vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Nhìn về dài hạn, chuyển đổi số không chỉ giúp các DN vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh, mà còn là nhân tố quyết định sự thành bại trên thương trường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm