Ngày 1-7, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm vụ án liên quan đến các sai phạm xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Năm bị cáo nộp thêm 1,1 tỉ khắc phục hậu quả
Trước khi tuyên án, chủ tọa thông báo quay lại phần xét hỏi do có năm bị cáo nộp thêm 1,1 tỉ đồng tiền khắc phục hậu quả, được VKS đề nghị giảm nhẹ hình phạt và được HĐXX chấp nhận.
|
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG |
Cụ thể, ba người được giảm chín tháng tù gồm: Bị cáo Vũ Như Khuê (cựu giám đốc ban điều hành liên danh gói thầu số 1) nộp khắc phục 300 triệu đồng, được giảm còn 51 tháng tù; Cao Hừng Đông (cựu phó giám đốc ban điều hành liên danh gói thầu số 1) nộp 300 triệu đồng, được giảm còn ba năm ba tháng tù và Nguyễn Mạnh Cường (cựu phó giám đốc ban điều hành liên danh gói thầu số 1) nộp 200 triệu đồng, được giảm án còn ba năm ba tháng tù.
Hai bị cáo được giảm sáu tháng tù gồm Nguyễn Hồng Phước (cựu giám đốc ban điều hành liên danh gói thầu số 7) nộp 100 triệu đồng, được giảm án còn 30 tháng tù và Đỗ Tấn Nam (cựu giám đốc ban điều hành Công ty Tuấn Lộc thi công gói thầu số 4) nộp 200 triệu đồng, được giảm còn ba năm ba tháng tù.
Ngoài ra, HĐXX bác các kháng cáo của 14 bị cáo còn lại. Những bị cáo này có xuất trình thêm các tình tiết giảm nhẹ trong phiên tòa phúc thẩm nhưng chưa liên đới bồi thường. Hậu quả từ các sai phạm là đặc biệt lớn, do đó HĐXX nhận thấy chưa đủ căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ, cho hưởng án treo.
Cấp xét xử sơ thẩm không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) song phải có trách nhiệm liên đới, cùng các bị đơn chịu trách nhiệm.
Đến nay, VEC vẫn chưa nhận được khoản bồi thường nào, do đó việc kê biên tài sản, tạm dừng giao dịch, phong tỏa tài khoản chứng khoán của các bị cáo nhằm đảm bảo thi hành án sau này...
Không đạt vẫn nghiệm thu, thanh toán hơn 811 tỉ đồng
Theo cáo trạng, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139 km, từ TP Đà Nẵng đến TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).
14 bị cáo xuất trình thêm các tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa liên đới bồi thường, hậu quả từ các sai phạm là đặc biệt lớn nên HĐXX nhận thấy chưa đủ căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ, cho hưởng án treo.
Dự án được khởi công vào tháng 5-2013, chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 dài 65 km, từ TP Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ (Quảng Nam), gồm tám gói thầu xây lắp chính (bảy gói thầu thi công đường và một gói thầu thi công cầu).
Tháng 8-2017, dự án hoàn thành thông xe giai đoạn 1. Tuy nhiên, dù mới được đưa vào sử dụng nhưng đoạn đường 65 km đã có rất nhiều điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.
Kết luận giám định cho thấy chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với tất cả bảy gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn 1 đều không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.
Điển hình như chiều dày lớp bê tông nhựa VTO/Novachip không đảm bảo quy định, độ rỗng dư, hàm lượng nhựa, hệ số thấm không đạt yêu cầu quy định; lớp bê tông nhựa hạt mịn thiếu chiều dày bình quân, độ rộng dư dao động rất lớn...
Dù nhiều hạng mục thi công không đảm bảo tiêu chuẩn nhưng chủ đầu tư và đơn vị liên quan vẫn ký nghiệm thu, thanh toán cho các nhà thầu với số tiền hơn 811 tỉ đồng. Đây được xác định là thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Tháng 12-2021, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 35 bị cáo từ hai năm tù nhưng cho hưởng án treo đến tám năm sáu tháng tù, cùng về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng một bị cáo người nước ngoài được miễn trách nhiệm hình sự do ông này tuổi cao, khai báo thành khẩn.
Về dân sự, tòa buộc các nhà thầu có trách nhiệm liên đới bồi thường khoản thiệt hại hơn 811 tỉ đồng. Các nhà thầu có quyền yêu cầu các cá nhân, pháp nhân liên quan bồi hoàn, nếu có tranh chấp thì có quyền giải quyết bằng một vụ án khác.
Tiếp tục điều tra giai đoạn 2
Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra giai đoạn 2 của vụ án và đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bảy bị can, trong đó có ông Mai Tuấn Anh (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên, tổng giám đốc VEC) và ông Trần Văn Tám (cựu tổng giám đốc VEC).
Ngoài ra còn có hai cựu phó tổng giám đốc VEC là Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quang Hào. Cả hai đều đã bị xét xử ở giai đoạn 1 (không kháng cáo) với mức án lần lượt là bảy năm tù và sáu năm tù, cùng về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.