|
Bò Úc được Công ty TNHH Trung Đồng (Đồng Nai) nhập khẩu về qua cảng Gò Dầu - Ảnh: T.Mạnh |
Theo các chuyên gia, dù VN không có lợi thế cạnh tranh về nuôi gia súc lớn nhưng chênh lệch lớn giữa cung và cầu về thịt và sữa đang tạo ra một dư địa rất lớn để đầu tư vào ngành chăn nuôi bò thịt và bò sữa.
Dư địa rất lớn
Chỉ trong hai tháng rưỡi đầu năm 2014, Cơ quan thú y vùng VI (Bộ NN&PTNT) khu vực phía Nam đã làm thủ tục thông quan trên 22.000 con bò từ Úc nhập khẩu về VN. Tính trung bình mỗi tháng, lượng bò Úc nhập khẩu về VN qua đơn vị này đã gấp đôi lượng nhập khẩu trung bình năm 2013. Đó là chưa kể lượng thịt bò đông lạnh và hàng chục ngàn con bò từ Lào, Campuchia đưa qua đường biên giới phía Tây Nam và miền Trung.
Theo các công ty kinh doanh thịt bò, lượng nhập khẩu về ngày càng nhiều do nhu cầu trong nước tăng lên khá nhanh trong khi nguồn bò trong nước đang dần cạn kiệt. Hơn nữa, giá thành nhập khẩu bò nước ngoài về cũng thấp hơn nhiều so với bò mua nội địa càng khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn nguồn cung từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, cho biết trong các năm qua tiêu dùng bò thịt tăng nhanh hơn khả năng đáp ứng nên VN đang “ăn dần” đàn bò thịt. Nếu như năm 2007 VN có tổng đàn bò gần 7 triệu con thì đến nay xuống dưới 5 triệu con. Năm 2012 VN sản xuất được 293.000 tấn thịt bò thì đến năm 2013 chỉ sản xuất được 285.000 tấn. Do thiếu hụt nên VN phải nhập khẩu 162.000 con bò, trong đó có 66.000 con từ Úc, còn lại từ Lào và Campuchia. “Năm 2013 VN nhập khẩu 56.000 tấn bò, tương đương 16% tổng lượng thịt bò tiêu thụ trong nước và con số này còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới” - ông Vang nói.
Hơn nữa, nếu xét về tỉ trọng tiêu thụ thịt thì tại VN thịt bò mới chỉ chiếm 6% trong tổng số các loại thịt. Con số này của thế giới là 23%, tức là tỉ trọng thịt bò mà người Việt tiêu thụ mới bằng 25% của thế giới. Chuyển dịch cơ cấu tiêu dùng thịt theo hướng giảm thịt heo, tăng thịt gia cầm và thịt bò là xu hướng tất yếu tại VN.
Đầu tư có chọn lọc
Dù khoảng trống của thị trường còn nhiều nhưng các chuyên gia về nông nghiệp và người chăn nuôi cũng cảnh báo các nhà đầu tư thận trọng trong việc phát triển đàn bò trong nước, nhất là đàn bò thịt.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, một nông dân tại Xuân Lộc (Đồng Nai), có ý định chuyển trang trại gà sang nuôi bò thịt nhưng cuối cùng đành gác lại vì không hiệu quả. Ông Ngọc phân tích giá bò giống hiện nay là 130.000 đồng/kg trong khi giá bò hơi chỉ 60.000 đồng/kg thì mất một năm để trọng lượng bò tăng gấp đôi mới hòa vốn, chưa kể tiền cỏ, nhân công... “Nuôi quy mô nhỏ tận dụng phụ phẩm nông nghiệp thì được chứ trồng cỏ nuôi quy mô lớn sẽ không hiệu quả vì giá thành rất cao” - ông Ngọc cho biết.
Trong khi đó, ông Tống Xuân Chinh cho biết để nuôi bò cần một quỹ đất lớn để trồng cỏ làm thức ăn. Ở các nước có ngành nuôi bò phát triển như Úc, New Zealand, Mỹ... thì mỗi con bò cần quỹ đất là 1ha trồng cỏ. Trong khi VN có quỹ đất hạn hẹp nên không phải chỗ nào cũng đầu tư vào nuôi bò được.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, khách quan mà nói VN không phải là nước có lợi thế về nuôi bò sữa, bò thịt do điều kiện đất đai hạn hẹp. Nhưng chính khoảng trống giữa cung và cầu đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư. Hơn nữa, VN lại có một lượng phụ phẩm trong nông nghiệp khổng lồ, trong đó riêng lượng rơm đã lên đến 40 triệu tấn/năm là một nguồn thức ăn quan trọng cho chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Hơn nữa, cùng với việc áp dụng các công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi bò sữa, ngay cả những vùng tưởng như không thích hợp như Nghệ An, Thanh Hóa, Tây Ninh... cũng đã thành công. Cụ thể, tại Nghệ An hiện có 38.000 con bò sữa, năng suất trung bình mỗi con bò sữa tại đây đạt 7,5 tấn/năm. Đây là mức năng suất sữa mà theo các chuyên gia đã đạt mức của các quốc gia nuôi bò hàng đầu châu Âu.
Chi hơn 1 tỉ USD nhập khẩu sữa Không chỉ nhu cầu thịt bò tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sữa của VN ngày càng lớn, nhất là sữa tươi, mặt hàng không thể nhập khẩu từ bên ngoài. Theo Hiệp hội Chăn nuôi VN, VN hiện có tổng đàn bò sữa trên 186.000 con, trong đó có 60.000 con cho năng suất 6,5-7,6 tấn sữa/năm. Trung bình tăng trưởng sản lượng sữa trong ba năm vừa qua là 14%. Nếu như đầu những năm 2000 VN mới tự túc được 8% sữa thì nay tỉ lệ này đã tăng lên 28%. Tuy nhiên, lượng sữa sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu trong nước, nên hằng năm VN vẫn phải chi trên 1 tỉ USD để nhập sữa các loại. |
Theo TRẦN MẠNH (TTO)