Liên quan vấn đề nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, đặc biệt là loại dưới chín chỗ ngồi, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 ngày 3-4, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết theo lộ trình về thuế nhập khẩu giữa các nước ASEAN thì đến ngày 1-1-2018 thuế sẽ trở về 0. Riêng năm 2016 thuế từ 40% đã giảm xuống 30%, như vậy chỉ chênh nhau 10%.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15-3-2017, tức là trong quý I-2017, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó riêng ô tô dưới chín chỗ xuất xứ từ Ấn Độ nhập về Việt Nam có mức giá bình quân khai báo là 3.798 USD/chiếc, tương đương gần 90 triệu đồng/chiếc.
Thống kê cũng cho thấy từ đầu năm tới ngày 15-3, ô tô dưới chín chỗ xuất xứ từ Ấn Độ nhập về Việt Nam đạt 4.780 chiếc, trị giá hơn 18 triệu USD. Con số này tăng 3,3 lần về lượng và tăng 67% về trị giá so với cùng thời gian năm ngoái.
Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, trong tháng 1-2017, giá nhập khẩu trung bình một chiếc xe có xuất xứ từ Ấn Độ trong tháng có giá khoảng 3.700 USD, chiếu theo tỉ giá hiện hành ước tính 84 triệu đồng/chiếc.
Tuy nhiên, thực tế giá các loại xe Ấn Độ đến tay người tiêu dùng Việt Nam có giá gấp 4-5 lần so với giá xe nhập về cảng do phải gánh nhiều loại thuế và phí, tức dao động 350-450 triệu đồng tùy loại xe.
Điều này phản ánh sự vui mừng từ phía người tiêu dùng khi giá thành rẻ nhưng ngược lại các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước gặp phải những khó khăn.
Để giải quyết hài hòa lợi ích này, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan thành lập Tổ công tác liên bộ, ngành.
Nhiệm vụ của tổ công tác là gặp gỡ, nắm bắt các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô.
Yêu cầu đặt ra là phải tính đến việc không để vi phạm cũng như đảm bảo phù hợp với quy định của WTO và tất cả Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, nhất là những hiệp định có hiệu lực liên quan đến lĩnh vực ô tô.
“Vấn đề là làm sao vẫn có thể duy trì và thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô; đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng. Với tinh thần khẩn trương, trước ngày 1-5-2017 tổ công tác sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất những biện pháp phù hợp nhất nhằm đạt được cả hai mục đích trên” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm về vấn đề thoái vốn của Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Theo đó, việc thoái vốn tại hai doanh nghiệp lớn này phải thực hiện công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn Nhà nước như chỉ đạo của Chính phủ. Về phía Bộ Công Thương, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Trước hết là phải thực hiện đúng các quy định hiện hành của các luật liên quan, đặc biệt là phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tức là mọi công việc dù lớn hay nhỏ, bán ít hay nhiều cũng phải công khai, minh bạch và không làm thất thoát, mất tiền vốn của Nhà nước tại đây” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
PV (Tổng hợp)