Ngày 19-1, dạo qua các thông tin trên mạng và các cửa hàng bán bình chữa cháy ở TP.HCM, những người bán hàng cho biết đa số bình chữa cháy chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. Giá cả thì có đủ loại chọn nhưng chất lượng thì để ngỏ.
“Kiểm định bình Trung Quốc lúc… thông quan”
Chúng tôi có mặt tại cửa hàng của Công ty PCCC A. (đường Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình) thì được nhân viên bán hàng giới thiệu một số loại bình chữa cháy mini 1 kg, 2 kg mà người này nói là “đang cháy hàng”. Chúng tôi hỏi về nguồn gốc thì người này khẳng định: “Hơn 90% bình chữa cháy mini tại cửa hàng và ở TP.HCM đều được nhập từ Trung Quốc. Số còn lại nhập từ Nhật Bản và các nước khác”.
Theo đó, bình chữa cháy mini bằng sắt loại 1 kg của Trung Quốc giá 200.000 đồng/bình và loại 2 kg giá 250.000-300.000 đồng/bình. Bình chữa cháy cùng loại được giới thiệu là của Nhật thì giá đến 800.000 đồng/bình… Người bán cũng cam kết bảo hành 12 tháng cho bình Trung Quốc và ba năm cho bình của Nhật.
Đến một cửa hàng khác trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 12, quận 10) thì chúng tôi cũng được giới thiệu về những mặt hàng tương tự. Cửa hàng này còn bán các loại bình sử dụng một lần, dung tích 500 ml (giá 110.000 đồng) và 1.000 ml (giá 190.000 đồng) ghi xuất xứ từ Singapore. Ngoài ra, nhiều cửa hàng còn chuyên sạc bình chữa cháy (giá 30.000 đồng/kg) cho các bình sử dụng nhiều lần…
Theo quan sát của PV, các bình được giới thiệu từ Trung Quốc đều chưa có dán tem kiểm định. Dù vậy, những nhân viên bán hàng vẫn một mực nói các bình này đã được kiểm định lúc… thông quan và cửa hàng sẽ dán tem bảo hành của cửa hàng khi khách trả tiền mua. “Nếu cần thiết thì cửa hàng sẽ cung cấp các bản phôtô giấy tờ để chứng minh nguồn gốc, chất lượng” - nhiều nhân viên cùng nói.
Đa số bình chữa cháy bán ở TP.HCM được nhập khẩu từ Trung Quốc, chưa có tem kiểm định. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Ngoài tầm kiểm soát
Ông Nguyễn Hoàng Nam (quận 12, TP.HCM) cho biết khi quy định xử phạt ô tô không có bình chữa cháy có hiệu lực, ông tìm hiểu về nhiệt độ phù hợp để bảo quản các bình chữa cháy là từ -10oC đến 55oC, nếu quá có thể nổ. “Như vậy, xe phải đậu ở chỗ mát thì bình mới không nổ nhưng với điều kiện bãi đậu xe khan hiếm như ở TP.HCM thì điều kiện này khó thể đáp ứng được. Khi đó nếu bình chữa cháy trong xe tự nổ thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm trước các thiệt hại về tài sản, sức khỏe của người dân?” - ông Nam đặt vấn đề.
Theo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (C66 Bộ Công an), bình chữa cháy thông dụng được nhà sản xuất quy định điều kiện bảo quản từ -7oC đến 55oC. C66 chịu trách nhiệm trong việc kiểm định chất lượng các bình chữa cháy và phát hành tem kiểm định cho mặt hàng này, còn cơ quan quản lý thị trường sẽ chịu trách nhiệm về bình giả, bình nhái trên thị trường.
Tuy vậy, chiều 19-1, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết vừa qua đơn vị có kiểm tra, phát hiện hàng chục bình chữa cháy không có hóa đơn, chứng từ, chủ yếu từ Trung Quốc. Nhưng quản lý thị trường chỉ kiểm tra, xử lý người bán về việc kinh doanh hàng không có hóa đơn, chứng từ như các mặt hàng thông thường, còn về chất lượng của bình thì thuộc trách nhiệm của đơn vị khác.
Trong khi đó, tại một buổi họp báo mới đây, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về PCCC Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết hiện có bất cập trong việc quản lý các cơ sở kinh doanh bình chữa cháy. “Theo quy định, bình chữa cháy phải được các cơ quan có thẩm quyền kiểm định mới được đưa vào lưu thông, sử dụng. Tuy nhiên, việc buôn bán bình chữa cháy mini cho ô tô ngoài tầm kiểm soát. Nhiều cơ sở nhập các loại trôi nổi, kém chất lượng, không được kiểm định bán ra thị trường” - Đại tá Quan nhận định.
Theo ông Quan, hiện ai cũng có thể buôn bán bình chữa cháy, trong khi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, Nghị định 79/2014 quy định chi tiết thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung buộc người đứng đầu, nhân viên các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bình chữa cháy phải có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn… “Nhưng để thực hiện điều này cần khoảng ba năm chuẩn bị để người kinh doanh đi học lấy bằng cấp” - Đại tá Quan nói.
(Báo Pháp Luật TP.HCM khảo sát trên 1.008 người)
Nổ bình chữa cháy: Nơi bảo hiểm, nơi không Một nhân viên kinh doanh bảo hiểm ô tô Bảo Việt cho biết các vụ hỏa hoạn, cháy, nổ ô tô cần được xác định rõ nguyên nhân. Việc này do đơn vị giám định thực hiện. Kết quả giám định xác định cháy nổ do thiết bị, phụ tùng của nhà sản xuất xe thì họ chi trả bảo hiểm. Nếu xe để trong hầm xe, garage mà cháy do cháy nhà, bãi giữ xe thì phía giữ xe bồi thường. Trường hợp giám định cho thấy cháy, nổ do thiết bị, phụ kiện mà chủ xe gắn thêm vào cũng không bảo hiểm. Bình chữa cháy được coi là vật gắn thêm vào xe nên nếu gây ra thiệt hại thì không được bảo hiểm. Tuy nhiên, ông Phạm Trường Khánh, Giám đốc marketing của Bảo hiểm Liberty, cho biết Liberty vẫn bồi thường cho rủi ro cháy nổ từ bình chữa cháy. Nếu xe có mua bảo hiểm về người, cho xe thì khi bình tự nổ gây thiệt hại về người và hư hỏng xe thì đều được bảo hiểm. Chỉ khi chủ xe gắn thêm các phụ tùng, phụ kiện, “độ” xe... làm ảnh hưởng kết cấu, ảnh hưởng sự hoạt động bình thường của xe, gây ra cháy nổ dẫn đến thiệt hại thì mới không được bảo hiểm. Ví dụ, chủ xe gắn thêm thiết bị làm tăng tải điện gây quá tải, làm cháy, nổ thì bị từ chối bảo hiểm. QUỲNH NHƯ Bình chữa cháy tự nổ, xì - Rạng sáng 17-1, ông Nguyễn Hoàng Hải (quận Ba Đình, Hà Nội) lái ô tô bốn chỗ BMW thì bình chữa cháy mini trong xe nổ, xì bọt trắng xóa. Ông Hải nói mua bình này cách đây khoảng 10 ngày. - Chiều 16-1, bình chữa cháy mini trong xe bốn chỗ đang đậu ngoài sân của ông Ngô Hiếu Thuận (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) tự nổ, gây hư hỏng cửa xe, nứt thùng loa xe. - Khoảng 10 ngày trước, bình chữa cháy loại to bằng bắp đùi dùng cho xe tải 3,5 tấn của ông Trần Sĩ Nhân (huyện Bình Đại, Bến Tre) tự nổ văng xuyên qua trần nhà bằng mái tôn. - C66 cho thử nổ các loại bình chữa cháy và xác định có những bình dạng lỏng, hóa chất vượt quá giới hạn về nhiệt độ sẽ tự nổ. Riêng bình bột thì chịu được đến 1.000oC. |