Với chiều cao 104 cm và nặng khoảng 17 kg, Võ Thị Thanh Thảo đã hoàn thành ước mơ khi đỗ vào ngành Tâm lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.
Ngôi nhà nhỏ ở thôn Lộc Phước (xã Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam) của gia đình em mấy ngày nay đông vui hơn. Mẹ Thảo bỏ cả buổi đi bán bánh bột lọc dạo để ở nhà chia vui cùng con. “Thấy gia cảnh khó khăn mà con bé lại có nghị lực nên nhiều người thương tình mừng đến chơi, cho ít tiền và quần áo để nó vào thành phố trọ học”, bà Đỗ Thị Đào (53 tuổi, mẹ Thảo) nói.
|
Sắp tới mẹ Thảo sẽ vào TP HCM để hoàn thành ước nguyện 4 năm đại học cho con. Ảnh: Tiến Hùng. |
Gây ấn tượng cho người đối diện bằng nụ cười rạng rỡ, khuôn mặt thông minh, trong trẻo, Thảo kể, em từng mong làm nhà báo nhưng sức khỏe không cho phép. "Liệu có ngành nào người ta chấp nhận vẻ ngoài của em?”, Thảo trăn trở nhiều. Ước mơ vào ngành tâm lý đến với Thảo năm lớp 11, khi xem các chương trình truyền hình, Thảo nhận ra sự đóng góp tích cực của người tư vấn tâm lý đến đời sống cộng đồng, nhất là người trẻ. Thiếu nữ ước mơ trở thành nhà tư vấn tâm lý để “làm điểm tựa tâm hồn cho những hoàn cảnh kém may mắn như em” và xa hơn là nỗ lực mở một trung tâm tư vấn tâm lý.
Cùng chị gái đến trường nhận giấy báo thi, tình nguyện viên ngăn lại: “Em bé phải ở ngoài, một mình chị được vào phòng thi thôi”. Không ai ngờ cô bé cao tròm trèm một mét, mặc váy đồng phục trắng như học sinh lớp một đã 19 tuổi.
Lúc sinh ra, Thảo nặng chưa đầy 0,8 kg. Bố mẹ em gắng gượng nuôi nấng, nghĩ sau này con sẽ lớn. Đến 5 tuổi, thấy con vẫn nhỏ bé bất thường, bố mẹ đưa con đi khám mới hay Thảo bị thiếu hoóc môn tăng trưởng. “Do hoàn cảnh nên khi mang bầu tôi vẫn hàng ngày đạp xe rong ruổi để bán hàng. Sinh bé Thảo cứ nghĩ là thiếu tháng nên nó nhỏ vậy. Giờ đã 19 tuổi trông nó vẫn như đứa trẻ 5-6 tuổi mà thấy thương”, bà Đào ngậm ngùi nói.
“Bữa ni em mập lắm nhé, được 18 ký rồi”, Thảo hồ hởi khoe. 18 kg là cân nặng trung bình của bé gái 6-7 tuổi nhưng đó cũng là “kỷ lục mới phá” của cô gái sinh năm 1995. Em có một bộ sưu tập những đồ vật tí hon, bàn ghế đóng riêng, mấy bộ áo dài, giày dép nhỏ xíu. Vào phòng em dễ tưởng lạc vào xứ sở xì-trum hay chú lùn trong cổ tích.
|
Chị em Thương - Thảo những ngày thi đại học ở Sài Gòn. Ảnh:Khánh Ly. |
Niềm an ủi của vợ chồng bà Đào là đứa con bé bỏng rất thông minh. Hồi mới lẫm chẫm biết đi, Thảo được chị gái là Võ Thị Minh Thương bày cho đọc và viết. Ba đi làm ăn xa tận Khánh Hòa, Thảo viết thư hỏi thăm sức khỏe làm ba vô cùng ngạc nhiên, vội đón xe về nhà. Kể từ đó ba mẹ cho Thảo đến trường. Từ lớp 1 đến lớp 9, năm nào cô bé cũng được xếp loại giỏi, viết chữ đẹp. Bạn bè đã quá quen với cô bé tí hon nhưng sức học luôn đứng "hàng top" lại ẵm thêm các giải thi học sinh giỏi huyện.
Lần Thảo bị tai nạn giữa năm lớp 10 phải nằm viện 7 tháng, cô giáo và bạn bè không quản đường xa đến nhà giảng lại bài vở. Với Thảo: “Kỳ tích là tên gọi khác của nỗ lực nên em luôn cố gắng học tốt mỗi ngày”.
Sắp xếp lại hành trang chuẩn bị nhập học, Thảo cho biết, kỳ tuyển sinh vừa rồi em thi khối D vào ngành tâm lý học, được 20 điểm với Toán 7, Văn 7 và Ngoại ngữ 6. Ngoài ra, em còn thi khối A vào Học viện hành chính nhưng chưa coi điểm.
|
Thảo luôn nằm trong topđầu của lớp những năm học cấp 3. Ảnh: Tiến Hùng. |
Gia đình chỉ có hơn sào ruộng, nên bố Thảo là ông Võ Đông Liêm hàng ngày phải dậy từ rất sớm vào rừng kiếm từng bó củi, cây nấm rồi mang về chợ bán, còn mẹ thì rong ruổi khắp các ngõ hẻm bán bánh lọc. Hai vợ chồng lam lũ cả ngày kiếm được gần 200.000 đồng lo cho Thảo và chị gái đang học năm cuối của ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Bà Đào dự định sẽ vào Nam xin làm giúp việc và bán bánh bột lọc một thời gian để lo cho con ăn học. “Đồ đạc trong nhà đều người ta cho cả, cũng không còn gì đáng giá để bán. Khoảng một tháng nữa Thảo vào nhập học chắc lại vay ngân hàng để có tiền mua vé tàu cho hai mẹ con”, bà Đào nói.
Chia sẻ về người học trò đặc biệt, cô giáo Tưởng Thị Phượng, trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, Thảo là học sinh đặt biệt. Dù sức khỏe yếu, nhà xa nhưng em hầu như không bỏ buổi học nào. Thảo được sắp xếp một chiếc bàn riêng dành cho học sinh tiểu học. “Suốt 3 năm cấp 3, Thảo đều đứng top đầu của lớp về thành tích học tập. Việc Thảo đỗ đại học cũng không làm quá nhiều người bất ngờ”, cô Phượng nói.
Theo Tiến Hùng - Khánh Ly (VNE)