Một ngày tháng 6-2018, ông Trịnh Văn Nam (58 tuổi), Bí thư khu phố 7 (phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM), bất ngờ nhận được một lá thư có chữ ký của 16 người dân trên địa bàn khu phố đồng lòng tán dương, khen ngợi tinh thần làm việc vì nhân dân của mình.
Đại diện thư là một người dân đã chuyển sang sinh sống ở phường khác nhưng luôn nhớ đến những việc làm, tình cảm gần gũi của bí thư khu phố đối với người dân, đặc biệt là cộng đồng người Hoa tại đây.
Mang “cần câu cơm” cho dân
Chúng tôi tìm đến khu phố 7, phường An Lạc A, quận Bình Tân để hỏi thăm về bí thư khu phố này. Không ai là không biết ông Trịnh Văn Nam. Với người dân ở đây, đặc biệt là gần 90% người Hoa, ông Nam chính là niềm tin của họ.
Gặp bà Lâm Sú Vân (51 tuổi), bán nước mía trước cổng một trường học, bà cho biết nhờ ông Nam mà gia đình bà mới thoát nghèo. Bà Vân kể: “Trước đây tôi làm gia công móc phơi đồ và đi làm giúp việc theo giờ rất cực mà cuộc sống còn khó khăn. Bây giờ đỡ hơn rồi, bán nước mía cũng kiếm được 100.000-200.000 đồng/ngày. Tất cả cũng nhờ chú Nam. Chú ấy tốt lắm”.
Hỏi ra mới biết hộ bà Vân vốn là hộ nghèo, vợ chồng chỉ làm thuê làm mướn. Ông Nam đến quận nhờ hỗ trợ máy xay nước mía làm “cần câu cơm” cho bà Vân. Không chỉ thế, ông còn kiếm mặt bằng, hỗ trợ điện, nước cho bà Vân ổn định cuộc sống
Trăn trở với cái khổ của người Hoa, ông Trịnh Văn Nam luôn tìm mọi cách để giúp đỡ người nghèo ở đây vượt lên khó khăn. Một mặt ông vận động các mạnh thường quân hỗ trợ, một mặt tự bỏ tiền túi trong khả năng để tạo điều kiện cho bà con mưu sinh. Cứ thế bà con quý mến bí thư khu phố không kể xiết.
Có hộ gia đình nghèo nọ, hai vợ chồng đều chạy xe ôm mà vẫn không đủ cái ăn, cái mặc. Ông Nam bèn rút sổ tiết kiệm của mình chi 5 triệu đồng để mua đồ, giúp vợ chồng mở tiệm vá xe, thoát nghèo nhanh chóng.
Bí thư khu phố 7, phường An Lạc A, quận Bình Tân Trịnh Văn Nam. Ảnh: LÊ THOA
Ông Nam thăm hỏi bà Lâm Sú Vân (người Hoa). Ảnh: LÊ THOA
Giờ đây hai vợ chồng vừa chạy xe ôm vừa vá xe, con cái cũng biết phụ giúp cha mẹ, thu nhập mỗi ngày cũng kiếm gần 200.000 đồng.
Không những vậy, hay tin gia đình kia nghèo khó, có người nhà mất mà không đủ tiền làm ma chay, ông Nam tức tốc mời gọi mạnh thường quân hỗ trợ tiền áo quan, tiền tổ chức đám tang; huy động gạo, mì… mang đến.
Vì vậy, với Bí thư khu phố 7 Trịnh Văn Nam, bà con người Hoa ai cũng luôn niềm nở, tươi cười.
Hòa giải mâu thuẫn vợ chồng, tranh chấp đất đai
Nhiều cặp vợ chồng bất đồng, đòi ly dị; hai anh em tranh chấp nhà cửa cùng đưa nhau ra khu phố cãi vã, đòi đâm chém nhau… được ông Nam ra tay giải quyết, hàn gắn.
Có cặp vợ chồng nhiều lần cãi vã ồn ào cả khu phố. Người vợ viết đơn đòi ly thân vì chồng thường gây mâu thuẫn, thậm chí hăm dọa khiến bà bất an, thấy không thể sống với nhau được nữa. Tài sản cũng được định giá, đòi chia.
Thấy vậy, ông Nam đã mời hai vợ chồng đến khu phố hòa giải. Lúc này họ mới có dịp chia sẻ những uất ức của bản thân, rồi từ việc định đường ai nấy đi, họ bỏ qua mâu thuẫn, chịu hàn gắn tình nghĩa vợ chồng. Người chồng cũng đồng tình làm bản cam kết không hăm dọa, đánh vợ nữa.
Hay cặp vợ chồng khác cũng nhiều lần có mâu thuẫn về tiền bạc đòi ly hôn. Có lần ông nghi ngờ bà có người đàn ông khác nên nổi xung, ghen tuông.
Ông Nam phải đứng ra giải thích rằng không thể nghi ngờ mà không có chứng cứ. Vợ chồng đã lớn tuổi còn đòi ly hôn thì làm sao tạo niềm tin cho ba đứa con. Vụ này ông Nam phải đứng ra giải quyết những ba lần, có trưa ông lén đi kiểm tra đột xuất xem vợ chồng ăn uống, sinh hoạt thế nào sau khi hòa giải.
“Lần đó thấy vợ chồng, con cái ăn uống vui vẻ. Ông chồng cảm động mà nói một câu làm tôi nhớ mãi rằng “Cám ơn chú Nam đã giải thích nên vợ chồng tôi mới có thể ngồi cùng nhau trong một bữa cơm thế này”” - ông Nam xúc động nhớ lại.
Không để dân tự “bơi” một mình Những hôm ngồi ở văn phòng làm việc của khu phố, một lúc là thấy người này, người kia đến tìm ông Nam. Trải lòng về công việc ở khu phố, Bí thư khu phố Trịnh Văn Nam chia sẻ: “Ở đây, nhiều hộ sinh con ra còn không biết đến việc phải làm giấy khai sinh cho con, thủ tục thế nào, làm ở đâu. Nhiều người cũng không biết điền vào bản khai tạm trú thế nào…”. Mỗi lần như vậy, bí thư khu phố phải hướng dẫn điền mẫu tờ khai ra làm sao, viết đơn thế nào, thủ tục, hồ sơ gồm những gì. Nhớ nhất là việc một người dân bị mất giấy khai sinh. Ông Nam hướng dẫn làm lại giấy khai sinh nhưng khi hỏi quê gốc ở đâu thì người này chỉ lờ mờ nhớ hai từ Trảng Bom. Biết người dân một mình không thể tự xoay xở, ông Nam đã chở người này về tận huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Lần theo những ký ức còn sót lại, ông Nam tìm ra xã nơi người này từng cư trú nhờ chứng các giấy tờ liên quan để giúp làm được giấy khai sinh mới. Tâm nguyện của tôi bây giờ chỉ mong con em người Hoa được học hành tới nơi tới chốn, từ đó sẽ nâng cao mức sống của mình lên. Vậy nên nghe ai bỏ học tôi đều vận động đi học, được lớp nào hay lớp đó. Ông TRỊNH VĂN NAM, Bí thư khu phố 7, |