Tờ Defense One cho biết theo một nghiên cứu gần đây mang tên Khảo sát Small Arms - một dự án nghiên cứu độc lập theo dõi việc mua bán vũ khí - ở Libya, doanh số bán súng máy, bệ phóng tên lửa và súng phòng không thông qua các nhóm kín trên Facebook đang ngày càng gia tăng.
Từ đó cho thấy thị trường mua bán vũ khí bất hợp pháp qua mạng đang phát triển mạnh ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Súng là loại vũ khí được rao bán nhiều nhất thông qua mạng xã hội ở Lybia. Ảnh: NY Times
Trong suốt 40 năm cầm quyền, Đại tá Muammar Gaddafi đã dự trữ kho vũ khí ước tính trị giá 30 tỉ USD. Trong thời gian này, việc buôn bán vũ khí được kiểm soát chặt chẽ và khả năng truy cập Internet ở quốc gia này còn bị giới hạn.
Tuy nhiên, kể từ sau khi ông Gaddafi bị lật đổ và sát hại vào năm 2011, các loại vũ khí ào ạt đổ vào thị trường Lybia và len lỏi vào thị trường trực tuyến.
Khảo sát Small Arms cho rằng giao dịch vũ khí bất hợp pháp qua mạng xã hội bắt đầu từ năm 2013 và đến nay vẫn đang phát triển. Người bán đăng hình ảnh sản phẩm của họ trong các nhóm kín như “thị trường vũ khí Libya” (hiện nhóm này đã bị xóa).
Súng máy hạng nặng có giá trung bình khoảng 5.900 USD, bệ phóng tên lửa 6.600 USD. Đặc biệt, ở đây có cả hệ thống phòng không ZPU-2 sản xuất tại Nga với mức giá 62.000 USD.
Súng là loại vũ khí được rao bán nhiều nhất, trong đó, có súng trường Kalashnikov (khoảng 5.800 USD) và súng ngắn. Người bán thường không đưa ra mức giá trong quảng cáo. Họ thích thương lượng qua điện thoại hoặc các tin nhắn riêng tư.
Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận 1.346 món vũ khí đã được giao dịch trong 18 tháng qua. Ngoài ra, họ còn nhận thấy số tin đăng rao bán vũ khí mỗi tháng tăng lên từ 250-300 tin. Các nhà nghiên cứu tin rằng con số này chỉ là một phần nhỏ trong mạng lưới buôn bán vũ khí online qua mạng xã hội của khu vực này.
Việc mua bán hầu như diễn ra ở các TP lớn như Tripoli và Benghazi. Người bán và người mua chủ yếu là dân quân hay các cá nhân mua các vũ khí này dùng để tự vệ. Theo BBC, các nhóm Facebook dao động từ 400-14.000 thành viên
Facebook đã gỡ bỏ sáu nhóm được xác định là nơi buôn bán vũ khí, theo New York Times. Kể từ tháng 1-2016, những chính sách mới của “ông lớn” mạng xã hội đã cấm các cá nhân hoặc công ty mua bán vũ khí thông qua mạng xã hội.