Những trăn trở, mong muốn của doanh nghiệp khi đầu tư vào Phú Yên

Sau loạt bài "Đánh thức các dự án ở Phú Yên", Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều phản hồi từ các doanh nghiệp khi họ muốn đầu tư vào Phú Yên và các tỉnh Nam Trung bộ. Dưới đây là ý kiến cụ thể của các nhà đầu tư.

Đại diện một doanh nghiệp trao đổi với PV. Ảnh: QUỐC VŨ

Ông PHẠM HẢI ĐĂNG,  giám đốc công ty TNHH khu du lịch biển Hòa Thạnh Resort:

Việc thỏa thuận bồi thường với người dân rất phức tạp

Công ty chúng tôi đã làm đầy đủ các thủ tục và các bước khi thực hiện dự án khu du lịch biển Hòa Thạnh Resort (thôn Hòa Thạnh, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) theo quy định. Thế nhưng khó khăn, phức tạp nhất là khâu doanh nghiệp thỏa thuận giá với người dân để giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân là giữa người dân và doanh nghiệp chưa có được tiếng nói chung. Nhiều bà con đòi giá bồi thường quá cao; các thành viên trong gia đình mâu thuẫn; pháp lý thửa đất không rõ ràng…

Thực tế trên gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc lập kế hoạch thực hiện dự án, không biết khi nào có thể khởi công dự án. Trong khi đó, các chi phí nhà đầu tư đã thực hiện khá lớn nhưng chỉ vì một vài thửa đất nhỏ vướng mắc mà giấy phép xây dựng và khởi công công trình bị ách lại. Việc này dẫn đến đội chi phí đầu tư, làm giảm hiệu quả dự án.

Chúng tôi mong được chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án quan tâm hỗ trợ tối đa, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục và pháp lý, hỗ trợ việc tuyên truyền vận động người dân.

Chúng ta cần coi nhiệm vụ hỗ trợ nhà đầu tư của chính quyền trong suốt quá trình thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng. Bởi suy cho cùng dự án thành công mang lại lợi ích cho không chỉ nhà đầu tư mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân, đóng góp cho sự phát triển của địa phương. 

Ông NGUYỄN HUỲNH VĨNH HUY, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên:

Cần cơ chế linh hoạt, đảm bảo quyền lợi nhà nước - người dân - doanh nghiệp

Các vướng mắc, bấp cập trong công tác giải phóng mặt bằng trong việc thực hiện các dự án luôn nan giải lâu nay tại các địa phương, trong đó có tỉnh Phú Yên. Cạnh việc người dân không chịu thỏa thuận giá cả bồi thường thì còn vướng các vấn liên quan luật đất đai khiến việc thỏa thuận kéo dài, ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án đầu tư công và đầu tư sản xuất, kinh doanh sử dụng vốn của tư nhân.

Tôi dẫn chứng dự án đường Điện Biên Phủ (đoạn từ Hùng Vương đến Nguyễn Trãi) do UBND TP Tuy Hòa làm chủ đầu tư. Năm 2015, TP Tuy Hòa ký hợp đồng xây dựng - chuyển giao với công ty TNHH đầu tư BT Hồng Phúc thi công.

Sáu năm qua, tuyến đường này vẫn chưa hoàn thành để bàn giao cho TP vì vướng một số hộ gia đình không chịu giá bồi thường. Thực trạng này kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, uy tín của công ty thi công và gây khó cho chính quyền trong công tác xử lý.

Ông Nguyễn Huỳnh Vĩnh Huy. Ảnh: QUỐC VŨ

Tôi kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu lại các luật, quy định cho thống nhất và có hướng dẫn cụ thể trong công tác thỏa thuận, giải phóng mặt bằng.

Tùy vào từng dự án, văn hóa người dân tại mỗi địa phương, Trung ương nên cho cơ chế đặc thù để mỗi địa phương linh động trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đối với các tỉnh, bên cạnh việc dựa vào luật, quy định thì cần xây dựng kế hoạch, giải pháp làm sao linh hoạt  và đảm bảo được quyền lời giữa 3 bên “nhà nước - người dân - doanh nghiệp”.

Nếu có những giải pháp cụ thể, vừa mềm dẻo, cứng rắn và đảm bảo quyền lợi các bên trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tôi nghĩ sẽ đẩy nhanh các tiến độ dự án như hiện nay.

HỒ THỊ XUÂN TRANG, Phó giám đốc công ty TNHH Green Vision Việt Nam:

Xin thuê đất trong cụm công nghiệp 3 năm vẫn không thành

Hưởng ứng kêu gọi thu hút nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Công ty TNHH Green Vision Việt Nam đã đăng ký đề xuất thực hiện đầu tư dự án nhà máy Green Vision Tuy An tại cụm công nghiệp (CCN) Tam Giang mở rộng thuộc huyện Tuy An vào tháng 9-2019.

Qua 3 lần lấy ý kiến và nhận được sự góp ý của các sở, ban, ngành, địa phương, công ty cũng đã hoàn thiện hồ sơ thực hiện dự án và nộp lại vào ngày 28-5-2021.

Tới nay, công ty đã được sở, ban ngành, địa phương thống nhất đề xuất thực hiện đầu tư dự án. Tuy nhiên, đến nay Sở TN&MT vẫn chưa hướng dẫn thủ tục xin thuê đất cho nhà đầu tư, do vướng mắc liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai tại CCN. Chính vì thế, công ty vẫn chưa thực hiện được thủ tục xin thuê đất. 

Bà Hồ Thị Xuân Trang - Phó giám đốc công ty TNHH Green Vision Việt Nam. Ảnh: QUỐC VŨ

Theo quy định tại Điều 149 Luật Đất đai năm 2013:  “Nhà nước chỉ giao đất và cho thuê đất đối với các tổ chức đầu tư, xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN, CCN”. 

Ngoài việc thực hiện quy định của pháp luật về đất đai còn phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2017 về quản lý phát triển CCN để thu hút nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các CCN thì doanh nghiệp chúng tôi không đủ điều kiện thuê đất trực tiếp tại CCN Phú Yên.

Công ty cũng theo đuổi dự án được 3 năm, đến nay vẫn chưa được hướng dẫn thuê đất tại CCN.

Với mục tiêu mong muốn thực hiện đầu tư dự án Nhà máy Green Vision Tuy An, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy, Công ty chúng tôi xin kiến nghị các Bộ, Ngành và địa phương cần thống nhất các quy định để doanh nghiệp sớm đầu tư vào CCN để hoạt động sản xuất, phát triển.

Ông NGÔ ĐA THỌ, Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Phú Yên:

Kéo dài sẽ đánh mất nhiều cơ hội cho địa phương

Thời gian qua doanh nghiệp vừa, nhỏ tại Phú Yên có nhu cầu thuê đất trong các CCN tại Phú Yên để hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất lớn nhưng đều không thể làm được vì vướng các quy định mà doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể đáp ứng được.

Bên cạnh đó, các huyện đều có quy hoạch CCN và kêu gọi công ty đầu tư hạ tầng để rồi cho thuê lại nhưng không có nhà đầu tư. Chính vì vậy, tình trạng các khu vực quy hoạch CCN vẫn bỏ hoang nhiều năm.  

Điều này gây nên lãng phí đất đai, địa phương mất cơ hội đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Nếu CCN tại các huyện có nhà máy sản xuất, công ty sẽ giải quyết rất nhiều việc làm cho người dân địa phương. Bên cạnh đó sẽ thúc đẩy quá trình tiêu thụ nông sản và định canh tác, thâm canh của người dân. Điều này sẽ thúc đẩy kinh tế tại các huyện trên địa bàn Phú Yên.

Ông Ngô Đa Thọ - Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Phú Yên. Ảnh: QUỐC VŨ

Tôi đề xuất nên sớm chỉnh sửa lại các quy định để phù hợp, thống nhất tạo điều kiện cho các CCN tại địa phương cất cánh.

Nhà nước chịu trách nhiệm lập quy hoạch, thu hồi đất, xây dựng hạ tầng cơ bản. Sau đó, doanh nghiệp có nhu cầu thuê lại diện tích đất trong CNN thì thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, tiền thuê và xây dựng nhà xưởng, hạ tầng đấu nối vào CNN chung và đi vào hoạt động.

Làm như vậy dễ cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng sẽ dễ trong công tác thẩm định hồ sơ, quản lý.

Vấn đề giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng tại Phú Yên là vấn đề nan giải và gây nhiều khó khăn cho công tác đầu tư vào tỉnh. Nguyên nhân là các luật, quy định vẫn chưa thống nhất nên gây khó cho các địa phương và doanh nghiệp.

Chính vì điều này, các nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để làm nên họ rất ngại. Tỉnh sẽ mất đi cơ hội đón các nhà đầu tư lớn vào đầu tư, xây dựng các dự án có tầm cỡ khu vực, thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, tôi đề xuất Trung ương, các tỉnh cần xem lại, chỉnh sửa phù hợp, thống nhất luật, quy định trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, lâm nghiệp… để góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ngày mai, Phú Yên tổ chức hội thảo 'Gỡ vướng pháp lý để thu hút đầu tư'

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm