Vì một thành phố không rác, bớt ngập, nhiều người trẻ đã phát động đi nhặt rác ở các miệng cống, các công viên và kêu gọi người dân vứt rác đúng chỗ.
Lội cống nhặt rác trong đêm
Những ngày qua, sau những cơn mưa lớn tầm tã khiến ngập nhiều tuyến đường tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), nhiều người cảm phục khi thấy một nhóm thanh niên tích cực đi thu gom rác chống ngập. Đó là hàng chục thành viên trong nhóm “Cầu vồng trong đêm”.
Anh Lê Văn Lộc, trưởng nhóm, cho biết thời gian gần đây tình trạng mưa lớn đã gây ngập lụt nhiều tuyến đường trên TP Biên Hòa làm cho mọi người đi lại gặp khó khăn như xe hư hỏng, trễ giờ làm, tai nạn... Nhóm thử tìm hiểu và nhận thấy bên cạnh đường ống thoát nước đã cũ, nhỏ chưa được thay thế phù hợp với sự phát triển của đô thị thì nguyên nhân chính gây ngập là do rác sinh hoạt của người dân đổ xuống đường, nước trôi cuốn vào miệng cống gây nghẹt. Chính vì vậy các thành viên trong nhóm đã quyết định phát động chương trình “Vì một thành phố không có rác”.
“Khi nhóm phát động, rất nhiều thanh niên khác ủng hộ và xin tham gia để cùng đi gom rác. Nhóm chia thành nhiều tổ khác nhau để đi các tuyến đường mà mấy hôm nay bị ngập nhiều như đường Phạm Văn Thuận, Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi và các hẻm. Dụng cụ là xẻng, đồ xúc rác và bao đựng rác. Sau khi gom rác sẽ chuyển chỗ để theo đúng quy định” - Lộc chia sẻ.
Các thành viên trong nhóm cho biết vẫn còn nhiều người dân chưa có ý thức để rác đúng quy định, góp phần gây ngập úng và ô nhiễm môi trường. Những bạn trẻ này đã chứng kiến nhiều người mang cả thùng rác đổ vào miệng cống, nhiều người còn đổ đồ ăn hằng ngày xuống đường ống thoát nước. Ngoài việc gom rác, các thành viên trong nhóm còn kêu gọi người dân bên đường nên để rác đúng chỗ.
Nhóm “Cầu vồng trong đêm” ra đời hơn một năm nay, hiện có khoảng 20 bạn trẻ tham gia. Nhóm chủ yếu đi làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, các em nhỏ cơ nhỡ...
Kenta Fujii (ngồi giữa) và thành quả của cả nhóm vào sáng Chủ nhật 2-10 tại Công viên Tao Đàn. Ảnh: HOÀNG LAN
Nhóm “Cầu vồng trong đêm” đang dọn rác ở một miệng cống. Ảnh: VH
Người Nhật ra công viên dạy cách vứt rác
Thông thường sáng Chủ nhật là thời gian để ngủ nướng, nghỉ ngơi thư giãn nhưng Kenta Fujii, anh chàng người Nhật đến Việt Nam sinh sống hơn một năm trước lại thích đi nhặt rác ở các Công viên 30-4, 23-9, Tao Đàn, Hoàng Văn Thụ… Dụng cụ như bao nylon, gắp rác đến cả khăn ướt lau tay anh đều chuẩn bị sẵn và mang theo. Người tham gia chỉ cần đến tay không.
Ban đầu, anh khởi xướng hoạt động này trên Facebook và nhận được sự hưởng ứng từ một số người quen biết, trong đó chủ yếu là người Nhật. Nhờ rỉ tai nhau, các bạn là người Việt Nam tham gia ngày càng nhiều và đến nay chiếm số lượng áp đảo. 49 lần tổ chức và hơn 1.000 bạn trẻ đã tham gia là con số Kenta nhẩm tính. Gần đây nhất, vũ đoàn múa đương đại nổi tiếng của Việt Nam là Arabesque cũng đến tham gia nhặt rác và tặng màn trình diễn thu hút sự hiếu kỳ.
Kenta cho biết thỉnh thoảng cũng nhận được nhiều ánh mắt tò mò vì người ngoại quốc mà lại thích đi nhặt rác.
Cùng hai con nhỏ tham gia hoạt động rất thường xuyên, chị Mai Huệ cho biết mỗi Chủ nhật đều bắt xe buýt từ 6 giờ sáng để đến công viên nhặt rác. “Đây là hoạt động thiết thực để rèn luyện cho các bé thói quen bảo vệ môi trường, tính cẩn thận. Dọn rác nhiều lần ở công viên, tôi thấy nhiều bạn trẻ khi uống nước hoặc hút thuốc xong thì toàn vứt xuống chân mặc dù có thùng rác gần đó. Khi thấy có người nhặt rác, các bạn mới có ý thức hơn là tự động bỏ vào bao cho mình” - chị Huệ chia sẻ.
Hơn nửa năm nay, chị Nguyễn Thị Ngọc (60 Nguyễn Thái Học, Hội An, Quảng Nam) âm thầm đi xin bao nylon từ các hộ gia đình và giặt sạch để tặng lại cho tiểu thương tái sử dụng. Đây cũng là địa chỉ ngôi nhà cổ, nơi phục vụ khách du lịch tham quan mà chị Ngọc hiện đang làm quản lý. Những bao nylon được chị Ngọc mang về giặt sạch thường không quá dơ như bao đựng rau nhưng thông thường chủ nhà sẽ vứt đi. Gần đây, chị Ngọc còn tái sử dụng những vỏ mì tôm, vỏ bánh kẹo, vỏ sữa thành những túi quà xinh xắn đựng đồ lưu niệm khiến khách thích thú. Bản thân chị Ngọc và nhân viên trước khi ra chợ cũng cầm theo vài cái bao để đỡ phải xin thêm. Ban đầu, chị Ngọc chỉ đơn độc làm nhưng nay chị đã có thêm phụ tá là vài nhân viên ở chỗ làm.
Một tiểu thương vui mừng nhận bao nylon đã được giặt sạch do chị Ngọc tặng. Ảnh: HOÀNG LAN Ngọc không mong nhận được nhiều bao nylon mà chỉ muốn thông qua việc làm nhỏ này, nhiều người có nhận thức hơn và hạn chế việc vứt bỏ bao nylon ra môi trường. “Thời gian để một chiếc bao nylon phân hủy hoàn toàn có thể mất đến 500 năm. Tiết kiệm được một chiếc bao nylon là hạn chế xả thải ra môi trường. Việc này không khó nhưng không mấy người lưu tâm. Bảo vệ môi trường mình đang sống cũng là bảo vệ chính mình” - chị Ngọc chia sẻ. _____________________________ Việc làm nhỏ thôi nhưng tôi mong muốn sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi người. Ở Nhật, hoạt động này là thường xuyên. Chúng tôi không chỉ làm ở công viên mà còn ở bãi biển, sông, núi, ga tàu điện ngầm… Anh KENTA FUJII |