Theo hãng tin AP, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa sẽ “giáng đòn mạnh mẽ” lên chủ nhân Điện Kremlin Vladimir Putin thông qua các hạn chế thương mại đối với hàng hóa Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2.
Tuy nhiên, hàng trăm loại hàng hóa có trị giá hàng tỉ USD có xuất xứ Nga vẫn đến nước Mỹ.
AP đã ghi nhận hơn 3.600 chuyến hàng (bao gồm gỗ, kim loại, cao su và các hàng hóa khác) từ Nga đã cập cảng Mỹ trong vòng 6 tháng qua. Mặc dù đây là mức giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2021 (với 6.000 chuyến hàng) nhưng nó vẫn mang lại giá trị thương mại hơn 1 tỉ USD mỗi tháng cho Nga.
Có một thực tế rằng không bên nào thực sự mong thương mại hai nước ngưng lại khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Việc cấm nhập khẩu một số mặt hàng có thể sẽ gây hại cho Mỹ nhiều hơn là Nga.
Các container tại Cảng Baltimore,bang Maryland (Mỹ) vào ngày 12-8-2022. Ảnh: AP |
Trưởng Văn phòng Điều phối Các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ- ông James O'Brien nói với AP rằng “việc áp đặt các biện pháp trừng phạt có thể làm gián đoạn thương mại quốc tế. Vì vậy, chúng tôi phải suy nghĩ xem biện pháp trừng phạt nào mang lại tác động lớn nhất mà không làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu”.
Theo các chuyên gia, do nền kinh tế toàn cầu gắn bó mật thiết với nhau nên các lệnh trừng phạt phải được giới hạn trong phạm vi nhất định để tránh làm giá cả thị trường tăng vọt.
Trong khi một số doanh nghiệp Mỹ đang tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thay thế Nga, số khác cho biết họ không có lựa chọn nào khác.
Phân tích hàng hóa nhập khẩu từ Nga cho thấy có một số mặt hàng không nằm trong danh mục trừng phạt và thậm chí còn được chính quyền Biden khuyến khích, chẳng hạn như phân bón. Hơn 100 lô hàng phân bón từ Nga xuất khẩu sang Mỹ kể từ khi xung đột diễn ra.
Các mặt hàng bị cấm như dầu và khí đốt của Nga vẫn tiếp tục đến Mỹ rất lâu sau khi Washington áp đặt các lệnh trừng phạt. Lý do là vì các công ty phải hoàn thành các hợp đồng đã ký trước đó.
Theo AP, Nga và Mỹ chưa bao giờ là đối tác thương mại lớn, vì vậy việc trừng phạt đối với hàng nhập khẩu chỉ là một phần rất nhỏ trong chiến lược trả đũa. Các biện pháp trừng phạt này mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là tác động kinh tế.