Ông Biden chỉ có 5 tháng để 'làm lại' với Iran

Ông Joe Biden một khi lên làm tổng thống Mỹ sẽ phải chạy đua với thời gian để “làm lại” với Iran. Nhà nghiên cứu Geoff LaMear tại tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại John Quincy Adams Society (Mỹ) nhận định như trên trong một bài viết trên trang tin Business Insider.

Người dân Tehran (Iran) đọc tin về bầu cử Mỹ ngày 9-11. Ảnh: ANADOLU

Tính từ thời điểm ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ thì Tổng thống ôn hòa của Iran - ông Hassan Rouhani, người ký thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1, chỉ còn tại nhiệm năm tháng. Đây cũng là thời gian ông Biden có để nỗ lực đưa Iran quay lại tuân thủ cam kết hạt nhân, cũng như đưa mọi thứ quay lại đúng chủ trương mình muốn.

Tại sao chỉ còn năm tháng?

Lý do nói chỉ còn năm tháng là vì Iran sẽ bầu cử tổng thống mới vào ngày 18-6-2021. Hiện tình trạng đối đầu nội bộ chính trị ở Iran ngày càng căng khi phe ôn hòa của Tổng thống Rouhani và phe bảo thủ đang cạnh tranh quyết liệt trước kỳ bầu cử tổng thống.

Ông Rouhani sẽ không tranh cử tiếp vì giới hạn nhiệm kỳ nhưng sẽ có một nhân vật ôn hòa đại diện. Dù thế, hoàn toàn có khả năng tổng thống tiếp theo của Iran sẽ là một nhân vật bên phe bảo thủ. Theo đánh giá hiện tại thì phe ôn hòa không có cơ hội thắng, trừ khi ông Rouhani ký lại được thỏa thuận hạt nhân có lợi cho Iran. Thỏa thuận hồi sinh đồng nghĩa trừng phạt được dỡ bỏ, kinh tế Iran sẽ hồi phục, đồng rial sẽ được tăng giá trị - các yếu tố có lợi cho phe ôn hòa của ông Rouhani trước bầu cử.

 

“Chúng tôi thống nhất ủng hộ nhanh chóng thực hiện các bước đi ngoại giao cần thiết để khôi phục những quy định kiềm chế với chương trình hạt nhân Iran, đưa cả Iran và Mỹ quay lại tuân thủ Kế hoạch hành động chung toàn diện (thỏa thuận hạt nhân Iran - PV), như điểm bắt đầu cho những sự đàm phán tiếp theo” - trang tin The Hill trích lá thư 150 hạ nghị sĩ Dân chủ cùng ký thể hiện sự ủng hộ với nỗ lực của ông Biden nhằm đưa Mỹ trở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ông Biden từng nói ông sẽ xúc tiến đưa Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran ngay sau khi nhậm chức. Thêm nữa, trong bối cảnh khu vực đang có nguy cơ cao xảy ra xung đột khi Israel bị cho gây ra cái chết của nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh, chuyện quay trở lại ngoại giao về hạt nhân Iran càng cấp bách hơn.

Theo tạp chí Foreign Policy, ông Biden cần hành động nhanh nếu không muốn phe ôn hòa thua và phe bảo thủ thắng để rồi Mỹ không còn đường theo đuổi ngoại giao với Iran. Trong khi Tổng thống Rouhani nói mình thấy hài lòng vì ông Trump sẽ ra đi thì phe bảo thủ bất mãn với chiến thắng của ông Biden và muốn ông Trump tái đắc cử, vì như thế sẽ thuận lợi hơn cho phe này gạt bỏ phe ôn hòa. Trong khi ông Rouhani có nói nếu ông Biden “quay lại tình hình như hồi năm 2017 thì chúng tôi cũng sẽ vậy” thì phe bảo thủ từng không ủng hộ Iran ký thỏa thuận hạt nhân cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama và lâu nay vẫn phản đối thỏa thuận.

Ông Biden sẽ làm được?

Bên cạnh sự cấp bách vì kỳ bầu cử tổng thống Iran sắp tới mang tính quyết định đến tương lai đối thoại hai bên thì có thể nói các diễn biến hiện tại cũng không có lợi cho chủ trương của ông Biden.

Đầu tháng 12, Hội đồng Giám hộ, cơ quan giám sát việc thực hiện Hiến pháp Iran, thông qua luật yêu cầu chính phủ nước này ngừng hoạt động thanh sát của Liên Hợp Quốc với các cơ sở hạt nhân Iran, đồng thời đẩy mạnh làm giàu uranium trên giới hạn cho phép theo thỏa thuận hạt nhân. Luật sẽ được thực hiện nếu trong một tháng các nước thành viên còn lại trong thỏa thuận (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga) không vận động để Mỹ dỡ bỏ trừng phạt, cho phép Iran tiếp cận với các ngân hàng và thị trường dầu thế giới.

 

Vì sao lãnh tụ tối cao Iran “không tin” ông Biden?

Giữa tháng 12, lãnh tụ tối cao Iran - ông Ayatollah Ali Khamenei (81 tuổi) tuyên bố trước công chúng là ông không thể tin ở Mỹ, dù ông Joe Biden tới đây có thay vị trí tổng thống của ông Donald Trump.

Một lý do ông Khamenei nêu ra để giải thích cho tuyên bố này là “sự thù địch với Iran không chỉ đến từ nước Mỹ của ông Trump mà một số người có thể nói sẽ chấm dứt khi ông ấy rời đi, mà nước Mỹ của ông Obama cũng làm nhiều điều tệ với Iran”. Ông Biden là phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Ngoài ra, theo tạp chí Foreign Policy, Iran có nhiều lý do nữa để bi quan. Thứ nhất, nếu Thượng viện vẫn nằm trong tay đảng Cộng hòa, chính phủ ông Biden sẽ buộc phải thỏa hiệp trong chuyện thỏa thuận hạt nhân Iran đổi lấy các nhượng bộ chính sách nội địa như gói giải cứu COVID-19. Thứ hai, các đồng minh Mỹ, đặc biệt là Israel và cả Saudi Arabia, đã nói rõ sẽ không để yên cho thỏa thuận hạt nhân. Đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân mà ông Trump đã rút là một mục tiêu hành động của ông Biden sau khi nhậm chức.

Tổng thống Rouhani chỉ trích luật này gây hại cho các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục thỏa thuận và dỡ bỏ trừng phạt của Mỹ. Song thực tế là nếu yêu cầu không được đáp ứng, Iran sẽ thi hành luật này vào tháng 2-2021, tức chỉ vài ngày sau khi ông Biden nhậm chức tổng thống.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu LaMear, ông Biden có sức mạnh để vô hiệu hóa chiến dịch “tối đa hóa trừng phạt” và khôi phục sự đáng tin cậy của Mỹ trong thời gian ngắn.

Trước tiên, cần phải hiểu rõ không phải tất cả gần 1.000 lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran đều như nhau. Ngoài một số được thông qua theo cách thức khó có thể đảo ngược thì cũng có nhiều lệnh trừng phạt được ban hành từ sắc lệnh do ông Trump ký. Chẳng hạn, Sắc lệnh 13846 ủy quyền cho Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính trừng phạt các cá nhân, thực thể trong các ngành năng lượng, dầu, vận tải… Iran. Sắc lệnh 13871 mở rộng trừng phạt qua ngành công nghiệp mỏ. Sắc lệnh 13902 mở rộng trừng phạt qua các ngành xây dựng, sản xuất, dệt may… Ông Biden và nội các của ông có thể loại trừ các lệnh trừng phạt này ngay lập tức.

Có được nền tảng ngoại giao, ông Biden sẽ có thể thương lượng về nhiều vấn đề khác, theo nhà nghiên cứu LaMear. Tuy nhiên, ông Biden nên tỉnh táo kiềm chế mong muốn phải có một thỏa thuận “bao gồm hết tất cả điều mình muốn”, vì điều đó sẽ không giúp Mỹ đạt được gì.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm