Hội đồng có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đại diện một số trường ĐH-CĐ trong cả nước.
Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học tất cả các khối là 15 điểm, 12 điểm đối với các trường cao đẳng.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cho biết ngưỡng chất lượng đầu vào đã được tính toán kỹ lưỡng dựa trên phổ điểm, phân bố theo vùng, địa phương, đảm bảo dôi dư cho các trường tuyển sinh.
Sau khi có ngưỡng đầu vào, các trường bắt đầu đưa ra tiêu chí xét tuyển và nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 từ 1-8.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2015 số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ thi đủ ba môn của khối A truyền thống là 320.000 thí sinh, số thí sinh dự thi đủ ba môn khối B là 187.000, khối C có 111.000 và số thí sinh thi đủ ba môn khối D là 543.000.
Khối A có 110.000 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 243.000 em đạt từ 15 điểm trở lên. Khối B có 45.000 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 121.000 em đạt từ 15 điểm trở lên.
Các khối thi truyền thống như A, B, C và các tổ hợp môn thi có ít nhất từ hai môn tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh) trở lên thì mức điểm trung bình thí sinh đạt được nằm trong khoảng 16-18. Các tổ hợp gồm môn Toán kết hợp với các môn xã hội hoặc môn Ngoại ngữ thì điểm thi trung bình ở mức 13-15.
Năm 2014, ngưỡng điểm tối thiểu để các trường tuyển thí sinh vào học là: Khối A, A1, C, D 13 điểm, khối B 14 điểm. Điểm sàn của bậc cao đẳng thấp hơn điểm sàn bậc đại học 3 điểm, tương ứng theo từng khối.
Sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh có đăng ký thi với mục đích xét tuyển sinh ĐH-CĐ được cấp bốn Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường ĐH chủ trì cụm thi.
Thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng I để đăng kí vào 1 trường ĐH hoặc CĐ. Mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Trong thời hạn 20 ngày thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác. - Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I không được đăng kí ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. - Nếu không trúng tuyển vào ĐH-CĐ ở lần xét tuyển nguyện vọng I, thí sinh có thể dùng đồng thời 3 Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường; trong mỗi trường, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh mới được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo. Theo quy định, cứ 3 ngày/1 lần các trường phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường số lượng thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Căn cứ số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển so với số chỉ tiêu cần tuyển, thí sinh có quyết định kịp thời, phù hợp. |