Nóng Nga-Ukraine 12-10: Ông Zelensky thúc phương Tây gửi hệ thống phòng không để đối phó tên lửa Nga

(PLO)- Phương Tây trước áp lực gửi hệ thống phòng không cho Ukraine; Nga tuyên bố đạt mục tiêu sau ngày thứ hai dội tên lửa vào Ukraine; Ukraine kiểm đếm các cuộc pháo kích, không kích từ phía Nga; G7 cam kết hỗ trợ Ukraine, trừng phạt thêm Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình chiến sự

. Ngày 11-10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân Nga tiếp tục chiến dịch tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu trên khắp Ukraine, theo hãng tin Sputnik.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói rằng trong ngày 11-10 quân Nga “tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công hàng loạt” bằng vũ khí tầm xa, có độ chính xác cao, phóng từ trên không và trên biển “nhằm vào các sở chỉ huy, cơ sở quân sự và năng lượng của Ukraine”.

Về kết quả, ông Konashenkov khẳng định: “Các đối tượng được nhắm đến đã bị bắn trúng và Nga đã đạt được tất cả mục tiêu trong chiến dịch”.

. Quân đội Ukraine cho biết trong ngày 11-10 Nga đã dội 30 tên lửa hành trình, thực hiện 7 cuộc không kích và 25 cuộc pháo kích vào Ukraine, hãng tin Reuters cho hay. Hậu quả, 7 người dân ở tỉnh Zaporizhia thiệt mạng và một phần TP Lviv (tỉnh Lviv) bị mất điện, theo các quan chức Ukraine.

Quang cảnh ở trung tâm thủ đô Kiev ngày 11-10 sau khi Nga mở chiến dịch dội tên lửa hàng loạt khắp Ukraine hôm 10-10. Ảnh: REUTERS

Quang cảnh ở trung tâm thủ đô Kiev ngày 11-10 sau khi Nga mở chiến dịch dội tên lửa hàng loạt khắp Ukraine hôm 10-10. Ảnh: REUTERS

Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Không quân Yuriy Ihnat cho biết các đợt tấn công của Nga được tiến hành từ rất sớm, bắt đầu từ 3 giờ sáng, và Nga đã sử dụng máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95 để không kích, theo hãng thông tấn Ukrinform.

Ông Ihnat nói thêm rằng trong ngày 11-10, Ukraine đã bắn hạ 8 máy bay không người lái (UAV) và đánh chặn 18 tên lửa hành trình của Nga.

Theo đánh giá của Reuters, chiến dịch tấn công hàng loạt của Nga ngày thứ 2 ít dữ dội hơn ngày đầu 10-10. Ngày 10-10, đợt dội tên lửa của Nga trên khắp Ukraine là 19 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương, nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hại nặng.

. Ngày 11-10, quân Ukraine đã tấn công một trạm biến áp ở làng Shebekino, phía nam tỉnh Belgorod (Nga) khiến hỏa hoạn xảy ra và làm gián đoạn nguồn cung điện cho khoảng 2.000 người dân trong khu vực, đài RT dẫn thông tin từ các quan chức tỉnh Belgorod cho hay.

Theo các quan chức địa phương, vụ tấn công nhằm vào trạm biến áp này chỉ gây thiệt hại về cơ sở vật chất và không có thương vong nào. Hiện vẫn chưa rõ nhà máy bị pháo kích hay bị dội rocket.

. Trong cuộc họp khẩn với các nước G7 ngày 11-10, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky kêu gọi G7 hỗ trợ thành lập nhóm giám sát quốc tế ở khu vực biên giới Ukraine-Belarus trong bối cảnh Ukraine cáo buộc Belarus hỗ trợ Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt, theo Reuters.

Ông Zelensky nói rằng Kiev muốn có một nhóm giám sát quốc tế tại khu vực biên giới với Belarus vì Ukraine muốn đảm bảo không có mối đe dọa nào bắt nguồn từ nước láng giềng ở phía bắc này và khẳng định Ukraine không có kế hoạch xung đột với Belarus.

Ông Zelensky thúc phương Tây gửi hệ thống phòng không cho Ukraine

. Cũng trong cuộc họp ngày 11-10, ông Zelensky kêu gọi lãnh đạo các nước trong nhóm G7 hỗ trợ Kiev thêm nhiều hệ thống phòng không hiện đại trong bối cảnh Nga liên tục dội tên lửa trên khắp Ukraine, theo Reuters.

“Khi Ukraine nhận đủ số hệ thống phòng không hiện đại và hiệu quả thì các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga sẽ không còn tác dụng” - ông Zelensky khẳng định.

Họp báo ngày 11-10, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg kêu gọi thành viên của khối tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là các hệ thống phòng không hiện đại, theo tờ The New York Times.

Người dân trú ẩn trong một ga tàu điện ngầm ở Kiev vào ngày 11-10 trong khi Nga dội tên lửa nhiều khu vực ở Ukraine. Ảnh: REUTERS

Người dân trú ẩn trong một ga tàu điện ngầm ở Kiev vào ngày 11-10 trong khi Nga dội tên lửa nhiều khu vực ở Ukraine. Ảnh: REUTERS

Ông Stoltenberg cho rằng các cuộc dội tên lửa của quân Nga vào các mục tiêu dân sự Ukraine là "một dấu hiệu của sự yếu kém" và Ukraine có thể ngăn chặn điều này nếu kho vũ khí được cải thiện.

Theo ông Stoltenberg, Ukraine đã dùng các hệ thống phòng không mà các nước NATO cung cấp để đánh chặn tên lửa Nga, do đó những hệ thống này đang thực sự tạo ra khác biệt.

. Cũng trong ngày 11-10, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết chính quyền Washington đang xúc tiến việc cung cấp cho Ukraine 2 hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAM), theo Ukrinform.

Ông khẳng định Mỹ quan tâm đến việc cung cấp NASAM cho Ukraine và nói rằng 2 hệ thống NASAM đầu tiên này sẽ đến Ukraine trong tương lai gần.

Theo tập đoàn công nghệ Mỹ Raytheon, Mỹ đã sử dụng NASAMS để bảo vệ Nhà Trắng và một số khu vực ở Washington từ năm 2005. Các hệ thống này có tầm bắn khoảng 30 km đến 50 km.

Nga nói muốn đàm phán với phương Tây, Mỹ nói không tin

. Tuyên bố chung của lãnh đạo các nước G7 sau cuộc họp khẩn hôm 11-10 khẳng định nhóm sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, về vũ khí, tài chính, ngoại giao, pháp lý,..., đồng thời cực lực lên án các cuộc tấn công ồ ạt của Nga nhằm vào mục tiêu dân sự trên khắp Ukraine, theo Reuters.

Nhóm G7 còn khẳng định không bao giờ công nhận việc 4 tỉnh Ukraine sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý mà khối này cho là giả tạo. Đặc biệt, nhóm thông báo sẽ áp đặt thêm trừng phạt kinh tế lên Nga về những hành động mà Nga gây ra ở Ukraine.

. Người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov đánh giá rằng sau cuộc họp của G7 sự đối đầu giữa phương Tây và Nga vẫn tiếp tục. Ông nói rằng việc các nước đồng ý viện trợ thêm vũ khí cho Kiev là điều có thể đoán trước được và Moscow sẽ theo dõi sát sao tình hình, theo hãng thông tấn TASS.

Lính cứu hỏa làm việc tại một khu vực ở tỉnh Zaporizhia khi Nga pháo kích ngày 11-10. Ảnh: Dịch vụ khẩn cấp Ukraine/REUTERS

Lính cứu hỏa làm việc tại một khu vực ở tỉnh Zaporizhia khi Nga pháo kích ngày 11-10. Ảnh: Dịch vụ khẩn cấp Ukraine/REUTERS

. Ngày 11-10, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga Russian TV, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán với phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine. Ông nói rằng Nga sẽ không khước từ việc đối thoại và sẵn sàng làm việc với Mỹ, bao gồm việc đối thoại với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 11 tới, để tìm cách chấm dứt chiến tranh.

Tuy nhiên, theo ông Lavrov, hiện không có tín hiệu nào từ Mỹ về khả năng đàm phán và cũng không có đề xuất nghiêm túc nào về khả năng thảo luận về Ukraine được đưa ra.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng Washington không tin lắm về lời đề nghị đàm phán của Nga khi đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Nga dội tên lửa vào hàng loạt mục tiêu Ukraine trong 2 ngày liên tiếp khiến nhiều dân thường thiệt mạng, theo Reuters.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm