Nốt lặng ngày chiến thắng

Mỗi ngày hàng triệu người đi qua cầu Rạch Chiếc. Ít người biết được nơi đây từng diễn ra một trận đánh sinh tử của một tiểu đoàn đặc công thuộc Lữ đoàn Biệt động 316 với lực lượng biệt động quân của Việt Nam cộng hòa. Một bên muốn phá cầu, còn một bên phải giữ cầu bằng được cho xe tăng quân chủ lực đi qua. Sau hai ngày đêm kịch chiến, cây cầu còn nguyên vẹn nhưng hàng chục chiến sĩ đã hy sinh. Đến nay, mọi cố gắng vẫn không giúp có đủ danh sách những người hy sinh tại cây cầu này và cũng đến nay, thành phố chưa có được một tấm bia kỷ niệm chiến công hiển hách, ghi danh tên tuổi của các anh cho hậu thế.

Đại đội tôi mang tên Hùng Vương. Tất cả 150 người đều là học sinh lớp 10 của quê hương đất tổ tình nguyện lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam, sau con số trên chỉ còn phân nửa. Số hài cốt quy tập được về quê hương chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cho đến tận bây giờ tôi không lý giải được tại sao ngày ấy, quân đội chúng ta không quá lạc hậu mà sao không nghĩ ra cách nào tốt hơn là việc nhét một miếng giấy nhỏ viết vội vào lọ penexilin hay quấn vào một mảnh nylon nhét vào miệng trước khi chôn để lưu lại tên tuổi người hy sinh. Giá như có một cái thẻ nhựa hay một miếng kim loại thì đâu đến mức nỗi đau có người thân hy sinh không tìm thấy xác. Trong suốt cuộc hành trình hơn 30 năm đi tìm mộ những người đồng đội cũng là bạn học của mình, tôi đã đến hàng chục nghĩa trang liệt sĩ ở miền Nam. Những buổi chiều lạnh và nhập nhoạng đứng nhìn hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ xếp ngay hàng thẳng lối, tất cả bia mộ chỉ có dòng chữ vô danh hay quê quán miền Bắc, sao mà thấy xót xa…

Lễ kỷ niệm ngày chiến thắng nào cũng diễn ra trong không khí tưng bừng, cờ hoa rợp trời, mọi người hân hoan nhưng nhìn kỹ lại hình như không có mấy hình bóng người lính giải phóng thành phố ngày ấy có mặt trên lễ đài hay trong khối quần chúng tay vẫy cờ hoa. Những người lính còn sót lại qua máu lửa ấy, ngay sau chiến tranh đã lặng lẽ trở về với đời thường. Trở về quê sau những ngày hừng hực chiến thắng ấy, hầu hết trong số họ gắn đời với mảnh ruộng, ít có dịp nào trở lại thăm thành phố. Giá như thành phố này có một loại huy chương hay kỷ niệm chương dành cho những người có công giải phóng thành phố này thì đáng quý biết bao. Những ngày ở Nga, tôi đã gặp các cựu chiến binh Xô Viết mang các huy chương trên ngực với lòng tự hào. Bởi tấm huy chương ấy mang tên những thành phố mà chính họ tham gia giải phóng.

Mới đây thôi, tỉnh Quảng Trị đã tặng những người lính tham gia giải phóng thành cổ Quảng Trị một kỷ niệm chương. Điều này đâu có gì quá tầm tay của một thành phố? Thượng tướng Trần Văn Trà khi còn sống từng có một câu nói nổi tiếng: “Nói cho cùng thì tất cả chiến công hiển hách đều thuộc về những người lính bình thường nhất”. 

Trong những năm chiến tranh, số phận đưa đẩy tôi rơi vào một đơn vị hết sức đặc biệt, đó là Đoàn Biệt động Sài Gòn-Gia định. Cả đơn vị rặt người Trung và Nam, chỉ có một mình tôi là Bắc. Trong số đó có rất nhiều người là sĩ quan, viên chức “ngụy” nhưng là người của ta, trong số đó có cả những người mang cấp hàm đại tá, giáo sư, công chức cao cấp. Họ tham gia mạng lưới tình báo với nhiệm vụ là lấy tin, địch vận và họ cũng tham gia tấn công vào Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam cộng hòa ngày 30-4-1975. Nhưng ngay sau giải phóng, có những sự cố bất thường làm thay đổi hẳn cuộc đời một số người trong họ. Người làm việc trực tiếp với họ bị chết ngay sáng 1-5-1975 vì tai nạn giao thông, thế là mắt xích quan trọng nhất bị đứt, không còn ai đứng ra xác định nhân thân cho họ… Những người có số phận éo le như thế không phải là ít, nhất là những người hoạt động tình báo đơn tuyến. Có những người hiện là nhà khoa học ở nước ngoài, tôi đã nhiều lần nhắn tin mời về nhưng họ không trở về vì mặc cảm, cho dù lúc nào cũng đau đáu nhớ quê hương.

Những người vượt biên có nhiều lý do khác nhau, vì kinh tế, vì đoàn tụ gia đình nhưng cũng có người vì bất đồng với một cá nhân nào đó. Điều đó không có nghĩa là họ không yêu Tổ quốc và dân tộc, bởi tình yêu Tổ quốc là tình yêu bản năng như tình yêu con cái dành cho cha mẹ vậy. Những quy kết vụng về và ấu trĩ ngày ấy ít nhiều đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của nhiều người, trong đó có cả những trí thức lớn...

Một nhà văn Xô Viết đã từng viết rằng khuôn mặt người chiến thắng không bóng bẩy, đẹp đẽ như trong phim ảnh mà nó hằn đầy nỗi đau khổ của mất mát, hy sinh và có cả hy vọng cho ngày mai. Chúng ta cần nhớ điều này để hiểu sâu sắc hơn quá khứ hào hùng của dân tộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm