Khi Trung Quốc và Nga phát triển máy bay tàng hình tiên tiến, Không quân Mỹ đối mặt hai vấn đề, theo trang Business Insider.
Mỹ đối mặt 2 vấn đề khi Nga - Trung phát triển máy bay tàng hình tiên tiến
Vấn đề thứ nhất là làm sao đánh bại những máy bay hiện đại như tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc hay Su-57 của Nga. Đây là những máy bay chiến đấu được thiết kế để giảm thiểu khả năng bị radar phát hiện. Vấn đề này lại làm nảy sinh vấn đề thứ hai, đó là làm sao phi công quân sự Mỹ thử nghiệm vũ khí và chiến thuật để chống lại những máy bay này mà không có mục tiêu thực tế?
UAV mục tiêu BQM-167 của Không quân Mỹ được phóng tại căn cứ không quân Tyndall năm 2015. Ảnh: US Air Force/Sara Vidoni |
Máy bay không người lái (UAV) mục tiêu hiện nay của Mỹ là những máy bay có người lái thế hệ thứ tư có từ thời Chiến tranh Lạnh như F-4 và F-16 hoặc những UAV cỡ nhỏ như BQM-167A của Không quân Mỹ. Những máy bay F-4 và F-16 đã được chuyển đổi thành UAV mục tiêu QF-4 và QF-16 được điều khiển từ xa. BQM-167A là máy bay cận âm, chỉ dài 6 m, trong khi Su-57 dài gần 20 m và J-20 dài 21 m.
Mỹ tìm kiếm loại UAV mục tiêu tốt hơn
Không có loại UAV mục tiêu nào sao chép được khả năng tàng hình, cơ động và hệ thống phòng thủ của máy bay thế hệ thứ năm.
Vì thế, Không quân Mỹ đang tìm kiếm một loại UAV mục tiêu thế hệ kế tiếp không chỉ giống với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, ít nhất là về màn hình radar hay cảm biến hồng ngoại, mà còn phát ra tín hiệu radar và tín hiệu nhiễu mà phi công Mỹ sẽ gặp phải trong thực chiến. Ngoài ra, máy bay này còn có thể “bị phá hủy”, điều này đồng nghĩa giá thành phải đủ rẻ để có thể nổ tung trong quá trình thực hành mục tiêu.
Trong khi Không quân Mỹ cho biết đây chỉ là những yêu cầu sơ bộ, những thông số kỹ thuật ban đầu gợi ý chiếc UAV mục tiêu Mỹ mong muốn có khả năng hoạt động tốt hơn nhiều so với những mục tiêu trên không hiện tại.
Theo đó, phương tiện mới phải có khả năng thực hiện các vụ nổ ở tốc độ siêu thanh, với tối thiểu hai cú va chạm siêu thanh ở tốc độ Mach 1.2 (1.470 km/giờ) cách nhau 2-4 phút. Độ cao hoạt động nên là từ 30 m đến 15 km, đồng thời phải thực hiện các thao tác cơ động gia tốc cao.
Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga. Ảnh: Sergei Bobylev/TASS/Getty Images |
Gây nhiễu và mồi nhử sẽ là một phần quan trọng của thiết kế. Không quân Mỹ muốn có một UAV có thể mang hệ thống phóng mồi bẫy ALE-47 vốn có thể phát hiện radar và tên lửa của đối phương đang nhắm vào máy bay và đáp trả bằng cách phóng ra các mồi nhử hồng ngoại.
Không quân Mỹ mô tả một nhiệm vụ thử nghiệm điển hình kéo dài hai giờ đồng hồ, theo đó UAV mục tiêu bay tự động trong phạm vi 400 km đến một địa điểm được chỉ định và giữ nguyên vị trí tại đây trong 10 phút trước khi thực hiện một vụ phóng siêu thanh trong hai phút và sau đó lặp lại chu kỳ. Nếu UAV này không bị phá hủy trong trận chiến giả định thì có thể hạ cánh trên đường băng hoặc bằng dù.
Không quân Mỹ muốn các nguyên mẫu được phát triển trong vòng năm năm sau khi hợp đồng được ký kết. Điều này có thể đồng nghĩa các mẫu đầu tiên sẽ không thể đi vào hoạt động cho tới khoảng năm 2030.
Đáng chú ý, trong Yêu cầu cung cấp thông tin (Request for Information - RFI) ban hành hồi tháng 7, Không quân Mỹ nhấn mạnh rằng UAV mục tiêu cần phải có giá phải chăng, cho thấy chi phí là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Khả năng tái sử dụng cũng có thể rất quan trọng, do Không quân Mỹ dường như không đặt hàng số lượng lớn. RFI yêu cầu các nhà thầu ước tính chi phí cho sản xuất trọn gói tối đa 12 chiếc mỗi năm trên cơ sở mua sắm hàng năm trong 5, 10 và 15 năm.
Khi công nghệ mới được phát triển để ngăn chặn các loại vũ khí hiện đại chẳng hạn như tên lửa siêu thanh thì sẽ cần thiết bị thử nghiệm thế hệ mới có thể sao chép đủ các tính năng của thiết bị đối phương. Một vũ khí chỉ tốt khi nó trải qua quá trình thử nghiệm.