Những quy định 'gây choáng' cho nhiều người

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang tổ chức Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất (TopTen Regulations).

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, cho hay đến nay đã có khoảng 150 quy định được đề cử.

Nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp, người dân

Các đề cử cho đến nay phần lớn là những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN), người dân.

Chẳng hạn, Thông tư 57 của Bộ Công an quy định phải có bình chữa cháy trên xe ô tô khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về quy trình xây dựng thông tư này. Một số câu hỏi có thể liệt kê: Liệu cơ quan soạn thảo đã đăng công khai đủ 60 ngày trên website của mình chưa? Liệu cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp chưa? Việc tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp như thế nào?...

Những quy định can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của DN một cách thô bạo cũng được đề cử. Chẳng hạn quy định giám đốc/người đứng đầu cơ sở in phải có bằng cao đẳng ngành in.

Như vậy, DN không được phép bổ nhiệm người không có bằng cao đẳng làm giám đốc bất kể năng lực điều hành của người này giỏi cỡ nào. Trong khi các cổ đông góp vốn là người hiểu rõ nhất năng lực của một cá nhân thay vì căn cứ vào một tấm bằng.

Quy định DN vận tải biển phải có nhân viên pháp chế khác chỉ bày thêm mâm bát. Trong khi xu hướng thị trường hiện nay là các DN sẽ ký hợp đồng dài hạn với một công ty luật để có thể nhận được tư vấn pháp lý chuyên nghiệp và có bảo hiểm bất kỳ lúc nào họ muốn.

“Tư duy Nhà nước lo hộ, nghĩ hộ, can thiệp thô bạo vào các quyết định kinh doanh của DN là tư duy kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Và Việt Nam đã có hàng chục năm bao cấp để chứng minh rằng cách làm này không hiệu quả, vì đây không phải việc của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường” - một thành viên ban tổ chức nhận định.

Thong tư 57 ca B Cong an quy định phi co binh cha chay tren xe o to khiến dư lun băn khoăn. nh: TUYN PHAN

Xài nước biển cũng phải trả tiền

Tháng 6-2015, liên bộ TN&MT và Tài chính lấy ý kiến về quy định thu tiền sử dụng khu vực biển với mức thu cao nhất 7,5 triệu
đồng/ha/năm.

Dự thảo này đã vấp phải sự phản đối tương đối mạnh mẽ từ phía dư luận xã hội bởi phát triển kinh tế biển đang là trọng tâm phát triển của Việt Nam, vừa giúp tận dụng lợi thế biển, vừa tăng cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Người dân gọi quy định này là: Xài nước biển cũng phải trả tiền!

Hay Luật Kế toán năm 2015 vừa mới ban hành đưa ra nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý đối với dịch vụ kế toán như không cho các công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ kế toán, người đại diện pháp luật, giám đốc, tổng giám đốc hoặc chủ DN phải là kế toán viên.

Ban tổ chức cuộc bình chọn nhận định: Những quy đinh theo kiểu “người đứng đầu” phải có bằng cấp này bằng cấp khác đã can thiệp quá sâu vào quyền quản trị nội bộ của DN. Đôi khi người có bằng cấp chuyên môn lại không có kỹ năng quản trị. Tại sao lại không có phép DN chuyên môn hóa, người có bằng chuyên môn cứ làm việc chuyên môn, người có kỹ năng quản trị sẽ làm giám đốc?

Đó là chưa kể các quy định này sẽ tạo thêm thủ tục hành chính, tạo thêm cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực.

Bộ hưởng ứng, bộ giải trình

Một số bộ, ngành đã “chào đón” và bước đầu có “phản ứng” tích cực đối với cuộc bình chọn này, dù với thái độ còn khá dè dặt.

Bộ GTVT đã ngay lập tức có công văn gửi các đơn vị trong Bộ để thông báo về cuộc bình chọn và đề nghị các đơn vị gửi đề cử cho VCCI và gửi về Vụ Pháp chế Bộ để tổng hợp.

Với tư cách là người gác cổng cho Chính phủ về mặt pháp luật, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng của Bộ Tư pháp cũng đã ký công văn gửi bảy đề cử quy định tốt và bảy đề cử quy định tồi cho VCCI.

Tuy nhiên, theo một thành viên ban tổ chức cuộc bình chọn, không phải bộ nào cũng hưởng ứng với thái độ quyết liệt như trên. Đã có những “cuộc điện thoại”, “email” từ các bộ đến với ban tổ chức nhằm “tâm tình” về quy định của mình. Người thì giải trình, người thì đề nghị không đưa, lại có người còn hứa sẽ sửa ngay trong tháng tới.

Nhưng quyền quyết định bây giờ không nằm trong tay ban tổ chức mà là các hiệp hội DN, DN, các chuyên gia và người dân. Cách duy nhất để một quy định khỏi phải nhận giải “mâm xôi” là các bộ phải thuyết phục được cả cộng đồng đó. Và cũng chỉ có cách là sửa sớm, làm nhanh, làm tốt thì mới có thể thay đổi được quan điểm của cộng đồng.

Đánh giá về cuộc bình chọn đến thời điểm này, luật sư Trương Thanh Đức, thành viên hội đồng bầu chọn, nhận định đây là một cú “tấn công” vào hệ thống pháp luật còn nhiều rối rắm, phức tạp, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hiện nay của Việt Nam.

“Một việc nhỏ nhưng sẽ có tác động lớn đến tất cả người soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản pháp luật. Người ta sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn, suy nghĩ chín chắn hơn, thể hiện thận trọng hơn” - luật sư Trương Thanh Đức nói.

Quy định cách làm mới

Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định khi DN nộp hồ sơ xin tự in hóa đơn sau năm ngày, nếu cơ quan thuế không có ý kiến bằng văn bản thì DN được sử dụng hóa đơn tự in. Thủ trưởng cơ quan thuế chịu trách nhiệm về việc không trả lời DN.

Quy định tưởng nhỏ nhưng thể hiện một cách làm mới về quản lý nhà nước. Thử tưởng tượng nếu nguyên tắc này được áp dụng rộng rãi: Quá thời hạn kiểm tra hải quan, kiểm tra chuyên ngành, nếu cơ quan nhà nước chưa có văn bản trả lời thì coi như hàng hóa của DN đáp ứng điều kiện nhập khẩu và được thông quan; quá thời hạn ra kết luận thanh tra mà cơ quan nhà nước không có văn bản kết luận thì coi như DN không vi phạm.

Liệu đây có thể coi là một quy định tốt?

Ông NGUYỄN MINH ĐỨC, Ban Pháp chế VCCI

Kéo dài thời hạn đề cử đến ngày 29-2

Theo kế hoạch, ngày 22-1 sẽ kết thúc giai đoạn đề cử. Tuy nhiên, nhiều hiệp hội DN muốn có thêm thời gian để triển khai cuộc bình chọn này đến tất cả hội viên, do đó ban tổ chức quyết định kéo dài thời hạn đề cử đến ngày 29-2. Cá nhân, tổ chức có thể gửi đề cử các quy định pháp luật mà mình cho rằng tốt hoặc tồi về cho ban tổ chức theo địa chỉ sau: http://topten.vibonline.com.vn/home/index, https://www.facebook.com/binhchonquydinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm