Gần trưa một ngày giữa tháng 2, nhận tin có một ống cống trên đường số 18 phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM trục trặc, ông chạy xe xuống ngay. Đến nơi, ông thoăn thoắt lội xuống nước, mò tay lôi mớ đồ làm nghẹt ống cống, làm thông dòng chảy… Ông thoăn thoắt làm việc và ít ai nghĩ những động tác nhanh nhẹn, dứt khoát là của ông lão ở tuổi 70.
Đây là công việc quen thuộc của ông Vương Văn Kính, một trong năm thành viên của lực lượng quản lý đê phường Hiệp Bình Chánh.
Đến với công việc như một sự tình cờ
Một cán bộ phường liên lạc với ông qua điện thoại không được liền chạy xuống tận nơi để tìm. Khi gặp, ông nheo mắt cười: “Cái điện thoại của chú vừa rơi xuống nước nên tiêu rồi...”.
Khi nghe vị cán bộ nói: “Không biết đây là cái thứ bao nhiêu bị chú làm hư”, ông trèo qua lan can, cười xòa. “Thì mày cũng biết mà. Nhét trong túi quần rồi quên, lội vội xuống nước thì nó hư thôi...”.
Theo vị cán bộ phường, ông Kính quê Tây Ninh, đến Hiệp Bình Chánh hơn 20 năm. Lúc đó khu vực đầy kênh, rạch, ông đi bắt cá kiếm tiền phụ vợ và nuôi con ăn học và ông gắn bó với từng bờ đê, con rạch, từng cái ống cống nơi mình mưu sinh.
Trong một lần chở con gái đi học, hai cha con ông bị nước ngập đến ngang đầu gối. “Khi đó mọi người xắn tay lôi rác rến cho nước mau thoát, tui cũng phụ làm. Sau lần đó, tui nghĩ mình cần phải làm việc này để người dân bớt lo chuyện bị ngập…” - ông kể.
Sáu năm làm quản lý đê của phường, ông luôn để tâm đến công việc, mỗi ngày đều rảo xe đi kiểm tra từng cái ống cống ở chín khu phố trên địa bàn phường. “Cứ thấy triều cường là tui chạy đi kiểm tra. Có hôm tôi đi từ 1, 2 giờ khuya đến tận sáng. Chỗ nào có dấu hiệu ngập thì mang máy ra bơm để bà con người ta không phải chịu cảnh nước ngập” - ông Kính nói sang sảng về công việc của mình.
Không chỉ khi nước lớn, mùa mưa mà ngay cả mùa nắng, ông vẫn tỉ mẩn đi kiểm tra từng ống cống vì sợ người xấu làm hư ống…
Ông Dương Văn Kính đang sửa một cái ống cống nằm trên đường 18 khi nhận được tin báo. Ảnh: THANH TUYỀN
Bị nước cuốn đến... tuột cả quần
Mỗi ngày ông thay đến ba, bốn bộ đồ vì lội nước ướt đến hơn nửa người; ngày nào ít nhất cũng hai bộ. “Cũng may có đứa con gái nó ủng hộ tui làm nên đồ dơ nhiều về là nó bảo để nó giặt cho tui” - ông Kính cười vui.
Công việc tưởng đơn giản nhưng cũng có những tình huống trớ trêu, nguy hiểm. “Lúc mới đắp đê, thấy cống bị nghẹt rác, ông Kính dùng chân đạp. Trúng con nước lớn, sức nước mạnh cuốn ổng đi. May là ông ghì lại được nhưng bị… tuột mất cái quần. Ổng phải lấy cái áo quấn ngang đi về nhà. Nhắc tới chuyện ổng bị hà bá lột quần, ai cũng nhớ” - ông Ngô Sỹ Bình, một người dân kể lại.
Một lần khác, trong khi đang cùng mọi người chống ngập trước Trường Tiểu học Bình Triệu, ông bị bỏng tay do lửa phụt lên từ két nước nóng giảm nhiệt, giờ vẫn còn sẹo. Còn chuyện ông bị nắp cống đè tay, điện thoại ngấm nước cứ như cơm bữa...
“Lâu lâu gọi chú mà điện thoại ò í e là biết chắc chú nhúng nước điện thoại rồi. Nghe cống hư là chú xông thẳng đến, hổng nhớ gì điện thoại đâu” - anh Nghĩa, một cán bộ phường, kể.
Làm hết lòng thì sẽ được dân quý
Ở độ tuổi 70, ông Kính vẫn luôn muốn làm được gì đó để giúp bà con địa phương nơi mình ở. Với ông, còn sức thì còn làm chứ không chịu ngồi không.
“Vợ tui có nói là lớn tuổi rồi thôi thì nghỉ ở nhà đi cho khỏe. Suốt ngày người cứ lấm bùn, nước lại đổ bệnh. Nhưng lạ, nghỉ ở nhà một ngày là không chịu được, đổ bệnh, có đi làm người mới lại khỏe ra” - ông Kính cười nói.
Ông Kính chia sẻ thêm, ông chịu làm công việc này chủ yếu là vì người dân chứ không mong cầu sẽ được đền đáp. “Thấy mấy đứa nhỏ nó đi học mà lội giữa biển nước ngập sâu phải đau lòng chớ. Rồi người ta đi lui đi lại mà khó khăn, xe thì chết máy vì ngập nước, mình cũng nên làm gì đó trong khả năng của mình. Mọi người còn nhiệt tình giúp đỡ, phụ bưng máy bơm… Không có dân thì mình cũng không thể hoàn thành công việc được đâu” - ông nói.
Với ông, công việc không hẳn vì lương vì nó là niềm vui, giúp được người khác. Công việc cũng giúp ông kết bạn với nhiều người, thân thiết như anh em. Có người quý mến ông, có món gì ngon là gọi điện thoại mời ông sang ăn cùng, uống với nhau vài cốc rượu, trò chuyện rồi về, vậy là vui…
Giờ người dân trong phường thấy cống hư họ lại bấm máy gọi cho ông nên ông bớt phải đi kiểm tra từng cái như trước, đỡ cực hơn. “Làm công việc này, tui thấy có niềm vui tuổi già, mà cũng vừa kết thân được với bà con lối xóm, gần gũi với họ mới hiểu rõ lòng họ” - ông nói.
Hỏi ông Kính rằng ông tính sẽ làm đến khi nào thì nghỉ. Ông cười rồi đáp: “Thì đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa thì thôi. Tui sợ bệnh sẽ không được làm công việc này cho bà con nữa, mong mạnh khỏe mãi thôi” - ông nói.
Trong nhiều năm liền, chú Kính được UBND phường và UBND quận Thủ Đức khen thưởng về những đóng góp trong công tác bảo vệ đê điều, ngăn nước tràn vào nhà dân. Có nhiều người làm công việc này nhưng không ai năng nổ và nhiệt tình như chú. Không cần ai phân công hay nhắc nhở, chú cũng tự mình làm tròn trách nhiệm. Chú đã 70 tuổi mà sức như thanh niên trẻ vậy, rất đáng nể phục. Chỗ nào ngập nước, chạy đến là thấy chú xông xáo ở đó rồi. Một lãnh đạo phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức nói |