Ngày anh đi xa, cô con gái út mới vừa tròn một tuổi, giờ cháu đã 20 tháng… Cháu bé nép trên vai mẹ, đưa đôi bàn tay nhỏ bé nghịch vành khăn tang. Cháu còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau mất cha. Vậy là đã tám tháng kể từ ngày Đại úy Nguyễn Hữu Thi (33 tuổi) ở thôn 7, xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, người lính tàu ngầm Kilo đầu tiên (thuộc tàu 185, Lữ đoàn tàu ngầm 189) hy sinh khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu ở Cam Ranh, Khánh Hòa.
“Ước gì anh đừng mãi ra đi”
Đôi vai gầy rạc, ánh mắt thâm quầng sau nhiều tháng mất ngủ vì nhớ chồng, thương con, chị Cao Thị Thúy (vợ liệt sĩ Thi) kể lại những ngày tháng hạnh phúc nhất của chị khi có chồng là lính tàu ngầm. “Ngày tôi đưa con trai đầu là Nguyễn Hữu Tùng Dương khăn gói vào Cam Ranh, Khánh Hòa năm 2014 là những ngày hạnh phúc nhất vì sẽ không còn phải xa chồng vài tháng đến nửa năm như trước đây. Cuối năm 2016, hai vợ chồng sinh thêm con gái là Nguyễn Trúc Linh và tích góp mua được căn nhà cấp bốn làm nơi anh đi về sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
“Trước ngày hy sinh, anh Thi nói sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về sẽ làm sinh nhật tròn một tuổi cho con gái nhưng ảnh hứa mà không giữ lời” - chị Thúy bật khóc khi kể lại ngày nghe tin anh đã hy sinh trong chuyến công tác làm nhiệm vụ huấn luyện. Và rồi chị khóc không ngừng, đứa con trai đầu lòng của chị chạy lại hỏi “Tại sao mẹ khóc?” càng khiến chị khóc nhiều hơn. Nhìn chị khóc, tôi hiểu chị đã phải chịu đựng nỗi đau quá lớn khi chồng mất và hai đứa con thơ còn ngây dại. Một mình chị gồng gánh với đồng lương ít ỏi nuôi hai con nhỏ bước qua những đớn đau, khốn khó của cuộc đời.
“Kể từ ngày anh mất, cơ quan, đơn vị nơi anh đóng quân cũng hỗ trợ, tìm việc cho tôi vào làm nhân viên Công ty Yến sào Khánh Hòa với mức lương thử việc 3,7 triệu đồng, cộng các khoản hỗ trợ cũng được hơn 4 triệu đồng. Mức thu nhập đó cũng đỡ một phần khó khăn nhưng một lúc nuôi hai con nhỏ không đủ chi phí nên có lúc phải đi làm thêm mới đủ trang trải cuộc sống cho ba mẹ con. Ước gì anh ấy không ra đi mãi mãi để thấy hai con anh đang lớn lên mỗi ngày đẹp như anh” - chị Thúy nghẹn ngào. còn mẹ chồng chị Thúy là bà Minh cứ không ngừng lau nước mắt: “Đừng khóc nữa con, nó ra đi rồi...”.
Chị Cao Thị Thúy nhận bằng Tổ quốc ghi công chồng mình, liệt sĩ Nguyễn Hữu Thi. Ảnh: CTV
Người mẹ có con liệt sĩ giữa thời bình
“Mấy đêm nay rồi kể từ hôm đi xe từ Khánh Hòa về Thanh Hóa để nhận bằng Tổ quốc ghi công, Thúy nó cứ lúc mê lúc tỉnh, kêu khóc gọi chồng nó trở về mà lòng tôi như xát muối. Thương con ruột đã hy sinh mười, thương con Thúy hai mươi. Đau lắm, thương lắm nhưng cũng bất lực vì gia cảnh khó khăn, không giúp được gì cho con dâu của mình. Nó giờ một mình phải nuôi hai đứa con còn quá nhỏ, công việc lại bấp bênh, chưa biết khi nào ổn định” - bà Đỗ Thị Minh (68 tuổi) rớt nước mắt khi kể về hoàn cảnh éo le của con dâu mình.
Bà Minh kể lại những năm tháng liệt sĩ Thi vào quân đội: “Thi là con trai duy nhất của tôi, nó nhập ngũ năm 2004, kể từ đó vợ chồng tôi cũng ít gặp nó. Một năm nhiều lắm chắc được chục ngày nhưng thấy con mình dần trưởng thành, lập gia đình rồi sang Nga học tập làm lính tàu ngầm, vợ chồng tôi tự hào lắm. Đến năm 2015, chồng tôi mất vì bệnh hiểm nghèo, chỉ còn lại một mình tôi sống ở quê nhà này. Hằng năm chỉ mong nó được nghỉ phép đưa vợ con về quê ăn Tết. Rồi ông ấy mất chưa được bao lâu đến khi nghe nó mất, tôi không nghĩ số mệnh tôi như thế. Có đau đến mấy cũng cố gắng kìm nén để con dâu yên tâm nuôi các cháu”.
“Hôm qua, Lữ đoàn tàu ngầm 189 đã đại diện đơn vị về trao bằng Tổ quốc ghi công, ai cũng thương nó. Giờ nó đã là liệt sĩ rồi, nó không còn nữa nhưng những gì nó cống hiến được Tổ quốc ghi công, tôi hãnh diện vì nó” - bà Minh vừa nói vừa quay sang nhìn con dâu rồi bà nhìn về phía di ảnh con trai-liệt sĩ Nguyễn Hữu Thi và tấm bằng Tổ quốc ghi công mà gia đình vừa nhận được.
Có lẽ nỗi đau mất chồng, mất cha của mẹ con chị Thúy và khó khăn cuộc sống bộn bề mà anh để lại sẽ còn dai dẳng phía trước. Chị Thúy trở thành trụ cột trong gia đình khi hai người mẹ già đều neo đơn, cậu con trai lớn mới bảy tuổi, cô con gái nhỏ mới lẫm chẫm biết đi…
Cuộc sống này vốn dĩ đầy bất trắc và tai ương nhưng sự vất vả, nhọc nhằn và cả những hy sinh thường nhân lên nhiều lần trên đôi cầu vai người lính… Chấp nhận làm vợ lính là chấp nhận cả những hy sinh đó, dù là trong thời bình. Anh Nguyễn Hữu Thi chọn nghiệp lính tàu ngầm và anh đã hy sinh thầm lặng như chính nhiệm vụ của mình!
“Trước khi đồng chí Nguyễn Hữu Thi hy sinh, anh là chiến sĩ thi đua của đơn vị, là người sống tình cảm, luôn chia sẻ những khó khăn với đồng đội và được đồng đội quý mến. Đồng chí Thi hy sinh để lại một mẹ già đơn thân, người vợ trẻ nuôi hai con còn nhỏ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đơn vị cũng đã có chia sẻ những khó khăn với gia đình, đặc biệt là người mẹ đơn thân nơi quê nhà Hoằng Trạch, Hoằng Hóa (Thanh Hóa)” - một cán bộ là đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thi thuộc Lữ đoàn tàu ngầm 189 (quân chủng Hải quân Việt Nam) chia sẻ. |