Nông dân 'tay không bắt giặc', thu 65 tỉ/năm

(PLO)- Nhiều nông dân đã tìm tòi, sáng tạo và đưa ra được những sáng kiến, giải pháp giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 3-10, Ban tổ chức chương trình Tự hào nông dân Việt Nam (VN) cho biết đã bình chọn được 100 nông dân tiêu biểu nhất để trao danh hiệu “Nông dân VN xuất sắc năm 2022”.

Họ là biểu tượng đẹp, đại diện cho hàng triệu nông dân trên cả nước đang ngày đêm sản xuất, kinh doanh, sáng tạo và đi đầu trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Mô hình chăn nuôi bò thương phẩm của nông dân xuất sắc Trần Văn Thắng. Ảnh: MINH NGỌC

Mô hình chăn nuôi bò thương phẩm của nông dân xuất sắc Trần Văn Thắng. Ảnh: MINH NGỌC

Nông dân xuất sắc kể về hành trình khởi nghiệp

Câu chuyện khởi nghiệp từ mô hình chăn nuôi bò thương phẩm của nông dân Trần Văn Thắng (xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội) khiến nhiều người cảm phục.

Cách đây khoảng 10 năm, ông Thắng vô tình phát hiện sau khi thu hoạch, rất nhiều phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây ngô… bị người dân vứt chỏng chơ ngoài đồng rất lãng phí. Không chỉ vậy, ông thấy nhiều dự án bỏ hoang để cỏ mọc um tùm. Ông tự nhủ: Tại sao lại không chuyển sang nuôi bò để tận dụng nguồn thức ăn dồi dào ngoài tự nhiên này?

Từ suy nghĩ đó, nông dân Thắng quyết định đầu tư vào nuôi bò thương phẩm. “Nếu nuôi 300 con bò thì cần 50-60 ha cỏ mới đủ nguồn thức ăn quay vòng cho đàn bò. Thế nhưng tôi chỉ có khoảng vài mẫu cỏ để làm thức ăn phòng những ngày mưa gió, còn lại tôi cho công nhân đi cắt cỏ hoang từ các dự án bỏ hoang về” - ông Thắng kể.

Nhờ nguồn cỏ từ phụ phẩm nông nghiệp mà bà con bỏ đi, cộng thêm cỏ từ các dự án bỏ hoang mà trung bình mỗi con bò tiết kiệm được 200.000 đồng tiền thức ăn mỗi ngày. Đây là một con số không hề nhỏ.

Từ năm 2014 đến 2019, trang trại của ông Thắng luôn duy trì 200-300 con bò thương phẩm và 50 con bò nái. Trang trại của ông tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân với mức thu nhập ổn định. Đặc biệt, trong bối cảnh thức ăn chăn nuôi tăng giá chóng mặt như hiện nay, nhiều người chăn nuôi rơi vào tình trạng thua lỗ thì mô hình chăn nuôi bò dựa vào nguồn cỏ ngoài tự nhiên của ông Thắng vẫn có lãi.

Nhưng không chỉ có vậy, mô hình chăn nuôi bò của ông Thắng được thực hiện khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến khi ra thị trường, có mặt trên bàn ăn của người tiêu dùng. Quá trình chăn nuôi, phân phối khép kín, không phụ thuộc thương lái nên tiết giảm được nhiều chi phí. Kết quả doanh thu từ mô hình chăn nuôi bò của ông Thắng đạt 65 tỉ đồng/năm, được bình chọn là nông dân có doanh thu cao nhất trong số 100 nông dân xuất sắc năm 2022.

100 nông dân tiêu biểu nhất đều là những tấm gương năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế.

9X bỏ việc ở công ty nước ngoài về trồng rau

Đó là câu chuyện khởi nghiệp với mô hình trồng rau công nghệ cao của vợ chồng nông dân xuất sắc Nguyễn Thị Trâm (sinh năm 1990, ngụ thôn Nhất Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, Bắc Ninh). Hiện mô hình này đang cung cấp rau cho các siêu thị, bếp ăn tập thể, công ty chế biến… với doanh thu 18 tỉ đồng/năm.

Trâm cho biết cả hai vợ chồng đều là dân kỹ thuật, tài chính, tốt nghiệp Trường ĐH Giao thông vận tải và Trường ĐH Bách khoa. Sau khi ra trường, cả hai làm việc cho công ty nước ngoài. Đang có công việc yên ổn, mức lương cao nên khi rẽ ngang sang làm nông nghiệp bị gia đình phản đối rất nhiều. Vì lúc đó mọi người đều cho rằng nông nghiệp rất khó làm giàu, lại vất vả nhiều bề. Mãi về sau, khi thấy hai vợ chồng vẫn kiên trì gắn bó và có chút thành quả ban đầu thì mọi người trong gia đình cũng ghi nhận và ủng hộ.

“Ban đầu khi lựa chọn làm nông nghiệp là do xuất thân của hai vợ chồng đều từ vùng quê nghèo, chuyên trồng rau màu để sinh sống, không có khu công nghiệp. Bố mẹ cũng rất vất vả để nuôi các con ăn học. Tuy nhiên, giá rau củ theo mùa vụ và phụ thuộc thương lái, nhiều năm giá quá thấp, bố mẹ phải đổ bỏ. Trăn trở điều đó, vợ chồng Trâm muốn làm được điều gì đó để giúp đỡ gia đình mình đầu tiên, sau đó là người dân quanh vùng” - Trâm kể.

Một trong những nguyên nhân giúp mô hình của vợ chồng Trâm đạt hiệu quả là do đã tìm hiểu kỹ càng, lên kế hoạch bài bản, đặc biệt là chuẩn bị sẵn các giấy tờ pháp lý, chứng nhận nguồn gốc rau củ mà mình sản xuất.

“Từ năm 2014-2015 chúng tôi đã có đầy đủ giấy tờ về vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận VietG.A.P… Nhờ vậy, việc thâm nhập vào hệ thống các siêu thị cũng dễ dàng hơn. Nếu năm 2015, doanh thu của chúng tôi chỉ khoảng 250 triệu đồng thì năm 2021 đạt 18 tỉ đồng. Đây là động lực rất lớn để vợ chồng tôi gắn bó lâu dài với ngành nông nghiệp” - Trâm nói.

Hiện từ vùng nguyên liệu của vợ chồng Trâm cung cấp được khoảng 700-900 tấn rau/năm, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động. Ngoài ra, lượng lao động thời vụ có thời điểm 50-70 người, mức lương 5-10 triệu đồng.

Trong quá trình sản xuất gần 10 năm qua, mô hình của Trâm đi dần từ việc hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho bà con, sau đó đến thuê đất và bắt tay vào tự sản xuất. Mô hình này dần dần hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng với các sản phẩm như ớt chuông, dưa leo baby, dưa lưới, cà chua cherry, rau thủy canh. Vợ chồng Trâm hướng tới sản xuất cánh đồng mẫu lớn, sản xuất vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

“Để gắn bó được với nông nghiệp như vậy thì trước hết phải có đam mê, phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn tài chính ổn định, bền vững. Trước khi làm hãy đi nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn để nắm bắt được kỹ thuật và cây trồng mình muốn hướng tới và phải có chiến lược trước để bước đi của mình đỡ rủi ro hơn. Còn nếu bốc đồng thấy người ta làm mình cũng làm, dù mình có tiền thì bao nhiêu tiền cũng thiếu vì đầu tư rất lớn, nhất là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, chế biến” - Trâm chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp của mình.•

100 nông dân được trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc

Tại cuộc họp báo thông tin về chương trình Tự hào nông dân VN diễn ra sáng 3-10, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Nông dân VN, đánh giá: Những nông dân xuất sắc được bình chọn là những nông dân năng động, sáng tạo, có ý chí vượt khó làm giàu và sống có trách nhiệm, nghĩa tình với cộng đồng.

Đặc biệt, họ có đóng góp mang tính dẫn dắt trong quá trình hồi phục của nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau khi đại dịch COVID-19 được cơ bản kiểm soát.

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân VN xuất sắc sẽ diễn ra vào 19 giờ ngày 14-10 tại Nhà hát lớn, Hà Nội. Dự kiến chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình VN. AN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm