Trải qua 200 năm phát triển, ngành đường sắt đã liên tục cải tiến để có thể để chinh phục các địa hình, từ thành phố đến núi cao, mỏ sâu và một số vùng khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới.
Dưới đây một số hệ thống đường sắt khác lạ, phá vỡ các nguyên tắc thông thường.
Tuyến đường sắt treo Wuppertal Schwebebahn, Đức
Tuyến đường sắt treo Wuppertal Schwebebahn là tuyến đường sắt một ray ở bang North Rhine-Westphalia, Đức. Được xây dựng để kết nối một số thị trấn công nghiệp dọc theo thung lũng hẹp và ngoằn ngoèo của sông Wupper, tuyến đường sắt Wuppertal Schwebebahn hoàn thành vào năm 1901, theo đài CNN.
Tuyến đường sắt này từng là động lực phát triển của các thị trấn trong vùng. Những thị trấn này sau đó đã hợp nhất để trở thành thành phố Wuppertal vào năm 1929.
Tuyến đường sắt treo Wuppertal Schwebebahn, Đức. Nguồn: GETTY IMAGES |
Đối với người dân ở Wuppertal, Wuppertal Schwebebahn là xương sống trong mạng lưới giao thông công cộng của thành phố. Tuyến đường sắt cao tới hơn 12 m so với các đường phố và dài 12,8 km.
Các đường ray đơn cho các đoàn tàu chạy được một loạt 486 khung thép nặng gần 20.000 tấn chống đỡ. Tuyến đường sắt này có thể vận chuyển hơn 80.000 người/ngày với vận tốc 59,5 km/h.
Tuyến đường sắt Stoosbahn, Thụy Sĩ
Tuyến đường sắt Stoosbahn đang giữ kỷ lục về tuyến đường sắt công cộng dốc nhất thế giới. Tuyến đường khánh thành vào tháng 12-2017 và nhanh chóng trở thành một điểm thu hút khách du lịch trên toàn thế giới.
Tuyến đường sắt Stoosbahn, Thụy Sĩ. Ảnh: STOOS RAILWAYS |
Những đoàn tàu trên tuyến đường Stoosbahn được thiết kế độc đáo và di chuyển nhẹ nhàng lên núi với độ dốc lên tới 110%. Trên tuyến đường dài hơn 1,74 km, tàu sẽ leo lên độ cao gần 744 m từ ga ở dưới thung lũng mà chỉ mất 5 phút.
Stoosbahn cũng là huyết mạch quan trọng nối ngôi làng Stoos - ngôi làng nằm trên một ngọn núi cao gần thị trấn Schwyz, phía nam Zürich - với vùng bên dưới. Hàng năm, có tới 10.000 tấn hàng hóa được chuyên chở thông qua tuyến đường sắt này. Những món hàng này bao gồm nhu yếu phẩm chở đến các nhà hàng, khách sạn trong làng và rác thải, đồ tái chế từ các địa điểm này đi ngược lại chân núi.
Tuyến đường sắt này có thể vận chuyển tối đa 1.500 hành khách/giờ.
Tuyến đường sắt Hythe Pier, Anh
Tuyến đường sắt Hythe Pier được khánh thành vào năm 1881, dài 640 m. Đây là tuyến đường sắt bến tàu hoạt động liên tục lâu đời nhất trên thế giới.
Tuyến đường sắt Hythe Pier, Anh. Ảnh: NEW CIVIL ENGINEER |
Các toa xe ban đầu được đẩy bằng tay nhưng vào năm 1922, đoàn tàu được cải tiến và vận hành bằng điện. Động cơ điện trong đầu máy của đoàn tàu ban đầu được chế tạo để sử dụng trong nhà máy sản xuất khí mù tạt. Cho đến nay, các động cơ này vẫn được sử dụng.
Tuyến đường sắt một ray ở Trùng Khánh, Trung Quốc
Theo CNN, Trùng Khánh là nơi có hệ thống đường sắt một ray dài nhất và bận rộn nhất thế giới, vận chuyển hàng triệu hành khách mỗi năm.
Tuyến đường sắt một ray ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ |
Địa hình Trùng Khánh, vốn có sự khác biệt lớn về độ cao giữa cao nguyên đông dân cư và thung lũng sông Dương Tử, đã buộc nhà chức trách thành phố phải tìm kiếm một giải pháp thay thế cho các chuyến tàu điện ngầm thông thường. Khả năng vượt dốc và đi qua khúc cua hẹp của tuyến đường sắt một ray khiến nó trở thành giải pháp lý tưởng trong bối cảnh Trùng Khánh cần chuyển đổi hệ thống giao thông công cộng.
Tuyến đường sắt Ferrobus, Nam Mỹ
Ferrobus là một hình thức vận chuyển độc đáo được tìm thấy trên nhiều vùng núi của Nam Mỹ.
Các tàu chạy trên tuyến đường sắt Ferrobus là sự kết hợp giữa thân xe buýt cũ với bánh xe lửa. Đây được xem là cứu cánh cho những ngôi làng miền núi xa xôi thiếu đường giao thông ở Nam Mỹ.
Tuyến đường sắt Ferrobus, Nam Mỹ. Ảnh: CNN |
Ferrobus sử dụng các tuyến đường sắt bị bỏ hoang, vốn được xây dựng vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX để khai thác mỏ. Các tuyến đường sắt Ferrobus tập trung chủ yếu ở Chile, Bolivia và Colombia.
Tuyến tàu điện ngầm nhỏ ở Hungary
Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Hungary - khi đó là một phần của đế quốc Áo-Hung - là nơi tiên phong mạnh mẽ về công nghệ đường sắt mới. Tuyến đường sắt dài 3,7 km bên dưới Đại lộ Andrássy ở thủ đô Budapest là tuyến tàu điện ngầm thứ ba trên thế giới, khánh thành ngay sau các tuyến tàu điện ngầm ở London và Liverpool, Anh.
Tuyến tàu điện ngầm nhỏ ở Hungary. Ảnh: DMC |
Con tàu chạy trên tuyến đường này nhỏ bất thường, ban đầu có mái che bằng gỗ và được thay thế vào năm 1973. Tuyến đường sắt này vận chuyển hàng nghìn lượt hành khách mỗi ngày.
Xe buýt đường sắt DMV, Nhật
Xe buýt đường sắt DMV di chuyển trên tuyến đường dài hơn 48 km giữa thị trấn Kaiyo ở tỉnh Tokushima và thành phố Muroto, tỉnh Kochi. Trên tuyến đường này, DMV sẽ chạy hơn 9 km trên đường ray và chạy đoạn đường còn lại trên đường thông thường.
Xe buýt đường sắt DMV, Nhật. Ảnh: AP |
Xe buýt đường sắt DMV có sức chứa 23 người, bao gồm cả hành khách và nhân viên xe. DMV là chiếc xe buýt chạy bằng động cơ diesel và được trang bị một bộ bánh xe chạy trên đường ray có thể thu vào. Bộ bánh xe này có thể được đưa ra sử dụng chỉ trong khoảng 15 giây. DMV nhẹ và tiêu thụ ít nhiên liệu hơn so với tàu hỏa truyền thống.