Câu chuyện tôi kể xảy ra vào sáng 28-3 trên tuyến xe buýt đi từ An Sương đến Bến Thành (mã số tuyến 27). Đây là tuyến xe buýt gắn liền với tôi từ khi đi học đến lúc đi làm. Tôi thích đi tuyến xe này bởi các xe thường rộng rãi và tiếp viên cũng nhiệt tình.
Tuyến xe này đi ngang BV Nhi đồng 1, BV Từ Dũ nên có nhiều trẻ em và bà bầu. Theo lộ trình, xe sẽ đi dọc Âu Cơ-Lê Đại Hành, rồi rẽ qua Ba Tháng Hai. Nhưng vài tháng nay, do có công trình làm đường ở đoạn Lê Đại Hành rẽ qua Ba Tháng Hai nên xe đến vòng xoay Lê Đại Hành sẽ quẹo Lữ Gia, qua Lý Thường Kiệt rồi rẽ trái qua Ba Tháng Hai.
Hôm đó là Chủ nhật, xe rất đông khách. Khi đến đoạn vòng xoay Lê Đại Hành, tiếp viên lên tiếng: “Cô bác nào đi Bình Thới, Đầm Sen, Lê Đại Hành xuống đây, xe quẹo…”. Dù đã được nhắc nhở nhưng một phụ nữ cần xuống đoạn đường trên vẫn không bước ra. Đến khi tới đoạn Lữ Gia, cô này bắt đầu cằn nhằn nhà xe làm ăn lôi thôi với những lời lẽ rất khó nghe. Qua đến Lý Thường Kiệt, cô lớn tiếng chửi anh tiếp viên và cả tài xế. Dù được giải thích đây là trạm của tuyến xe khác nên không được đón, trả khách và xe sẽ dừng ở trạm đầu đường Ba Tháng Hai nhưng người phụ nữ cứ làm ầm ĩ với những lời lẽ rất thiếu văn hóa. Cô thách thức: “Không cho tao xuống, tao đập xe bây giờ”…
Hành khách và tiếp viên đều nhã nhặn, lịch sự sẽ tạo được không khí thoải mái khi dùng phương tiện công cộng. Ảnh minh họa: HTD
Mọi người trên xe rất bất bình, trẻ con hoảng hốt, còn hai người khách nước ngoài thì lắc đầu... Phía người tiếp viên vì bị xúc phạm đã dùng chai nước suối to (cỡ 2 lít) ném thẳng vào người phụ nữ. Không may, chai nước trúng phải đầu một cụ bà ngồi gần đó làm đầu bà sưng lên. Ngay lập tức, vài người khách trên xe can ngăn anh tiếp viên nhưng người phụ nữ vẫn không thôi chửi rủa trước khi bước xuống xe.
Rõ ràng, người tiếp viên đã sai. Hỏi “sao lại nóng nảy, hành động nhất thời”, anh bày tỏ: “Khách đông mà bà ấy còn đem ba đời nhà tui ra chửi, ai chịu được”. Khi được góp ý nếu lỡ chai nước rơi trúng em bé mấy tháng tuổi thì hậu quả sẽ rất khó lường, anh tiếp viên tỏ ra ân hận.
Thế nhưng người phụ nữ cũng đã sai rành rành. Từ sự lơ đễnh của người này, tôi nhớ lại có một bộ phận các cô, các bà khi lên xe thường mải mê nói chuyện, không để ý tiếp viên thông báo trạm dừng, đến khi lỡ đoạn đường thì cự cãi. Điều này cũng làm các tài xế thiếu tập trung lái xe, gây nguy hiểm.
Xe buýt là phương tiện giao thông rất hữu ích, giúp giảm kẹt xe và bảo vệ môi trường. Nếu mỗi người tham gia giao thông đều có ý thức nhường nhịn nhau mỗi người một ít thì chắc chắn sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc kể trên. Để góp phần tạo nên một thành phố văn minh, sạch đẹp phải bắt đầu từ những việc nhỏ mà “văn minh xe buýt” là một việc tiêu biểu.
QUÝ HƯƠNG (quận Tân Bình, TP.HCM)