Bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện biên giới Mường Lát, cách trung tâm của tỉnh Thanh Hóa về phía Tây 250 km. Để vào được bản Tà Cóm chỉ có thể vượt sông Mã hoặc đi bằng đường mòn hàng chục km. Đây cũng là bản duy nhất của Thanh Hóa chưa có đường, điện; tỉ lệ đói nghèo cao nhất huyện.
Đẻ nhiều… đói nghèo
Ngôi nhà của chị Mùa Thị Sau ẩn mình giữa rừng. Khi đến nhà, chị Sau đang ôm đứa con còn nhỏ ngồi bên bậu cửa, vây quanh là năm đứa con nhỏ, mỗi đứa chỉ cách nhau 1-2 tuổi.
Những đứa trẻ thiếu thốn quần áo, không giày dép với những đôi chân trần lem luốc giữa cái lạnh của ngày đầu đông. Thấy người lạ, chị co mình lại tựa vào góc giường cũ.
Anh Sùng A Pó, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lý, huyện Mường Lát cùng đi với chúng tôi, bảo chị Sau không hiểu được tiếng Kinh bởi chị chưa bao giờ ra khỏi bản Tà Cóm.
Cuộc sống của chị chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà dựng bằng phên nứa và những tấm gỗ cũ, sắp mục nát.
Cán bộ Pó kể: Chị Sau năm nay 37 tuổi nhưng đã sinh liên tiếp 10 đứa con. Sở dĩ, sinh nhiều con là do tục lệ của người Mông phải có con trai, chín đứa đầu là con gái, đến đứa thứ 10 may sao là con trai nên chị mới không phải đẻ nữa!
Nhờ anh Pó hỏi giúp bằng tiếng Mông, rằng chị sinh nhiều vậy thì có đủ ăn, các con có được đi học không? Chị bảo vì nhà nghèo, cái ăn không đủ nên định chỉ sinh mấy đứa thôi nhưng đẻ mãi, đẻ mãi mà toàn con gái.
Biết là khổ nhưng chồng chị nói phải đẻ được con trai mới thôi. Thế là chị đẻ liền một mạch chín đứa con gái. "Đến đứa thứ 10 là con trai nên mừng lắm, giờ thì không phải đẻ nữa rồi"- chị nói.
Chị Sau còn bảo được nhà nước hỗ trợ gạo, lại làm được nương rẫy, nuôi thêm bò nên không sợ đói như trước đây nữa.
Dù vậy, mấy đứa lớn nhà chị đã phải nghỉ học, một đứa đi làm ăn xa kiếm tiền nuôi em, ba đứa con gái theo cha vào rừng trồng sắn, nuôi bò tối mới về, chỉ có mấy đứa nhỏ là đang ở nhà.
“Sinh nhiều con thì đói, lớn lên không được học, nó lại giống mình, khổ lắm” – chị Sau nói.
“Đứa con” của bản vào Đảng
Chúng tôi đến nhà anh Thào A Thái, Phó Bí thư chi bộ bản Tà Cóm, là người đầu tiên của bản vào Đảng năm 2008; gia đình anh cũng là gia đình đầu tiên của bản thoát nghèo. Để thoát được nghèo, theo anh Thái đó là một hành trình rất dài cùng nhiều đêm trăn trở.
Anh nói, từ khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng là những ngày rất tự hào nhưng đồng thời cũng mang trong mình trọng trách lớn hơn là làm thế nào để mình thoát nghèo, bà con dân bản thoát nghèo.
“Nhà nghèo lắm, đói ăn hết năm này qua năm khác. Lúc đó cả gia đình tôi có 10 người, một mẹ già, hai vợ chồng và bảy đứa con còn nhỏ, mà hoàn cảnh nghèo đói đông con như mình thì cả bản nhiều lắm.
Sau nhiều đêm trăn trở, năm 2010, mình quyết định vay 15 triệu từ ngân hàng chính sách xã hội để mua bò sinh sản và nhận thêm rừng trồng vầu, xoan.
Nhưng rồi cây xoan không chịu lớn, bò không phát triển lại chết khiến gia đình càng rơi vào cảnh nợ nần" - anh Thái chia sẻ.
Tuy nhiên, anh Thái nói mình là Đảng viên, nếu vì khó khăn mà chùn bước thì làm sao dìu dắt bà con dân bản mình phát triển kinh tế được.
Nhận thấy nuôi trâu bò thả rông trên rừng núi có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh tiếp tục vay mượn đầu tư nuôi trâu, bò, dê, gà, nuôi cá. Chỉ sau vài năm, cuộc sống của gia đình anh Thái đã đủ ăn, đủ mặc và có tích lũy.
Năm 2017, anh Thái làm đơn gửi lên chính quyền xã Trung Lý xin ra khỏi hộ nghèo và cũng là gia đình đầu tiên thoát nghèo của bản. “Hiện, gia đình mình có khoảng 20 con trâu, 50 con bò. Gia đính còn có 10 ha trồng sắn, 3 ha trồng vầu làm nan thanh. Tổng thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm” - anh Thái nói.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Thái còn giúp đỡ nhiều bà con dân bản Tà Cóm thoát nghèo.
Đó là trường hợp gia đình anh Thào A Gia, Sùng A Tủa… vốn nghèo nhất bản đã được anh Thái tặng bò; nhiều gia đình được hướng dẫn vay vốn làm kinh tế chăn nuôi trâu bò, lợn gà… những trường hợp này nay đã và đang từng bước thoát khỏi đói nghèo.
“Mình là Đảng viên nên phải gương mẫu trong xóa hủ tục, tìm cách thoát khỏi đói nghèo thì bà con dân bản mới làm theo được.
Ngoài chăn nuôi thì bà con dân bản còn trồng lúa nương, trồng sắn, trồng vầu. Năm 2023, cả bản thu về khoảng 800 tấn sắn tươi, với giá mua tại chỗ 15.000 đồng/yến thì thu về khoảng 1,2 tỉ đồng” – anh Thái nói.
Làm đường để thoát nghèo cho Tà Cóm
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Nguyễn Văn Bình, thẳn thắn nhìn nhận: “Sau 25 năm thành lập, đến nay huyện biên giới Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, Tà Cóm là bản nghèo nhất của Mường Lát với rất nhiều cái không, là không đường bê tông, không sóng điện thoại, điện chiếu sáng… số người nghiện ma túy cao nên nơi này chìm trong đói nghèo”.
Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 11 về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó xác định đến năm 2030, Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt mức bình quân 35 triệu đồng trở lên; mục tiêu đến năm 2045 kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân các huyện miền núi của tỉnh.
“Để thực hiện tốt các chính sách của Đảng, nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa nói riêng, huyện Mường Lát đã đề ra nhiều mục tiêu quan trọng. Trong đó xác định phải làm đường, điện, trường đưa đường đến tận những bản xa xôi, biệt lập trong đó có bản Tà Cóm” – ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, trong hai năm qua, Tà Cóm dần có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ các chính sách cụ thể, đồng thời tuyên truyền, kết nạp thêm nhiều đảng viên mới, từ đó vận động bà con chủ động xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại cũng như xóa bỏ các hủ tục, tập quán canh tác cũ.
Tháng 9-2023 đã có điện lưới kéo đến bản Tà Cóm.
Huyện cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, con đường bê tông dài 43 km nối từ bản Nà Ón đến bản Tà Cóm sẽ hoàn thành. Qua đó, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế của Tà Cóm với bên ngoài, học sinh đến trường được thuận lợi.
Sáng sớm, ánh nắng xuyên qua những màn sương dày đặc chiếu xuống bản Tà Cóm. Bà con dân bản nơi đây vẫn đang nỗ lực từng ngày, từng giờ để vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu.
Tà Cóm có 111 hộ với 612 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người khoảng 8 triệu đồng/năm.
Cả bản hiện có gần 500 con trâu bò, kinh tế của bản đã chuyển mình mạnh mẽ khoảng hai năm trở lại đây nhờ chăn nuôi, trồng sắn.
Thời gian tới, Tà Cóm sẽ tiếp tục trồng thêm một số loại cây khác như vầu, nhám, đào để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế cho bà con.
Phó Bí thư Chi bộ bản Tà Cóm THÀO A THÁI
(Kỳ sau: Người Mông ở bản Mùa Xuân. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tinh thần trách nhiệm của những đảng viên ở chi bộ bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, Quan Sơn mà cuộc sống đồng bào người Mông nơi đây đang ngày một khấm khá hơn).