Kinh hãi ruốc nhuộm hóa chất
Ruốc hay còn gọi là tép khô được dùng để làm gia vị, thường dùng chung với bánh tráng bịch, xôi, chế biến một số món ăn… Để màu của ruốc bắt mắt, một số cơ sở nhuộm ruốc bằng hóa chất.
Thời gian trước đây Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản - thủy sản Phú Yên cho biết trong ba mẫu loại chất dùng nhuộm ruốc ở thị xã Sông Cầu mà đơn vị đưa đi viện Pasteur Nha Trang kiểm nghiệm, kết quả cho thấy có một mẫu hợp chất hóa học, không được dùng trong chế biến thực phẩm.
Chất được tìm thấy là bột màu đỏ cánh sen, hợp chất hóa học Rhodamine B thành phần của phẩm màu công nghiệp, không có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm.
Hóa chất để nhuộm ruốc. Ảnh: Internet
Theo một số chuyên gia, chất Rhodamine B dùng trong công nghiệp nhuộm vải thường bền màu, giá rất rẻ chỉ khoảng 20.000 đồng/bịch 100 g. Người dân mua hóa chất này để pha với nước sau đó đổ lên ruốc rồi phơi khô. Người dân ăn phải chất này có thể bị dị ứng, nổi mẩn. Nếu tích tụ lâu ngày có thể gây tổn thương gan, thận và có nguy cơ dẫn đến ung thư.
Ruốc thường dùng trong các loại bánh tráng trộn bán trước cổng trường ở một số nơi.
Người dân hoang mang với thông tin ruốc nhuộm hóa chất. Ảnh: Internet
Quy định xử lý hành vi
Tại Điều 7 Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm:
Phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất được phép sử dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.
Phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng, hóa chất không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Phạt tiền 70-100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Ngoài ra người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm 4-12 tháng, đồng thời buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.