Lý do gì khiến F-35 của Mỹ dễ đánh bại Su-57 của Nga, J-20 của Trung Quốc?

Vài năm trở lại đây đã chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm. Trong khi Nga tiến tới biên chế tiêm kích Su-57 Felon thì Trung Quốc tung ra J-20 Might Dragon được trang bị động cơ mới như câu trả lời của nước này đối với cặp tiêm kích tàng hình F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ.

Theo trang tin The EurAsian Times, mặc dù những máy bay trên sở hữu nhiều tính năng hiện đại khác nhau nhưng tiêm kích F-35 của tập đoàn Lockheed Martin vẫn được coi là có lợi thế hơn so với những máy bay còn lại.

F-35 đi trước F-22, J-20 và Su-57 một bước?

F-35, niềm tự hào của Mỹ, được biết đến là máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới. Máy bay công nghệ cao này gần đây đã tiến một bước gần hơn tới việc trở thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên có khả năng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân.

Tiêm kích F-35A Lightning II mang bom hạt nhân chiến thuật B61-12 tại căn cứ không quân Nellis (bang Nevada, Mỹ) hôm 21-9. Ảnh: Airman 1st Class Zachary Rufus/Air Force

F-35 Lightning II là tiêm kích một chỗ ngồi và có ba biến thể, đó là F-35A (phiên bản cất và hạ cánh thông thường dành cho Không quân Mỹ), F-35B (phiên bản cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng dành cho Thủy quân Lục chiến Mỹ) và F-35C (phiên bản hoạt động trên tàu sân bay dành cho Hải quân Mỹ).

Hôm 21-9, hai máy bay F-35A của Không quân Mỹ được trang bị bom hạt nhân chiến thuật B61-12 phiên bản giả lập để thực hiện chuyến bay thử nghiệm cuối cùng trong khuôn khổ chương trình thử nghiệm mang tên “Trình diễn hệ thống vũ khí đầy đủ”.

Không quân Mỹ ra tuyên bố cho biết cuộc thử nghiệm đã giúp F-35A Lightning II trở thành khí tài thử nghiệm bom B61-12 tiêu biểu nhất.

Để vượt qua quy trình chứng nhận hạt nhân, các tiêm kích F-35A phải trải qua hai giai đoạn. Sau khi hoàn thành bài thử nghiệm trên máy bay đầu tiên để lấy chứng chỉ hạt nhân ban đầu, máy bay cần thực hiện chuyến bay thử nghiệm tốt nghiệp để đạt chứng chỉ thiết kế hạt nhân.

Dữ liệu thu được từ những bài kiểm tra này sau đó sẽ được Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Năng lượng Mỹ đánh giá nhằm kiểm tra xem cả F-35A và bom B61-12 có thực hiện đúng vai trò của chúng trong hai bài thử nghiệm hay không.

Phi đội F-35

Hiện tại Không quân Mỹ có tổng cộng 280 phiên bản F-35A trong kho vũ khí. Không quân Mỹ có kế hoạch mua thêm 1.763 máy bay F-35A trong những năm tới. Bên cạnh đó, Thủy quân Lục chiến Mỹ có kế hoạch mua 353 chiếc F-35B và Hải quân Mỹ đang tính mua 273 chiếc F-35 phiên bản C.

Ngoài ra, một số đồng minh của Mỹ cũng đang tích hợp tiêm kích F-35 vào lực lượng không quân của họ. Hiện có ít nhất 13 quốc gia vận hành hoặc lên kế hoạch vận hành mẫu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm này.

Tiêm kích Su-57 của Nga. Ảnh: Wikimedia Commons

Hàn Quốc hiện có 16 chiếc F-35 trong kho vũ khí. Tại châu Âu, Đan Mạch và NaUy cũng đang trong quá trình tiếp nhận và vận hành F-35.

Một số quốc gia khác như Thụy Sĩ, Israel, Ba Lan, Nhật, Úc, Ý, Hà Lan, Bỉ, Singapore và Anh đang trong nhiều giai đoạn khác nhau để mua và vận hành chiến cơ hiện đại này.

Khi so với các tiêm kích J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga, F-35 hiện diện với số lượng khổng lồ. Tính đến năm 2021, Trung Quốc chỉ có 150 tiêm kích tàng hình J-20 đang hoạt động và người Trung Quốc đã nhận ra khoảng cách lớn này trong năng lực sản xuất của họ.

Tờ Global Times của Trung Quốc trước đó dẫn lời ông Wang Haitao, thành viên nhóm thiết kế chương trình J-20 nói rằng bất kỳ mức độ nhu cầu nào từ Không quân Trung Quốc đều có thể được ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc đáp ứng.

Về Nga, đến nay nước này chỉ nhận 12 chiếc tiêm kích Su-57. Tập đoàn quốc nhà nước Rostec của Nga tuyên bố việc sản xuất đang được tiến hành.

Theo các báo cáo, Nga đã đặt hàng 76 chiếc Su-57. Như vậy, về mặt con số tiêm kích tàng hình F-35 có thể dễ dàng qua mặt Su-57 của Nga và J-20 của Trung Quốc.

Kinh phí cho chương trình F-35

Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng đã hối thúc Nhà Trắng tài trợ cho chương trình F-35 Lightning II trong những năm tới. Tuy nhiên, một ủy ban của Thượng viện đã nêu ra những lo ngại liên quan tới những thách thức bảo trì khác nhau mà loại máy bay này đang đối mặt.

Trong lá thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 20-10, 89 nhà lập pháp nói rằng Mỹ cần tiếp tục đầu tư vào chương trình F-35 trong yêu cầu ngân sách Năm tài khóa 2023 và Kế hoạch phòng thủ tương lai của Bộ Quốc phòng.

Tiêm kích J-20 của Trung Quốc. Ảnh: TWITTER

“Lầu Năm Góc cần mua ít nhất 100 chiếc F-35 cho quân đội Mỹ mỗi năm, đầu tư vào các năng lực tiên tiến để đón đầu các mối đe dọa từ kẻ thù và cung cấp đủ kinh phí để duy trì máy bay này trong vài thập niên” – các nghị sĩ viết trong thư và không nêu rõ mức kinh phí chính xác.

“Như quý vị đã biết, các đối thủ của chúng ta tiếp tục cải tiến hệ thống tên lửa đất đối không và phát triển máy bay tàng hình của riêng họ với tốc độ đáng kinh ngạc. Mỹ phải hiện đại hóa kho máy bay chiến đấu để đảm bảo chúng ta có thể duy trì một nền quốc phòng mạnh mẽ và duy trì lợi thế để chống lại mối đe dọa đang phát triển – Trung Quốc” – thư có đoạn.

Các nhà lập pháp Mỹ mô tả tình hình này đặc biệt đáng lo ngại. Các nhà lập pháp Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của F-35 đối với nền tàng sản xuất của quốc gia, với hơn 1.800 nhà cung cấp và gần 254.000 công nhân đóng một số vai trò sản xuất mẫu máy bay này.

“Vào thời điểm nền kinh tế của chúng ta phải gánh chịu những tác động tàn phá do COVID-19, chương trình này tiếp tục tạo ra việc làm, thúc đẩy sự phát triển lực lượng lao động và thúc đẩy cơ hội kinh tế” – thư viết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm