Thấy ông Trần Văn Thanh (67 tuổi), Bí thư khu phố 1, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM, tiếp cận với những đối tượng chuyên cướp giật, người nghiện, những tay trùm mua bán ma túy, không ít người lại e dè, khuyên can, sợ bí thư khu phố lớn tuổi có ngày bị vạ.
Nhiều buổi trưa nắng gắt, Bí thư khu phố 1 Trần Văn Thanh lại ôm cặp hồ sơ đi len lỏi trong từng con hẻm ở khu vực phố Tây. Nhiều con hẻm rộng chưa đến 1 m nhưng luôn nhốn nháo vì đông người, đa thành phần. Với mọi người ở đây, ai cũng gọi vị bí thư khu phố bằng “chú Thanh” thân mật.
“Thấy bọn trẻ giật đồ của khách du lịch mà lòng xấu hổ”
Gặp ai ông cũng nở nụ cười chào, hỏi thăm “Ăn cơm chưa?”, “Bán được không?”… Ai cũng nhẹ nhàng đáp lại “dạ”, “vâng” dù chỉ cần nhìn thoáng qua cũng thấy vài người có đầy hình xăm trên tay, khuôn mặt bặm trợn. Dù vậy nhưng khi ông Thanh hỏi thì khuôn mặt căng thẳng, bặm trợn ấy bỗng giãn ra, nhoẻn cười, đáp lời lịch sự….
Ghé vào một căn nhà nhỏ, hẹp, ông Thanh tìm Đ., một thanh niên chỉ mới 16 tuổi đã từng cùng với băng nhóm của mình gây ra hàng loạt vụ cướp giật trên đường phố Bùi Viện, được Công an TP lập chuyên án tóm gọn. Nhưng do Đ. còn vị thành niên nên được đưa về địa phương quản lý. Sau nhiều lần tiếp xúc, ông Thanh cùng với công an phường tạo điều kiện cho Đ. trông xe cho một quán ăn trên phố Tây.
Khi nghe ông Thanh tìm, Đ. bước ra hơi mệt mỏi sau khi tan ca, ông vỗ vai: “Công việc ổn không con?”. Đ. nhẹ nhàng chào hỏi, bảo rằng công việc hiện nay đã tạm ổn, cứ làm đã rồi sau này tính tiếp.
Ông Trần Văn Thanh hỏi thăm Đ., một thanh niên từng cướp giật ở phố Tây giờ đã có công việc. Ảnh: LÊ THOA
“Con thích làm việc gì khác không? Nếu muốn thì cứ bảo chú” - ông Thanh ân cần dặn dò tiếp.
Rồi ông Thanh kể về Đ.: “Nó mồ côi từ sớm, cha mẹ chết vì ma túy, ông bà nội đều ở tù vì buôn ma túy. Giờ ở với chú ruột. May sao nó không đi theo con đường ma túy nhưng mà nó lại đi cướp vặt. Nhiều lần hùng hổ, gây ra nhiều chuyện. Miễn nó chịu làm, tôi sẵn sàng kiếm việc, chỉ mong nó tu tâm tính, chịu khó làm việc, trưởng thành”.
Dừng một lúc rồi ông Thanh nói tiếp: “Nhiều lúc đi cơ sở, nghe chỗ này la cướp, chỗ kia la cướp, rồi thấy chúng nó giật đồ bỏ chạy mà lòng thấy xấu hổ vô cùng. Khi khu phố của trung tâm quận 1, nơi tập trung nhiều khách du lịch lại là nơi chuyên bị cướp giật…”.
Cũng nhớ năm ngoái, khi N., một thanh niên với tiền án nhiều lần cướp giật, trộm cắp, sử dụng và mua bán ma túy, cầm hung khí đe dọa mọi người vì bị gia đình ép đi nghĩa vụ, ông Thanh liền xuất hiện để can ngăn.
“Chú ơi, chú già rồi, không làm được gì nó đâu, vào đó có nước nó đâm chết” - nhiều người can ngăn nhưng ông quyết bước vào dù thấy trên tay N. đang hăm he con dao nhọn. Ấy vậy mà thấy ông, N. ném dao chạy ra xa…
Vận động tay trùm buôn ma túy hoàn lương
Kế đến, ghé lại nhà T., ông hay tin chàng thanh niên nghiện ma túy vừa xuất viện trở về nhà. T. là một trong số những người bị nghiện mà ông thường hỏi thăm, tìm cách giúp đỡ. Xuất thân từ gia đình có “máu mặt” trong giới buôn ma túy, T. cũng lỡ bước vào chất kích thích chết người này. Lúc tỉnh, T. nói chuyện đàng hoàng, lúc “phê” T. chẳng biết ai là ai, chỉ thấy T. đứng bên đường là nhiều người sợ.
Thấy tác hại từ chất nghiện, ông Thanh bàn cách với Công an phường Phạm Ngũ Lão cho T. tạm thời đi điều trị tại BV Tâm thần. Hơn 3 triệu đồng chi trả cho tiền điều trị được ông Thanh tự trích tiền túi ra mà không ngần ngại. “Tạm thời là vậy, còn sau khi nó về, tôi vẫn phải tiếp cận hỏi han cháu nó muốn làm nghề gì không…” - ông tiếp lời.
Chia sẻ về những lần tiếp xúc với kẻ buôn, người nghiện, ông Thanh thật thà: “Họ cũng là con người, là nhân dân mình quản lý. Thấy họ lầm đường lạc lối mình không bỏ được. Nhiều người cũng đâu muốn làm vậy, đâu muốn nghiện ngập nhưng có lẽ muốn thoát mà không thoát được thôi”.
Về công tác ở khu phố 2 từ khoảng năm 2010, ban đầu đi xuống cơ sở, có người còn ngoắc ông Thanh vào mua ma túy “xài chơi” khiến ông có phần dè dặt. Có lần thấy ông trùm buôn ma túy từ xa chạy tới, thắng xe ngay trước mặt, tưởng định gây sự với mình, ai dè người này vỗ vai tươi cười bảo “Chào chú”…
Dần dà ông Thanh tiếp xúc nhiều hơn với những người này. Câu chuyện hằng ngày được bắt đầu bằng những hỏi thăm quen thuộc trong cuộc sống như “Ăn cơm chưa?”, “Con cái thế nào?”, “Khỏe không?”,… Rồi có dịp ông Thanh lại mổ xẻ những hậu quả khi lâm vào con đường phạm tội.
Khéo léo trong công tác vận động rồi cũng có người có biểu hiện lo lắng, sợ sệt. Nắm được tình hình, ông Thanh tiến tới đấu tranh mạnh, nhiều người buôn “đầu hàng”. Trong số đó, ông Thanh không bao giờ quên ông trùm V. ở Phạm Ngũ Lão. Vài năm trước, được vận động, tuyên truyền, V. từ bỏ mua bán ma túy, xin phường hỗ trợ 2 triệu đồng để có vốn làm ăn. “Sau này có lần gặp lại, chú ấy ngại ngần bảo thấy xấu hổ vì những việc mình đã làm. Mong mọi người đừng nhắc đến cái tên V. gắn với ma túy nữa” - ông Thanh cười.
Hay cô L. từng là người canh đường cho nhiều người mua bán ma túy, những ai muốn lẻn vào hẻm để mua hàng đều phải được sự đồng ý của L. Nhưng rồi được ông Thanh thuyết phục, cô L. bỏ nghề, sang bán nước giải khát cho đến nay.
Hỏi rằng: “Thực sự là chú có sợ không khi tiếp xúc với những tội phạm ở khu phố”. ông Thanh thật lòng: “Sợ chứ nhưng chú phải đấu tranh để giành giật từng con người. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự thúc giục từ lương tâm của mình. Còn làm được ngày nào hay ngày đấy. Đây là cơ hội để phục vụ cho nhân dân cơ mà”.
Vận động nhân dân lắp camera trong hẻm chống tội phạm Với những thực tế phức tạp của khu phố 1 về tình hình mua bán ma túy, cướp giật, trộm cắp, cố ý gây thương tích,… ông Trần Văn Thanh, Bí thư khu phố 1, cùng với chi bộ đã vận động nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn gắn được 31 camera từ cuối năm 2017 đến nay với kinh phí hơn 100 triệu đồng, phủ sóng camera khắp các con hẻm. |