Vụ “chuyến bay giải cứu”:

Nộp 42 tỉ đồng, bị cáo Phạm Trung Kiên có thoát án tử?

(PLO)- Nộp lại 42 tỉ đồng (tức hơn 3/4 số tiền nhận hối lộ) chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ phải là tích cực phối hợp với cơ quan chức năng… thì tòa mới xem xét cho bị cáo thoát án tử.

HĐXX TAND TP Hà Nội đang nghị án vụ “chuyến bay giải cứu”, dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 28-7 tới đây.

Trong số 54 bị cáo, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên là bị cáo duy nhất bị VKS đề nghị mức án tử hình về tội nhận hối lộ (với 253 lần nhận, tổng cộng 42,6 tỉ đồng). Tính đến ngày 24-7, gia đình bị cáo này đã khắc phục hậu quả, nộp lại tiền hối lộ tổng cộng hơn 42 tỉ đồng. Dư luận thắc mắc với việc đã nộp lại hơn 3/4 số tiền nhận hối lộ, liệu bị cáo Kiên có đủ điều kiện để được thoát án tử hình?

Tính đến ngày 24-7, bị cáo Phạm Trung Kiên và gia đình đã nộp hơn 42 tỉ đồng tiền nhận hối lộ. Ảnh:BÙI TRANG

Điều kiện cần: Đã khắc phục 3/4 số tiền chiếm đoạt

Theo TS - luật sư (LS) Đặng Văn Cường, Đoàn LS TP Hà Nội, có nhiều yếu tố quyết định đến mức hình phạt, mà không chỉ căn cứ vào số tiền chiếm đoạt. Để quyết định hình phạt phù hợp thì phải xem xét đầy đủ cả các yếu tố về nhân thân, hành vi, tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội…

Trường hợp người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, cơ bản bồi thường, khắc phục được hậu quả, hậu quả của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được giảm bớt… thì tòa án có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo để tuyên một mức hình phạt phù hợp.

Điều 40 Bộ luật Hình sự quy định không thi hành án tử hình đối với một số trường hợp, trong đó có trường hợp “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Hình phạt trong trường hợp này sẽ được chuyển từ tử hình sang tù chung thân.

Khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng quy định: “Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử”.

Như vậy, có thể thấy với việc nộp lại hơn 3/4 số tiền nhận hối lộ, bị cáo Kiên đã đủ điều kiện cần để tòa án có thể xem xét áp dụng điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS và khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Nếu chỉ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, kể cả trường hợp bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả 100% mà không có điều kiện thứ hai là “chủ động tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” thì sẽ không được tòa xem xét cho thoát án tử.

Điều kiện đủ: Tích cực phối hợp để “phá án” hoặc lập công lớn

Cũng theo TS-LS Đặng Văn Cường, nếu chỉ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, kể cả trường hợp bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả 100% mà không có điều kiện thứ hai là “chủ động tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” thì sẽ không được xem xét áp dụng quy định nói trên để chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn.

Khoản 8, khoản 9 Điều 2 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng hướng dẫn về tình tiết “hợp tác tích cực, lập công lớn”.

Theo đó, “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” là sau khi phạm tội thì chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội. Ví dụ như chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội...

Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” nhưng tòa án phải nhận định rõ trong bản án.

“Lập công lớn” là trường hợp người phạm tội đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân trong thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “lập công lớn” nhưng tòa án phải nhận định rõ trong bản án.

“Cũng cần nói thêm rằng đề nghị mức hình phạt tử hình là quan điểm của VKS. Quan điểm của LS bào chữa cho bị cáo Kiên lại khác. Nếu tòa chấp nhận quan điểm của VKS (tức là đáng bị xử phạt mức tử hình) thì ngoài việc khắc phục hậu quả, phải có thêm tình tiết là bị cáo tích cực chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì tòa mới không áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình.

Trường hợp tòa án chấp nhận quan điểm bào chữa của LS, bị cáo thì HĐXX có thể không áp dụng hình phạt tử hình để thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật đối với những người phạm tội mà biết ăn năn hối cải, có ý thức khắc phục hậu quả, vẫn còn khả năng cải tạo giáo dục” - TS-LS Đặng Văn Cường cho biết.•

Một “tiền lệ” về việc thoát án tử

Trong vụ án AVG, cựu bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc đã nhận hối lộ 3 triệu USD, bị VKS đề nghị HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt mức án cao nhất là tử hình. Kết quả là khi tuyên án, HĐXX chỉ phạt bị cáo Son mức án chung thân.

HĐXX cho rằng gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã thay bị cáo nộp lại 66 tỉ đồng là số tiền bị cáo Son đã nhận hối lộ. Bị cáo Son đã tự nguyện nộp hơn 500 triệu đồng có trong tài khoản bị phong tỏa.

“Bị cáo Son đã nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm hưởng, thể hiện sự thành khẩn và ăn năn hối cải. Bản thân bị cáo có nhiều thành tích trong quá trình công tác nên không cần thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình như đề nghị của VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa” - HĐXX nhận định.

Thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án này, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chưa có Nghị quyết 03/2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới