Nửa đêm, người đàn ông bật khóc …

Ngày thứ tư ở trong khu cách ly (Trường Tiểu học Phú Lợi 2, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương). cuộc sống tại đây đối với tôi và những người mới đến cách ly đã dần quen.

Mỗi ngày, sinh hoạt của những người trong khu cách ly lặp lại như nhau. Thức dậy ăn sáng, nghỉ ngơi rồi ăn trưa, nghỉ trưa rồi lại ăn tối, lòng vòng dạo mát một xíu rồi đi ngủ… Cứ thế từng ngày bình lặng trôi qua.

Thế nhưng đằng sau không gian tĩnh lặng, đằng sau cuộc sống có vẻ nhẹ nhàng ấy là những câu chuyện nhói lòng…

“Em không xin cho mình…”

Cơn mưa tại Bình Dương kéo dài từ chiều đến tận khuya, mưa cứ rả rích khiến những người trong khu cách ly lại… nhớ nhà, nhớ người thân.

23 giờ, tôi chẳng thể chợp mắt, trong đầu cứ nghĩ mãi về câu chuyện lúc chiều đi lấy cơm đã nghe, sao mà xót quá!

Gặp tôi ở lúc đi lấy cơm tối, một chị gái gọi với theo: “Anh ơi, anh là phóng viên phải không?”. “Dạ, đúng rồi chị”, tôi hơi bất ngờ vì sao chị biết mình.

Lúc này, nhân viên khu cách ly đang dầm mưa phát cơm đã gọi số phòng của tôi ở ra lấy cơm, tôi vội chạy ra lấy rồi quay lại hỏi: “Sao chị nhận ra em hay vậy?”.

“Thì thấy anh viết bài trong khu cách ly này nè” - chị nói.

Chưa kịp để tôi nói gì, chị nói thêm: “Anh viết tiếp đi, viết cho người nghèo bớt khổ xíu anh ạ. Chứ họ khổ lắm rồi. Ở gần phòng em có một gia đình vào cách ly hết, tội lắm anh ạ. Em nói chuyện, biết được họ chạy gạo từng bữa. Nếu có thể, anh viết bài về họ để mọi người giúp đỡ. Họ không thể đi làm mà cả nhà vào đây cách ly hết luôn rồi. Đến lúc hết cách ly, không biết họ còn có gì để ăn không. Nếu Nhà nước hỗ trợ chi phí cách ly thì còn đỡ, chứ không thì…”.

“Em không xin cho mình vì cũng đang ổn. Nhưng thấy họ, em thương quá!” - chị nói tiếp.

Câu chuyện bị đứt quãng khi điện thoại của tôi đổ chuông.

Câu chuyện này cứ luẩn quẩn trong đầu tôi, dịch bệnh đang quá phức tạp. Số ca nhiễm đang tăng lên từng ngày, mỗi ngày lại thêm nhiều khu phong tỏa mới. Cứ đà này, không biết những người lao động sẽ sống làm sao.

Nghĩ đến đấy, bất giác tôi sợ, sợ mình cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh ấy.

Vì dịch bệnh COVID-19, rất nhiều người lao động đang rơi vào hoàn cảnh
khó khăn.  Ảnh: LÊ ÁNH

Người đàn ông khóc…

Không thể ngủ, tôi đi ra hành lang hóng mát. Mưa vẫn rả rích, dưới ánh đèn, những giọt mưa có vẻ rơi chậm hơn, thêm cái không gian tĩnh lặng lúc nửa đêm khiến con người ta buồn đến nao lòng.

Cách tôi đứng vài mét, một người đàn ông đang ngồi ghế trầm ngâm nhìn mưa. Chắc anh cũng không ngủ được như tôi nên ra đây.

Tôi bắt chuyện, sau vài câu chào hỏi, tôi biết anh tên T., nhà ở phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một. Anh buôn bán tự do, vợ anh làm công nhân, anh còn có hai con nhỏ.

Anh kể: Ngày 17-6, khu phố nơi anh ở bị phong tỏa, đến ngày 9-7 mới được dỡ phong tỏa. Anh mới đi làm được một ngày thì “va” phải F0. Sau đó, đến tối 12-7 thì anh được đưa đến đây cách ly.

“Sau hơn 20 ngày bị phong tỏa không làm được gì, tôi vừa đi làm thì lại phải vào đây cách ly. Giờ tôi là F1, vợ và hai con của tôi là F2 cũng phải ở nhà cách ly. Cứ kéo dài tình trạng này, không biết lấy gì mà sống. Vợ chồng tôi là người lao động, làm ngày nào ăn ngày ấy, không có đồng dư. Không may mà tôi dương tính thì…” - nói đến đây, anh ngậm ngùi, khóe mắt rơm rớm.

“Tôi chỉ mong sao âm tính, sớm trở về nhà để cho vợ đi làm. Tôi chỉ mong Nhà nước hỗ trợ cho những người lao động như chúng tôi, được từng nào đỡ từng ấy” - anh nói tiếp.

Ngoài trời mưa vẫn rơi, sau những giọt nước mắt của người đàn ông này, không khí trở nên u uất hơn. Ngoài kia, từng dòng xe container vẫn hối hả ngược xuôi. Còn trong khu cách ly là những phận người éo le đến nao lòng.

Tôi biết rằng không chỉ có anh hay gia đình chị kia mà bên ngoài còn rất, rất nhiều người lao động đang không còn gì để ăn vì dịch COVID-19. Trong hoạn nạn, trong khó khăn, dường như lòng người xích lại gần nhau thêm, họ thấu hiểu nhau nhiều hơn, cùng cầu mong một phép màu…

Đồng hồ điểm qua 0 giờ, lại bắt đầu một ngày mới cách ly…•


Bình Dương có BV dã chiến điều trị COVID-19 với 1.500 giường

Khu cách ly tập trung Trường Tiểu học Phú Lợi 2 (phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) đang cách ly cho gần 200 người, trong đó có hai trẻ em và hai phụ nữ mang thai.

Hiện nay, chỉ tính riêng địa bàn TP Thủ Dầu Một đã có 23 khu cách ly. Sẵn sàng tiếp nhận khoảng 5.000 người vào cách ly tập trung. Riêng 10 khu đang hoạt động, cách ly cho 2.314 người. Tính đến ngày 17-7, Bình Dương ghi nhận 2.580 ca nhiễm COVID-19 (tính từ đợt dịch thứ tư), trong đó có sáu trường hợp tử vong.

Vào ngày 18-7, sau năm ngày thi công thần tốc, BV dã chiến thứ nhất tại Bình Dương đã chính thức đi vào hoạt động với quy mô 1.500 giường. BV dã chiến thứ hai cũng với quy mô 1.500 giường sẽ sẵn sàng hoạt động vào tháng 8 tới đây. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có sẵn chín khu điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm