Nói lời sau cùng, cựu bí thư Trần Văn Nam xin lỗi người dân Bình Dương

(PLO)- Cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam nói rất ân hận và đau xót, xin lỗi Tổng bí thư, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-8, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 28 bị cáo trong vụ bán rẻ đất vàng xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2), gây thiệt hại hơn 5.700 tỉ đồng. HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi vào nghị án.

Rất ân hận và đau xót

Nói lời sau cùng tại tòa, ông Trần Văn Nam, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho rằng rất đau xót cho tỉnh Bình Dương và những bị cáo vướng vòng lao lý hôm nay. Đây là những người có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của Sông Bé, Bình Dương, trong bối cảnh quyết liệt đổi mới.

Bị cáo Trần Văn Nam, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: UYÊN TRANG
Bị cáo Trần Văn Nam, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: UYÊN TRANG

“Bị cáo rất ân hận, xin lỗi Tổng bí thư, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bình Dương. Các bị cáo vướng tội phần lớn họ không cố ý vụ lợi, không tham nhũng. Họ chỉ mong muốn góp phần phát triển cho tỉnh Bình Dương mà vô tình vướng vào vòng lao lý. Mong tòa đánh giá toàn diện, xem xét khách quan, đặc biệt là những bị cáo là cựu cán bộ tỉnh, tuổi cao, sức yếu” - bị cáo Nam nói.

Bị cáo Nam cho hay bản thân từng được tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Ông mong tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về đoàn tụ với gia đình.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Trần Thanh Liêm, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trình bày ông không nghĩ việc làm của mình lại dẫn đến vi phạm pháp luật, dẫn đến việc phải đứng tại phiên tòa ngày hôm nay. Qua phiên tòa này, ông nhận thức được cái sai và hy vọng tòa xem xét động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo hoàn toàn không tư lợi.

Bị cáo không có động cơ gì khác hơn là thực hiện trách nhiệm của mình. Do nhận thức pháp luật không đầy đủ, tin vào các cơ quan tham mưu và yếu tố khách quan, bị cáo không nhận biết được việc làm của mình là sai.

“Mong tòa xem xét sai phạm của một số bị cáo trong vụ án này, nhất là các bị cáo lãnh đạo tỉnh, để quyết định mức án phù hợp, áp dụng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước để các bị cáo sớm được trở về với gia đình” - ông Liêm nói rất ân hận và đau xót vì phải đứng đây ngày hôm nay.

Xin thụ án thay chồng

Bị cáo Võ Hồng Cường (chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty CP Hưng Vượng) cho rằng bị cáo nhận thức rất sâu sắc về hành vi sai phạm của mình. Bị cáo mong nhận được sự khoan hồng từ Đảng, Nhà nước. Bị cáo Cường cũng xin HĐXX cho phép bị cáo được thực hiện dứt điểm chuyển hết 70% cổ phần của Công ty Tân Thành về sở hữu nhà nước.

Về phần bị cáo Trần Đình Như Ý (cựu chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển, vợ bị cáo Cường), vừa khóc vừa nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Ý nói mình chỉ là một người phụ nữ hằng ngày đưa con đi học, chăm lo cho gia đình. Bị cáo cám ơn vì được tại ngoại và trình bày rằng hiện mình đang có một gánh nặng quá sức.

Do vậy, bị cáo Ý xin HĐXX cho được thay thế vị trí của chồng, để bị cáo Cường được trở về để khắc phục hậu quả, chăm lo cho 2.000 người lao động, những người đã đồng hành với vợ chồng bị cáo suốt thời gian qua. Bị cáo Ý cũng mong HĐXX có cái nhìn rộng lượng, bao dung, tha thứ cho những người biết sai, sửa sai. Bị cáo đã ăn năn hối lỗi, mong HĐXX xem xét chính sách khoan hồng đặc biệt cho các bị cáo ở đây.

Không cầm được nước mắt khi nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thục Anh, cựu chủ tịch Công ty TNHH Phát Triển, con gái bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu chủ tịch Tổng công ty 3/2), cho rằng không ngờ tới việc bị truy tố tội tham ô tài sản.

Bị cáo Thục Anh bày tỏ rằng hoài bão của bị cáo là được tập trung vào ngành y. Bị cáo đã dành 15 năm đẹp nhất của cuộc đời để vun đắp từ những viên gạch đầu để BV Hạnh Phúc trở thành một trong năm BV đạt tiêu chuẩn quốc tế ở Việt Nam.

Khi cha, chồng và bản thân bị cáo bị khởi tố, bị cáo rất suy sụp, tất cả như một chuỗi ngày địa ngục. Bị cáo rất mong HĐXX xem xét cho bị cáo.

Nói lời sau cùng, hầu hết các bị cáo còn lại đều bật khóc, cho hay đã nhận thức được sai phạm, song không vụ lợi và mong tòa xem xét cho hưởng chính sách khoan hồng. Các bị cáo mong tòa tuyên mức án nhẹ nhất để sớm được trở về với gia đình và xã hội.

Tòa sẽ tuyên án vào chiều 30-8.

Cựu chủ tịch tỉnh bị đề nghị phạt 9-10 năm tù

Trước đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt 22 bị cáo phạm tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong đó, bị cáo Trần Văn Nam (cựu bí thư tỉnh ủy) và Trần Thanh Liêm (cựu chủ tịch UBND tỉnh) cùng bị đề nghị mức án 9-10 năm tù, Phạm Văn Cành (cựu phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương) 4-5 năm tù, Nguyễn Đại Dương (nghề nghiệp kinh doanh) 6-7 năm tù…

Về tội tham ô, VKS đề nghị phạt các bị cáo Võ Hồng Cường (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty CP Hưng Vượng) 6-7 năm tù, Trần Đình Như Ý (chủ tịch Công ty TNHH Phát triển) và Nguyễn Thục Anh (cựu chủ tịch Công ty TNHH Phát triển) cùng 3-4 năm tù.

VKS đề nghị tòa tuyên ba bị cáo phạm cả hai tội nêu trên: Nguyễn Văn Minh (cựu chủ tịch Tổng công ty 3/2) lần lượt bị đề nghị 14-15 năm tù và 15-16 năm tù, tổng hợp hình phạt 29-30 năm tù; Huỳnh Thanh Hải (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và quản lý dự án Bình Dương) 10-11 năm tù và 11-12 năm tù, tổng hợp hình phạt 21-23 năm tù; Trần Nguyên Vũ (cựu tổng giám đốc Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương sau khi cổ phần hóa, gọi tắt là Tổng công ty 3/2 - cổ phần) 12-13 năm tù và 12-13 năm tù, tổng hợp hình phạt 24-26 năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm