Ngày 23-8, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xử 28 bị cáo trong vụ bán rẻ đất vàng xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2). Đại diện Tỉnh ủy Bình Dương trình bày quan điểm về vụ án.
Đại diện Tỉnh ủy Bình Dương trình bày quan điểm tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG |
Theo vị đại diện, tỉnh Bình Dương được thành lập năm 1997, với xuất phát điểm rất thấp, kinh tế, xã hội còn rất nhiều khó khăn. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay tỉnh đã chuyển mình vươn lên thành tỉnh công nghiệp, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh; đời sống người dân được nâng lên đáng kể.
Tỉnh đã tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khá đồng bộ, biến những vùng đất hoang hóa, kém phát triển thành những khu công nghiệp, đô thị hiện đại, tạo ra một không gian phát triển mới theo hướng văn minh, hiện đại.
Đạt được những kết quả bước đầu quan trọng này là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Trung ương; tinh thần đoàn kết, vượt khó, năng động, sáng tạo, đổi mới của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà, trong đó có một phần đóng góp quan trọng của nhiều bị cáo trong vụ án này.
Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi nhiệm vụ, với mong muốn đưa địa phương phát triển nhanh; trong khi thực tiễn luôn phát sinh nhiều vấn đề mới, vướng mắc, bất cập; năng lực, nhận thức pháp luật có lúc còn hạn chế đã dẫn đến những sai lầm, thiếu sót, vi phạm của một vài cán bộ.
Hành vi vi phạm của những cán bộ này đã phải trả giá rất đắt, để lại nhiều đau xót cho bản thân, ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của bản thân, gia đình và làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền địa phương.
Tỉnh ủy Bình Dương mong muốn HĐXX xem xét, cân nhắc đánh giá một cách khách quan, toàn diện hành vi sai phạm của các bị cáo trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể; đồng thời ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ phù hợp, để xem xét giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình đối với các bị cáo.
Trong đó, nhiều người đã tích cực, chủ động khắc phục hậu quả khi phát hiện sai phạm; trong quá trình công tác có nhiều thành tích và được các cấp ghi nhận, khen thưởng; phần lớn gia đình các bị cáo có truyền thống cách mạng, gia đình liệt sĩ và hiện nay nhiều bị cáo tuổi cao, sức khỏe yếu, mang trọng bệnh và tinh thần giảm sút…
“Bản án này sẽ là bài học lớn, đắt giá và rất đau xót cho chính bản thân các bị cáo và sẽ có ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh cho các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên tỉnh nhà hiện tại và trong tương lai; góp phần đảm bảo cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên luôn tuân thủ chặt chẽ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước” – vị đại diện nói.
Các bị cáo trong vụ bán rẻ "đất vàng" Bình Dương. Ảnh: UYÊN TRANG |
Trước đó, trong phần đầu tranh luận, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt 22 bị cáo phạm tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong đó, bị cáo Trần Văn Nam (cựu bí thư Tỉnh ủy) và Trần Thanh Liêm (cựu chủ tịch UBND tỉnh) cùng bị đề nghị mức án 9-10 năm tù, Phạm Văn Cành (cựu phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương) 4-5 năm tù, Nguyễn Đại Dương (nghề nghiệp kinh doanh) 6-7 năm tù…
Về tội tham ô, VKS đề nghị phạt các bị cáo Võ Hồng Cường (chủ tịch kiêm TGĐ Công ty CP Hưng Vượng) 6-7 năm tù, Trần Đình Như Ý (chủ tịch Công ty TNHH Phát triển) và Nguyễn Thục Anh (cựu chủ tịch Công ty TNHH Phát triển) cùng 3-4 năm tù.
VKS đề nghị tòa tuyên ba bị cáo phạm cả hai tội nêu trên: Nguyễn Văn Minh (cựu chủ tịch Tổng Công ty 3/2) lần lượt bị đề nghị 14-15 năm tù và 15-16 năm tù, tổng hợp hình phạt 29-30 năm tù; Huỳnh Thanh Hải (chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TNHH MTV đầu tư và quản lý dự án Bình Dương) 10-11 năm tù và 11-12 năm tù, tổng hợp hình phạt 21-23 năm tù; Trần Nguyên Vũ (cựu TGĐ Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương sau khi cổ phần hóa, gọi tắt là Tổng Công ty 3/2 – cổ phần) 12-13 năm tù và 12-13 năm tù, tổng hợp hình phạt 24-26 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX tuyên theo hướng trả lại khu đất 43 ha cho Tỉnh uỷ Bình Dương để xử lý theo quy định, không buộc các bị cáo phải bồi thường. Quyền lợi của các bên liên quan sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật.
Xét thấy đề nghị này là phù hợp, VKS đề nghị HĐXX tuyên theo hướng trả lại khu đất trên cho Tỉnh uỷ Bình Dương 145 để xử lý theo quy định, không yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại.
Về nghĩa vụ tài chính khi giao hai khu đất 43 ha và 145 ha, do Tổng Công ty 3/2 được hưởng lợi từ việc thu tiền sử dụng đất nên đề nghị Tổng Công ty 3/2 – cổ phần phải nộp phần nghĩa vụ tài chính còn lại là hơn 560 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước.