Lãnh đạo Công đảng Anh, Jeremy Corbyn trưa 14-4 đã lên tiếng về việc Anh tham gia không kích vào lãnh thổ Syria sáng cùng ngày.
Lãnh đạo đối lập Anh đặt nghi vấn pháp lý
Bà Theresa May bị đặt nghi vấn liệu quyết định tham gia không kích tại Syria có "hợp pháp" hay không.
Lãnh đạo đối lập Anh cho rằng Thủ tướng Theresa May đáng lẽ phải xin Quốc hội chấp thuận biện pháp quân sự rồi mới được tham gia không kích. “Nước Anh cần đóng vai trò lãnh đạo thúc đẩy ngưng bắn, chứ không phải nhận chỉ thị từ Washington và đặc quân nhân Anh vào tình thế nguy hiểm” - ông Corbyn nhấn mạnh.
Cần lưu ý rằng vào năm 2013, dưới thời của Thủ tướng Anh David Cameron, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu thống nhất chính phủ Anh không được có hành động quân sự nào thêm tại Syria, theo BBC.
Trong khi đó, trả lời họp báo ngày 14-4, bà Theresa May lại khẳng định quyết định phối hợp không kích là “đúng đắn và hợp pháp”. Bà cho biết: “Lịch sử dạy rằng vào thời khắc các luật lệ và chuẩn mực toàn cầu, vốn để bảo vệ chúng ta, bị một bên đe dọa thì chúng ta phải có nghĩa vụ đứng lên và bảo vệ các luật lệ và chuẩn mực đó”.
Nữ thủ tướng Anh cho biết bà không đưa vấn đề ra Quốc hội vì bản thân tin tưởng việc không kích là cần thiết và là việc làm đúng đắn. “Chúng tôi đã phối hợp với các đồng minh và đối tác để đánh giá toàn diện những diễn biến trên thực địa, sau đó cân nhắc hành động nào là cần thiết. Cuối cùng là hành động đúng lúc” - bà cho biết, đồng thời nhấn mạnh không đưa vấn đề ra Quốc hội là vì “các lý do an ninh của chiến dịch”. Bà Theresa May cam kết sẽ có một bài phát biểu tại Quốc hội Anh vào ngày 16-4 về cuộc không kích.
Tổng thống Trump vững về pháp lý
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thông báo rằng Tổng thống Donald Trump có thẩm quyền hợp pháp để ra lệnh tấn công Syria mà không có sự thông qua của quốc hội theo Điều 2 của Hiến pháp Mỹ.
“Chúng tôi tin rằng tổng thống có lý lẽ để bảo vệ lợi ích sống còn của nước Mỹ và đó là điều mà ông ấy đã làm tối nay theo thẩm quyền” - Bộ trưởng Mattis nói.
Điều 1 của Hiến pháp cho phép Quốc hội thẩm quyền tuyên bố chiến tranh, xây dựng và hỗ trợ quân đội, thành lập và duy trì hải quân. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng được quyền đưa ra những quy tắc để điều hành quân đội và tài trợ cho mọi hoạt động quân sự, theo ông Vladeck. Tuy nhiên, Điều 2 trao cho tổng thống quyền hành pháp, xem tổng thống là tổng tư lệnh quân đội. Đây là điều mà gần như mọi tổng thống viện dẫn để làm căn cứ cho việc sử dụng quân sự mà không cần thông qua Quốc hội, theo CNN.