Ở thuê, đừng hiểu sai việc đăng ký tạm trú

Bà Đặng Thị Lặt (quận Tân Phú, TP.HCM) đang gặp khó khăn khi gia đình bà bị chủ nhà cho thuê từ chối đăng ký tạm trú, đứa cháu của bà sẽ khó xin đi học sau này. Trường hợp bà Lặt không phải cá biệt. Hiện nay, tại địa bàn TP.HCM có không ít trường hợp người dân thuê trọ không được chủ nhà hỗ trợ làm thủ tục đăng ký tạm trú.

Bị từ chối đăng ký tạm trú

Bà Lặt trình bày: “Năm 2009, tôi thuê một căn nhà trọ ở phường Phú Trung, quận Tân Phú. Tại địa chỉ này, chủ nhà có đăng ký tạm trú nên gia đình tôi có sổ tạm trú. Tuy nhiên, do chủ nhà cũ không có nhu cầu cho thuê nữa, tôi phải dọn đến nơi khác thuê. Đứa cháu đến tuổi đi học, tôi nhờ chủ nhà đăng ký tạm trú cho cháu nhưng ông ấy nói thuê ở thì được nhưng ông không đồng ý bảo lãnh. Tôi đã năn nỉ chủ nhà, kể cả công an phường nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Chẳng lẽ cháu tôi không thể đi học?”.

Anh Phan Thanh Hùng (quận Tân Bình, TP.HCM) cũng gian nan vì không được chủ nhà đăng ký tạm trú. Khi anh mới chuyển về, chủ nhà trọ có yêu cầu vợ chồng anh nộp CMND phôtô, hình thẻ và khai vào tờ đơn xin tạm trú để bà đăng ký ở công an phường. Nộp những giấy tờ theo yêu cầu của bà chủ trọ, anh cứ tưởng đã được đăng ký tạm trú. Vừa rồi, vợ anh sinh con và theo quy định thì trẻ em được đăng ký khai sinh tại nơi tạm trú của người mẹ. Anh Hùng đến UBND phường thì cán bộ phường yêu cầu phải có xác nhận tạm trú của công an phường mới giải quyết. Anh chạy sang công an phường, công an nơi đây mở sổ ra và cho biết trường hợp của vợ chồng anh chỉ đăng ký lưu trú chứ không phải tạm trú. Vậy là anh Hùng phải về quê để đăng ký khai sinh cho con.

Cả hai trường hợp kể trên đều không được ký hợp đồng thuê trọ.

Người ở thuê sẽ dễ dàng làm các thủ tục khai sinh, học hành… khi được đăng ký tạm trú. Ảnh minh họa: HTD

Người thuê, cho thuê đều phải có trách nhiệm

Đại úy Nguyễn Hoàng Minh Tâm, Phó Đội trưởng Đội cảnh sát QLHC về TTXH Công an quận Tân Phú, cho biết hiện nay việc đăng ký tạm trú có hai dạng là cấp sổ và không cấp sổ tạm trú (có thời hạn tối đa 24 tháng). Người thuê nhà hoặc người cho thuê đến đăng ký tạm trú tại công an phường đều được chấp nhận. Nếu chủ nhà đồng ý cấp sổ tạm trú thì công an sẽ tiến hành cấp sổ cho người thuê. Trường hợp chủ nhà không đồng ý cấp sổ thì công an ghi nhận việc đăng ký tạm trú và khi người dân cần xác nhận tạm trú, công an phường sẽ thực hiện. “Lưu ý, cả hai trường hợp trên đều có giá trị như nhau. Hiện nay, trên địa bàn quận công an chưa nhận được phản ánh của người dân về trường hợp chủ cho thuê nhà không đồng ý và không hợp tác đăng ký tạm trú cho người thuê” - ông Tâm cho biết.

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cung cấp thêm những quy định về đăng ký tạm trú: Điều 30 Luật Cư trú quy định: Ng­ười đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đến, phải đăng ký tạm trú tại công an xã, phường, thị trấn. Như vậy, những người thuê trọ phải có nghĩa vụ đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật chứ không nhất thiết phải là chủ nhà. Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy tờ tùy thân, khai báo theo mẫu và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nếu là nhà thuê, mượn hoặc ở nhờ thì phải có hợp đồng cho thuê.

“Trước khi thuê nhà, người thuê cần thỏa thuận với chủ cho thuê về điều kiện thuê và lưu ý về việc chủ nhà có nghĩa vụ cung cấp những giấy tờ cần thiết để đăng ký tạm trú. Việc thỏa thuận này là quyền của các bên. Nếu bên cho thuê không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì người thuê có quyền chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra, sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân. Trong thời hạn 30 ngày trước ngày hết thời hạn tạm trú, công dân cần đến cơ quan công an nơi cấp sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn”- luật sư Hoan lưu ý.

Điều đáng lưu ý là nhiều chủ nhà trọ né việc ký hợp đồng cho thuê trọ để tránh thuế. Việc này đòi hỏi chính quyền địa phương phải kiểm tra chặt chẽ, yêu cầu chủ nhà trọ thực hiện đúng quy định, thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời tạo điều kiện cho người thuê trọ có cơ sở để tự đi đăng ký tạm trú.

Điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/ 2013 quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới