Nữ sinh bị bạn đánh phải nhập viện tâm thần: Cái ác tăng cấp!

Từ lâu rồi tôi không dám xem những clip học sinh tra tấn, nhục mạ bạn. Nó quá sức chịu đựng của tôi, nó ám ảnh. Tôi có hai đứa con đang tuổi lớn, tôi cũng không muốn chúng nó xem được. Dù, có cấm thì nó vẫn sẽ xem được, khi internet vào tận giường ngủ mỗi người.

Cảm xúc của tôi những lần từng buộc phải xem các clip, là chỉ muốn hoá thân thành cái người bị hại, ngay thời điểm ấy, với khúc cây chừng nửa mét trong tay, và không có giới hạn nào cho đòn giáng trả. Đó là sự phẫn uất bị đè nén, sự căm thù giáng xuống hành vi độc ác và tiếng cười hả hê, và cả câu trả lời cho những người vô cảm dự khán. Tôi không biết các bậc cha mẹ của những đứa đánh bạn kia sẽ nghĩ gì. Thường, đa phần họ cũng sẽ "con dại cái mang", tìm ưu điểm con mình, xin tha thứ cho sự bồng bột.

Ông hiệu trưởng trong vụ nữ sinh lớp 9 phải vào bệnh viện tâm thần để điều trị sau khi bị 5 bạn lột quần áo, đánh hội đồng tại Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên)  bị ăn gạch khi trong phần trả lời có một ý: Em ấy bị đánh vì hiền lành chậm chạp. Mọi người trút gạch vào câu ấy, mà quên rằng ông có lý một phần: Hôm nay bạn nhẫn nhịn với điều vô lý, ngày mai những kẻ ác kia sẽ coi điều đó là bình thường, là chúng có quyền. Rất tiếc, sự giáo dục ở cả nhà trường và gia đình đã tạo ra khoảng trống cho cái ác xuất hiện và tung hoành ở thế giới của những đứa trẻ. Có lẽ chúng đã không được giáo dục về cách quý trọng thân thể và quyền bất khả xâm phạm. Vì thế chúng dễ trở thành nạn nhân nếu yếu thế, và thành thủ phạm khi cậy thế đám đông hoặc sức khoẻ.

Bạn có bao giờ nghe từ "say máu" không? Là cái ác và bạo lực có khả năng kích hoạt và vận hành sự man rợ khiến hung thủ khi lên cơn sẽ coi nó là bình thường. Càng bình thường hơn khi xung quanh là sự vô cảm, nhu nhược của đám đông hoặc sự cam chịu khuất phục của nạn nhân.

Tôi từng chứng kiến điều đó trong trại xã hội khi cùng đồng nghiệp hóa thân thành con nghiện để bị "thu gom" 17 năm trước. Bọn đại bàng đánh tất cả ai chúng muốn đánh. 100 con người trong phòng giam đã im lặng và cúi mặt khi chúng đánh người khác. Nhưng rồi những gương mặt cúi gằm ấy (với hy vọng chúng bỏ qua) đều lần lượt bị lôi lên đánh hộc cả cơm để làm trò tiêu khiển hay chỗ trút bỏ bực bội, ức chế của đám đại bàng. Nhưng chỉ một ngày sau khi chúng tôi ra trại và tố cáo, đám đại bàng ở trại 463 Nơ Trang Long ấy run như cầy sấy khi bị công an hình sự Bình Thạnh sờ gáy. Có đứa còn đái ra quần khi ông Khoát, Phó Giám đốc trại, căm quá nói tao đánh một roi mày chịu nổi không.

Xã hội thiếu những cái phanh. Tôi tin không đứa nào mê sách, mê chữ nghĩa lại đánh bạn và làm nhục bạn như thế. Không đứa bé nào sống trong thương yêu lại ác như thế. Và không đứa trẻ nào dám làm thế với bạn bè hay bất kỳ ai nếu chúng biết rằng đáp lại chúng không phải là tiếng cười mà là sự khinh bỉ; càng không phải là sự cam chịu của nạn nhân và sự im lặng cúi đầu của những người xung quanh!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm