Những nhà vô địch Trung Quốc: Từ đỉnh cao về đáy xã hội

Theo tạp chí Thể thao Trung Quốc hàng ngày, gần 80% trong tổng số 300.000 VĐV nước này đang phải vật lộn với chấn thương, thất nghiệp và nghèo đói sau khi giải nghệ.

Có vẻ như, những lò đào tạo đầy khắc nghiệt của Trung Quốc đã dạy các VĐV của mình cách trở thành những "cỗ máy săn vàng" trong thể thao nhưng không thể khiến họ làm lại điều tương tự trong cuộc sống thường nhật.

Những nhà vô địch Trung Quốc: Từ đỉnh cao về đáy xã hội

“Cơm áo không đùa với khách thơ”

Không có kiến thức căn bản, thiếu kĩ năng sống, thế giới phức tạp bên ngoài phòng tập với nỗi lo cơm, áo, gạo tiền đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều VĐV mà không nhiều người trong số họ có thể vượt qua.

Cựu vô địch cử tạ châu Á Cai Li đã chết vì viêm phổi ở tuổi 33 sau khi ông không thể đủ khả năng để trả các hóa đơn y tế của mình. Liu Fei, bảy lần vô địch quốc gia và vô địch thế giới ở môn thể dục dụng cụ đang đấu tranh để sinh tồn với 800 NDT (tương đương 2,8 triệu VNĐ) mà cô kiếm được hàng tháng từ việc dạy kèm thể dục.

Những nhà vô địch Trung Quốc: Từ đỉnh cao về đáy xã hội
Liu Fei và căn hộ chật chội tại một khu dân cư nghèo.
Đặc biệt, nhà vô địch giải Marathon Quốc tế Bắc Kinh năm 1999 Ai Dongmei đã tuyên bố cách đây vài năm rằng cô không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc bán những huy chương đã giành được để nuôi sống gia đình.

Ai Dongmei phải trải qua công việc bán quần áo cũng như bỏng ngô trên khắp các đường phố Bắc Kinh để kiếm kế sinh nhai. Không dừng lại ở đó, cô còn quyết định bán 19 chiếc huy chương như là phần kí ức đẹp đẽ, chói lọi nhất trong cuộc đời để có thể chăm sóc cho gia đình cũng như đòi lại công bằng cho sự hi sinh của mình suốt hai thập kỉ. Ai Dongmei đã khởi kiện HLV của mình vì cho rằng ông đã ăn chặn tiền thưởng của cô cũng như Hiệp hội thể thao nhằm đòi lại 160.000 NDT như là khoản bồi thường cho những chấn thương mà cô gặp phải trong thời gian tập luyện và thi đấu.

Những nhà vô địch Trung Quốc: Từ đỉnh cao về đáy xã hội
Ai Dongmei phải đấu tranh cật lực mới nhận được tiền hỗ trợ phẩu thuật căn bệnh quái ác.
Hành trình đi tìm công lí của Ai Dongmei với sự trợ giúp và quan tâm của dư luận cũng đã tìm được cái kết có hậu. Cô nhận được bồi thường 200.000 NDT từ Hiệp hội thể thao và có thể tiến hành ca phẫu thuật bàn chân đã bị biến dạng do những ngày tháng tập luyện gian khổ.

Từ vinh quang đến tận cùng nỗi đau

Khi Zou Chunlan bỏ học ở tuổi 13 để theo đuổi con đường của một VĐV chuyên nghiệp, HLV tuyển dụng đã đảm bảo rằng suốt phần đời còn lại của cô chỉ cần quan tâm đến việc giành chiến thắng. Trong suốt một thập kỷ, Zou đã nghe theo lời khuyên của ông để nỗ lực giành danh hiệu quốc gia cử tạ đầu tiên vào năm 1990 khi 19 tuổi và bỏ túi 4 chức vô địch quốc gia khác. Nhưng khi giã từ sự nghiệp vào năm 1993, Zou đã phát hiện ra rằng viễn cảnh về một cuộc sống vô lo đã tan theo bong bóng.

Giờ đây, thực tại mà Zou phải đối mặt còn khốc liệt hơn bất cứ một bài tra tấn thể lực nào mà cô đã từng trải qua. Sau 3 năm làm việc vặt trong nhà bếp của đột tuyển cử tạ, Zou đã bị yêu cầu thôi việc. Cô sau đó phải phải lăn lộn ở công trường với công việc bốc vác rồi lại tìm đến công việc của một nhân viên massage trong các phòng tắm hơi công cộng với thu nhập vài trăm NDT một tháng.

Những nhà vô địch Trung Quốc: Từ đỉnh cao về đáy xã hội
Zou Chunlan phải bán bộ sưu tập huy chương để nuôi sống bản thân và gia đình.

Thế nhưng, những thiếu thốn về vật chất vẫn chưa phải là tận cùng nỗi đau của người phụ nữ bất hạnh này. Những tấm huy chương không chỉ lấy đi của cô mồ hôi, nước mắt và những năm tháng đẹp đẽ của tuổi trẻ mà còn cướp đi niềm hạnh phúc lớn lao nhất của một người phụ nữ.

"HLV nói với tôi thứ thuốc đó giúp tăng cường dinh dưỡng và tôi đã tin tưởng anh ta". Zou chua xót nói về steroid - một chất bị cấm từ năm 2005 do những tác động khủng khiếp của nó đến sức khỏe con người đã được tiêm liên tục vào người cô trong những năm tháng còn thi đấu.

Những nhà vô địch Trung Quốc: Từ đỉnh cao về đáy xã hội
Cô làm công việc ở một phòng mát-xa với công rẻ mạt.

Những mũi tiêm ấy đã cướp đi tất cả những điều tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban cho một người phụ nữ như Zou, để rồi giờ đây người ta phải làm quen với hình ảnh một người phụ nữ có giọng nói ồm ồm, cạo râu mỗi sáng và cô đơn suốt quãng đời còn lại vì căn bệnh vô sinh vật lộn hàng ngày với cuộc sống mưu sinh trong các phòng tắm công cộng.
May mắn thay, với sự quan tâm của công chúng cũng như các tổ chức xã hội, Zou đã bắt đầu công việc mới với một tiệm giặt ủi của riêng mình ở thành phố Trường Xuân. Những gánh nặng đã được xã hội san sẻ bớt, thế nhưng nỗi đau tột độ mà Zou đang phải trải qua thì không ai có thể đồng cảm được.

Liệu những tấm huy chương có thực sự đáng giá hơn hạnh phúc của một đời người? Một khi những nhà lãnh đạo thể thao chưa tìm được cách tưởng thưởng xứng đáng cho những người làm ra tấm huy chương, tốt nhất nên ngừng nghĩ đến việc giành lấy nó.
Theo VTC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm