Ông Bí thư tỉnh Quảng Bình Hoàng Đăng Quang đã lên ngay với đồng bào A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch) khi hay tin tộc người này vì sợ bão mà muốn vào hang ở lại. Ông tìm đến từng người dân, chìa tay ra với họ, động viên họ trở về làng.
Báo chí phản ánh vì bão lớn gió hú, cây rừng đổ gãy ầm ầm như bom, cụ bà Y Býu vì khiếp quá mà chết hoảng khi trú bão. Người thân nói bà đã 85 tuổi, sức khỏe vẫn còn rất tốt nhưng chưa bao giờ thấy bão quật mạnh như thế nên chết trong tư thế ngồi vì quá sợ hãi trận cuồng phong của cơn bão số 10. Ông Đinh Rầu kể: “Chính vì thế mà dân bản mình sợ lắm, tộc người mình nhỏ bé, ở giữa rừng đại ngàn bão dập lớn quá, nhà thì yếu mềm nên sợ, nhiều người muốn bỏ vào hang ở”.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình (trái) tặng quà cho ông Đinh Nê, động viên dân bản đừng rời bản vào hang. Ảnh: MINH QUÊ
Nắm được tình hình người A Rem ngặt nghèo, cái chết của cụ Y Býu như chi tiết tiểu thuyết, Bí thư tỉnh Quảng Bình - ông Hoàng Đăng Quang đã lên ngay với đồng bào, lên ngay nơi tâm bão lần đầu càn quét nặng nề người dân thiểu số. Ông Đinh Đầu cầm chắc bàn tay nói: “Bí thư tỉnh lên thăm nói làm nhà mới cho đồng bào, dặn cán bộ sửa chữa điện mặt trời để cấp mới, đào giếng để có nước sạch, mình tin mà ở lại. Cán bộ Quang trăm công ngàn việc miền xuôi sau bão mà còn lên thăm bà con là mình ưng cái bụng, mình tin tưởng không rời bản vào hang đâu”.
Ông Nguyễn Chí Sĩ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, báo cáo sau bão dân bản cùng xã tìm mấy ngày mới ra vợ chồng ông bà Đinh Nê, Y Rú từ trong hang đá. Trước bão, ông bà nghe gió sẽ giật mạnh thế là lặng lẽ vào hang. Cán bộ bở hơi đi từng nhà đưa mọi người vào trạm y tế xã trú bão, đếm lại thấy thiếu hai nhân khẩu. Quay tìm thì mưa gió vùi sâu rừng già, cây đổ như ngả rạ.
Hết bão, ba cán bộ xã xuống suối Cà Roòng quyết tìm cho được hai người già cô đơn giữa rừng. Cái hang họ thường ở có độ cao gần 200 m so với mực nước suối lúc bình thường, vào đó tịnh không thấy ông bà đâu, tưởng họ đã mất tích. Anh em vào những hang khác cách đó mấy chục phút đi bộ. Thì ra sợ bão, hai ông bà chuyển qua hang thấp hơn nhằm tránh gió hú. Cái hang cũ họ có để bắp ngô, sắn rẫy, cái hang mới chỉ mấy con ốc rừng cầm hơi. Tìm được hai ông bà tuổi đã ngoài 75 đưa về bản, ai cũng mừng.
Ông Hoàng Đăng Quang lên tới nơi, tìm gặp bằng được ông bà Đinh Nê, Y Rú. Nghe đôi vợ chồng kể cảnh ở hang như chốn nguyên thủy, không giường chiếu, không ấm áp mà lạnh lẽo, lại lạnh lẽo mưa bão, ai cũng ứa nước mắt. Bí thư Quảng Bình tặng ông bà túi gạo, chút tiền mặt, đồ dùng thiết yếu rồi nói: “Bà con đừng trở lại hang đá lạnh lẽo, bão lớn đã qua rồi, hãy ở bản quán để cùng nhau dựng lại quê hương sau bão, con em được đến trường, người ốm đau được chăm sóc y tế…”. Nghe đến đó ông Nê rơi nước mắt: “Thưa cán bộ, mình vì sợ bão mà vào hang, nay về bản bà con hỏi thăm, xã hỏi thăm, biên phòng hỏi thăm, được lãnh đạo tỉnh lên hỏi thăm rồi tặng quà thì mình mừng lắm, ở lại bản thôi”.
Biết đồng bào A Rem thiệt hại nặng nề, nhà ở cần xây mới, ông Hoàng Đăng Quang đã chỉ đạo vận động xây lại hơn 80 căn nhà cho các hộ dân theo thứ tự nhà cửa nào xuống cấp, sập đổ làm trước. Đoàn công tác của tỉnh đã tặng 15 triệu đồng cho 15 hộ sập nhà, 50 triệu đồng/100 hộ mua giống phục vụ sản xuất, ngoài ra kèm thêm dầu ăn, bột ngọt, đường, nước mắm… cho người dân có bữa ăn thêm chất sau bão.