Nơm nớp lo hàng tết kém chất lượng

. Phóng viên: Ở các thành phố lớn thì đầu vào của các mặt hàng dễ dàng kiểm soát hơn nhưng còn ở các quận, huyện vùng sâu vùng xa thì sao, thưa ông?

+ Ông Trần Văn Bắc, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra): Trước hết phải tạo thói quen cho người tiêu dùng bằng việc phát triển nhiều cửa hàng tiện ích. Còn chợ truyền thống ở các thành phố nên phát triển theo dạng du lịch. Tuy nhiên, ở một số chợ trung tâm thì dần phải có sự kiểm soát đầu vào.

Người dân tự tẩy chay hàng Trung Quốc

. Không chỉ lo lắng về mặt hàng lương thực thực phẩm, mới đây tại Phú Yên, cơ quan chức năng phát hiện chiếc áo từ Trung Quốc có ấu trùng lạ, khi ngâm vào nước thì nó giống con đỉa. Sự việc này khiến người tiêu dùng rất lo lắng không biết hàng tiêu dùng nào là an toàn?

+ Những hiện tượng đó có nhưng chưa xác định được rằng nguyên nhân từ nhà sản xuất hay do trong quá trình vận chuyển, sử dụng. Và việc này nếu có chỉ xảy ra từ những tổ hợp hộ cá thể ở các khu biên giới, tức là những cái vượt qua sự kiểm soát của Nhà nước. Các mặt hàng này không nguồn gốc, xuất xứ đi qua nhiều con đường không chính thống, được bày bán ở các chợ tự phát. Người tiêu dùng ham rẻ nên sẵn sàng mua mà không quan tâm đến xuất xứ. Khi gặp sự cố cũng khó truy xuất nguồn gốc và người tiêu dùng không được bảo vệ quyền lợi. Bởi vậy vấn đề vẫn là phải lưu ý khi mua hàng hóa phải có xuất xứ, nguồn gốc, nếu không phải hỏi người bán.

. Các sản phẩm tiêu dùng của Trung Quốc có giá rất rẻ, phù hợp với túi tiền người dân. Đó có là lý do chính khiến hàng lậu phát triển rất mạnh ở Việt Nam, nhất là các vùng ven và các nơi thôn quê. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?

+ Một lần đi An Giang, Kiên Giang khảo sát ở các chợ biên giới, chúng tôi mua một lố áo thun Trung Quốc ba cái chỉ với 25.000 đồng. Chính tôi cũng không nghĩ vì sao rẻ như vậy. Nói chung không có hàng nào quá 100.000 đồng. Vậy thì nếu trong túi có vài trăm ngàn đồng đối với một gia đình có ba đứa con thì mỗi đứa được hai, ba bộ đồ. Người thu nhập thấp không có nhu cầu cao, không suy nghĩ về giá mà sẽ mua ngay. Đó là một vấn đề mà hiện nay chúng ta chưa giải quyết được. Nhưng theo tôi nhà sản xuất nên nghiên cứu làm sao hạ giá thành, không cần hàng cao cấp nhưng an toàn và đặc biệt mẫu mã phải phong phú để đưa vào nông thôn.

Đối với các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra để đảm bảo kiểm soát được giá, nguồn gốc cũng như bảo hộ cho các doanh nghiệp trong nước. Vậy mới đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Nơm nớp lo hàng tết kém chất lượng ảnh 1

Người tiêu dùng bị thách thức. Đứng trước một lô thực phẩm đầy màu sắc, làm sao phân biệt được hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu Trung Quốc? (Ảnh chụp tại chợ Bình Tây ngày 1-2) Ảnh: HTD

Xu hướng chọn hàng Việt đang tăng

. Nhưng sẽ ra sao nếu hàng Trung Quốc được các tiểu thương đổi nhãn mác khoác áo trong nước, thưa ông?

+ Đúng là có hiện tượng này. Trên nhiều kênh thông tin truyền thông thời gian qua thường xuyên xuất hiện các câu chuyện về ngộ độc thực phẩm, cũng như việc không an toàn sử dụng các mặt hàng gia dụng. Ngay như đồ chơi trẻ con có nhiễm độc xuất xứ từ Trung Quốc… Chính vì thế người tiêu dùng đã có thói quen sợ hàng Trung Quốc. Khi khảo sát chúng tôi thấy khách hàng khi mua trái cây bao giờ cũng hỏi cái này có phải là hàng Trung Quốc không. Nếu là phải thì họ lắc đầu không mua. Đôi khi thương nhân nhập hàng Trung Quốc về không bán được, họ dán nhãn nước khác hoặc của Việt Nam thì bán được. Nhưng với những người tiêu dùng có kinh nghiệm thì việc nhận biết thì không khó khăn gì. Chẳng hạn như thấy quả táo vừa bóng lộn, đẹp mắt… rất có thể đó là hàng Trung Quốc. Qua một thời gian, hiện nay người tiêu dùng ở thành phố đang có xu hướng chọn hàng Việt Nam tăng lên. Chẳng hạn như lựa chọn rau, củ, quả thuần việt.

. Hiện nay ở một số chợ đầu mối thì lượng hàng Trung Quốc chiếm tỉ lệ bao nhiêu %?

+ Hàng Trung Quốc cũng được hạn chế dần so với nhiều năm trước. Riêng chợ đầu mối Bình Điền còn khoảng 5%. Sở dĩ có số lượng này vì trong chợ cũng có các tiểu thương là người Hoa cũng như có người Hoa đến đây mua các mặt hàng quen thuộc. Nhưng tỉ lệ này không nhiều, tuy nhiên khi đưa các mặt hàng này vào chợ đều được ban quản lý và cơ quan chức năng kiểm tra.

. Còn về hàng tiêu dùng, may mặc bên ngoài thị trường thì sao, thưa ông?

+ Đừng nghĩ hàng nước ngoài mới tốt hơn hàng Việt Nam. Một lần tôi vào siêu thị Hàn Quốc mua một chiếc áo sơmi gia công ở Việt Nam với giá khoảng 800.000 đồng. Trở về nước tôi tìm đến điểm bán thì có giá 200.000 đồng. Điều đó cho thấy hàng may mặc Việt Nam cạnh tranh tốt trên thị trường. Vấn đề sản phẩm liên quan đến thương hiệu. Ví dụ tất cả 10 chai nước tinh khiết của nhiều thương hiệu rót ra chất lượng như nhau nhưng giá cả khác nhau cũng vì thương hiệu và niềm tin.

. Còn các sản phẩm gia dụng như đồ chơi tràn lan trên thị trường thì sao, thưa ông?

+ Với một con búp bê Trung Quốc với tính năng biết nói, hát, cười… chỉ với giá 25.000 đồng. Nếu mua xong, trẻ con có bứt đầu, bứt tay hay làm hỏng thì phụ huynh cũng không ngần ngại mua một con khác mà không tiếc tiền. Trong khi búp bê Barbie thì giá cả triệu bạc, người nghèo sao mua nổi.

Trên các đường phố, lòng đường, đồ chơi Trung Quốc bày bán ở khắp các ngã tư với giá rất rẻ từ 5.000 đồng đến vài chục ngàn đồng. Trong khi hàng Việt Nam hay châu Âu giá cả triệu đồng.

Thực phẩm siêu thị rẻ hơn ngoài chợ

. Thưa ông, ông có lời khuyên nào cho người tiêu dùng để có cái tết an toàn?

+ Tôi nghĩ trước hết người dân phải ý thức ngăn chặn trước những hiểm họa có thể xảy ra từ thực phẩm nói chung. Nên mua các sản phẩm ở cửa hàng có uy tín, thương hiệu. Vì các cơ sở này ít nhiều cũng được kiểm soát đầu vào. Và khi gặp vấn đề chất lượng chúng ta còn truy được nguồn gốc. Trong khi những mặt hàng trôi nổi, không nhãn mác, bày bàn ở những điểm không được kiểm soát thì rủi ro cao hơn. Chẳng hạn như ở nhiều chợ tự phát không có sự kiểm soát, người bán hàng chỉ cần 5.000-10.000 đồng nộp quản lý phí là có thể ngồi một góc để bán các mặt hàng không nơi sản xuất, không hạn sử dụng. Trong khi siêu thị và nhiều điểm bán uy tín được kiểm soát khâu đầu vào chặt chẽ và giá cả cũng không phải đắt hơn.

. Nhưng thói quen của người dân là vào chợ mua sắm đầy đủ hơn, tiện hơn và rẻ hơn, thưa ông?

+ Đúng đây là thói quen nhưng thói quen có thể dần dần thay đổi. Ngày xưa người ta đi đến chợ vì giá rẻ, mặt hàng đa dạng… và nhiều mặt hàng về thực phẩm tươi ở siêu thị không có. Tuy nhiên, hiện nay ở các siêu thị cũng đã bán mặt hàng tươi sống như cá đang bơi, tôm đang còn sống… Mặt khác, đầu vào ở đây đã được kiểm tra trước khi đưa vào. Ngoài ra đây là những điểm thường xuyên có chương trình khuyến mãi và bán hàng bình ổn. Hơn nữa một thực tế là giá một số mặt hàng trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi rẻ hơn bên ngoài. Nhiều tiểu thương đã vào siêu thị để mua hàng, sau đó mang ra sạp bán. Như đợt vừa rồi sốt giá trứng, nhiều người đã vào siêu thị mua mấy chục khay trứng để mang ra ngoài bán. Điều đó cho thấy vào siêu thị vừa mua được nhiều mặt hàng kể cả thực phẩm tươi, giá cả rẻ hơn bên ngoài và mát mẻ.

. Nhưng giá trong siêu thị tại sao lại rẻ hơn ngoài chợ, khi chi phí nhân công, quản lý, điện… lại tốn kém hơn, thưa ông?

+ Đơn giản thôi vì đa số thực phẩm của siêu thị, cửa hàng tiện lợi… được thu mua từ vựa, nghĩa là mua giá gốc. Các trung tâm phân phối làm nhiệm vụ thu mua, ký hợp đồng trực tiếp với hàng trăm nhà cung cấp. Thay vì trước đây mỗi trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải tự đi tìm nhà cung cấp số lượng ít mà chi phí vận chuyển cao. Hơn nữa trước khi đưa giá chúng tôi có sự thăm dò thị trường để cân bằng giá chung.

. Nhưng ở chợ, chỉ cần đỗ xe trước quầy là mua được, trong khi siêu thị phải gửi xe đó có phải là điểm bất tiện, thưa ông?

+ Chợ truyền thống, chợ tự phát chưa được quy hoạch. Việc mua bán diễn ra lộn xộn, khó kiểm soát sắp tới cũng sẽ phải đi vào nề nếp. Tuy nhiên, để giúp người tiêu dùng tiện lợi hơn nữa, Satra năm qua phát triển 18 cửa hàng Satra Foods. Các cửa hàng này đặt trong các khu dân cư những vùng ven quận, huyện ngoại thành và mở cửa từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối. Sản phẩm được bán chủ yếu là lương thực, thực phẩm phục vụ hai bữa ăn chính yếu cho người dân. Với giá bình ổn và sản phẩm đa dạng, phong phú.

Ngoài ra các danh nghiệp thành viên như Vissan đến nay có trên 100 cửa hàng. Cùng với sự phát triển của hệ thống Co.op Mart, Big C, Lotte mart… Đặc biệt các hàng thực phẩm tiêu dùng được nhà cung cấp sản xuất hầu như đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Cho nên hiện nay người dân thành phố từ lao động bình thường đến viên chức đều có thể mua ở đó, yên tâm về giá và đảm bảo vệ sinh an toàn. Chẳng hạn như khi mua thịt Vissan đều có cơ quan nhà nước kiểm soát. Rau, thịt… chợ đầu mối Bình Điền cũng qua sự kiểm tra của cơ quan nhà nước kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm hằng ngày. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, chúng tôi có máy móc để kiểm, nếu người nào vi phạm lập tức sẽ bị lập biên bản xử lý.

Giá phù hợp cho người thu nhập thấp

. Vậy thưa ông với mức lương của công nhân khoảng 2 triệu đồng/tháng có dám vào siêu thị hay các cửa hàng Satra Foods không?

+ Chúng tôi đã khảo sát khi đặt mỗi cửa hàng phục vụ ở từng khu vực. Chẳng hạn như đặt một cửa hàng trước cổng khu công nghiệp. Giá của các mặt hàng bình ổn, hơn nữa chúng tôi chia nhỏ sản phẩm khi bán. Ví dụ đường thay vì đóng gói nửa ký thì chia nhỏ thành từng túi, mỗi túi một hoặc hai lạng. Xì dầu thay vì đóng loại chai to chúng tôi chia nhỏ thành chai nhỏ. Đến hạt tiêu cũng đóng thành gói nhỏ… sao cho khi đi chợ họ chỉ phải mất 20.000 đồng mà vẫn có thể có đủ bữa ăn.

Hay khi đặt cửa hàng tại khu vực bệnh viện, chúng tôi tập trung các mặt hàng đáp ứng cho nhu cầu người dân ở đó. Như ngoài thực phẩm thiết yếu thì tập trung các mặt hàng gia dụng như xô, bình thủy, chiếu… để phục vụ cho người nhà bệnh nhân. Với nhiều tiện ích như vậy dần dần các cửa hàng này sẽ dần thay thế cho các chợ truyền thống.

. Bằng chứng đâu khiến ông cho rằng đang có sự chuyển dịch từ chợ vào siêu thị?

+ Chúng tôi có bảng thống kê cho thấy người dân thành phố có xu hướng chuyển dịch dần thói quen từ đi chợ vào siêu thị qua doanh số. Ví dụ: ở Siêu thị Sài Gòn, lương thực, thực phẩm doanh số chiếm 50%, cửa hàng Satra Foods 70%-80%. Người tiêu dùng bắt đầu cảm thấy đến siêu thị, trung tâm thương mại mua sắm an toàn và đảm bảo hơn.

Chính vì thế hiện nay có một thực tế nhiều tiểu thương lấy giá của siêu thị hoặc các cửa hàng tiện lợi để về niêm yết giá của mình. Bởi họ sợ giá trong siêu thị rẻ hơn thì họ không có khách. Khi siêu thị giảm giá xuống thì tiểu thương cũng giảm theo. Nếu có nhiều doanh nghiệp phát triển nhiều cửa hàng tiện lợi thì tương lai chợ truyền thống sẽ được thu hẹp hoặc phải đi vào quy hoạch.

. Ở các nước trên thế giới chợ truyền thống được phát triển thế nào, thưa ông?

+ Ở nhiều nước, siêu thị, cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống tồn tại song song. Tuy nhiên, chợ truyền thống phát triển thành điểm du lịch, phố mua sắm cho khách du lịch… chứ không mang yếu tố quyết định phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân nhất là ở các thành phố.

. Xin cảm ơn ông.

Không lo thiếu hàng

Tại TP.HCM riêng các cửa hàng tiện lợi Satra Foods, ngoài 18 cửa hàng hiện có theo kế hoạch trong năm 2013 sẽ phát triển thêm 12 cửa hàng nữa. Trong đó lương thực, thực phẩm tươi sống của Satra Foods chiếm 80%-90%. Còn lại mặt hàng phi thực phẩm chiếm khoảng 10%-20%.

Dự kiến trong vòng hai năm tới sẽ phát triển khoảng 50-60 cửa hàng tiện lợi. Như vậy bình quân trên địa bàn thành phố mỗi quận, huyện có 2-3 cửa hàng tiện lợi ở khu dân cư đông đúc đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các mặt hàng thiết yếu.

Khi hết hàng, các cửa hàng này chỉ cần điện thoại về trung tâm phân phối sẽ được giao hàng ngay. Giá cả cũng được thống nhất toàn hệ thống. Khách hàng mua tại đây sẽ được phát hành thẻ thành viên, khi mua ở cửa hàng nào cũng được tích lũy điểm.

Nhiều mặt hàng khó kiểm soát xuất xứ, nguồn gốc

Dịp tết nhiều mặt hàng như mứt, trái cây… được bày bán ở chợ do các hộ cá thể sản xuất đưa vào thị trường bán, rất khó kiểm tra, kiểm soát các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Hay một số mặt hàng như thịt heo, cá, tôm… chưa truy được nguồn gốc xuất xứ. Vì những tàu đánh cá phải đi xa mất nửa tháng, một tháng mới trở về đất liền. Đánh ngày đầu tiên bỏ xuống hầm mới ướp đá thậm chí là phân u rê để làm thì cá mới đỏ tươi. Chừng nửa tháng sau mới vào đất liền, phân thấm vào cá rồi… Hoặc quy định các loại rau, lá trước đi bán thì một tuần trước đó không được phun thuốc nhưng có trường hợp sáng phun chiều đem đi bán… đều khó kiểm soát. Nên nếu các sản phẩm không rõ nguồn gốc không thể vào được các chợ đầu mối, các siêu thị. Vì theo quy định những sản phẩm bày bán phải ghi xuất xứ nơi sản xuất, nhà sản xuất, địa chỉ ở đâu.

TÚ UYÊN - YÊN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm