Ông Biden và kỷ nguyên đối đầu mới trên Biển Đông

Theo tờ Asia Times, tất cả những sự kiện xảy ra gần đây ở Biển Đông đã đặt những viên gạch đầu tiên cho một kỷ nguyên đối đầu mới giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Những mảnh ghép “nóng”...

Tuần trước, Trung Quốc đã điều hơn 10 máy bay ném bom H-6K, máy bay tuần thám săn ngầm Y-8 cùng hàng chục tiêm kích các loại chia thành nhiều đợt liên tục xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan do hòn đảo này thiết lập.

Sau đó, trong một cuộc họp báo hôm 27-1, Trung Quốc cho biết các cuộc tập trận gần Đài Loan là “một lời cảnh báo cứng rắn” đối với “các thế lực bên ngoài”. Lời cảnh báo được cho là nhắm tới Mỹ sau khi nước này bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan.

Trung Quốc tăng cường các cuộc tập trận gần Đài Loan. Ảnh: REUTERS

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 giữa Mỹ và Philippines “sẽ được áp dụng đối với các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu thuyền hoặc máy bay Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông”.

Những động thái gần đây của Bắc Kinh đã làm gia tăng khả năng xảy ra các cuộc tấn công vũ trang như vậy nhắm vào các nước có tranh chấp trên Biển Đông.

Hôm 22-1, Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh dùng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài trong “vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền”.

Đặc biệt, Luật Hải cảnh trao quyền cho Hải cảnh Trung Quốc (CCG) “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, bao gồm sử dụng vũ khí” khi cái gọi là “chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc bị các cá nhân và tổ chức nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp trên biển”.

Luật còn cho phép CCG quyền phá dỡ những công trình quân sự và dân sự do các quốc gia khác xây dựng cũng như quyền lên và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền một cách phi pháp.

Động thái này rõ ràng là một phát súng nhắm vào các quốc gia láng giềng đang có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông cũng như đưa ra lời cảnh báo tới Mỹ, quốc gia gần đây đã tăng cường thực hiện các hoạt động tự do hàng hải tại vùng biển tranh chấp này.

...góp vào kỷ nguyên đối đầu Mỹ-Trung mới thời ông Biden

Hôm 23-1, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông để tiến hành các hoạt động thường kỳ "nhằm đảm bảo tự do trên biển, xây dựng quan hệ đối tác và thúc đẩy an ninh hàng hải”.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt. Ảnh: AFP/US NAVY.

Đáp lại, Trung Quốc đã đưa ra “cảnh báo cứng rắn” với Mỹ khi thông báo tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở vịnh Bắc Bộ từ ngày 27-1 đến ngày 30-1. Trung Quốc vẫn chưa cung cấp chi tiết về cuộc tập trận nhưng rõ ràng đây là minh chứng mới nhất về sự “phô trương sức mạnh” của cường quốc châu Á này.

Thông báo trên được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lên tiếng gay gắt về việc Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông và nói hành động này “sẽ không có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực”.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Biden đã phát tín hiệu cho thấy việc cam kết tiếp tục thực hiện lập trường cứng rắn của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump tại các vùng biển tranh chấp ở châu Á thông qua việc mở rộng hoạt động hải quân và cung cấp hỗ trợ cho các đồng minh, đối tác trong khu vực.

Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ vào tuần trước, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, khi ấy còn là ứng viên Ngoại trưởng, đã đưa ra bảo đảm về sự lãnh đạo toàn cầu mang tính chủ động của Mỹ và nói rằng: “Sự lãnh đạo của Mỹ vẫn quan trọng và thực tế, thế giới không đơn giản là tự tổ chức”.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin, Ngoại trưởng Blinken “tái khẳng định rằng một liên minh Mỹ-Philippines là rất quan trọng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Đồng thời, ông Blinken cũng “nhấn mạnh rằng Mỹ bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông vì chúng vượt quá những vùng biển mà Trung Quốc được phép tuyên bố chủ quyền theo luật pháp quốc tế”.

Hải cảnh Trung Quốc - nhân tố mới trong cuộc đối đầu?

CCG có thể là lực lượng đi đầu trong nhiệm vụ thách thức các cam kết của Mỹ. Suốt một thập niên qua, lực lượng này đã đẩy mạnh hoạt động trên các vùng biển tranh chấp dưới tên gọi “chiến thuật vùng xám”. 

Trên danh nghĩa “đội tàu vỏ trắng”, đóng vai trò như một cơ quan pháp luật dân sự đơn thuần nhưng thực chất, CCG hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của quân đội Trung Quốc.

Một tàu hải cảnh của Trung Quốc. Ảnh: AP

Với một đội tàu vũ trang lớn nhất thế giới, CCG đóng vai trò hộ tống cho lực lượng dân quân biển của Trung Quốc, đây là lực lượng đóng vai trò then chốt và tiên phong trong việc quấy phá các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông trong những năm gần đây.

Đơn cử, tàu hải cảnh 3901 với lượng giãn nước 12.000 tấn của CCG lớn hơn cả tàu khu trục mang tên lửa Arleigh Burke và tàu tuần dương Ticonderoga của Mỹ.

Thật vậy, tại Đối thoại Shangri-La năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia khi đó là ông Mohamad Sabu đã nhận định rằng: “Tàu hải quân của chúng tôi không thể sánh với tàu hải cảnh của Trung Quốc, thực tế, tàu hải cảnh Trung Quốc đã vượt mặt hầu hết các tàu hải quân trong khu vực Đông Nam Á”.

Kể từ đó, Malaysia đã thực hiện hoạt động “gây hấn” với Trung Quốc với sự kiện tập đoàn dầu khí quốc gia của Malaysia triển khai tàu khoan dầu West Capella đến khai thác dầu tại vùng Biển Đông tranh chấp.

Trước động thái đó, một đội tàu CCG đã điều động tới quấy rối nỗ lực của Malaysia tại vùng biển bắc của nước này, nơi chồng lấn với yêu sách “đường chín đoạn’ của Trung Quốc. CCG cũng tham gia vào các hành động cản trở, tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. 

Nếu Trung Quốc áp dụng kiên quyết thì Luật Hải cảnh có thể sớm lôi kéo CCG vào cuộc đụng độ vũ trang trực tiếp với các quốc gia tranh chấp khác cũng như khả năng lôi kéo quân đội Trung Quốc và lực lượng hải quân Mỹ vào bất kỳ cuộc xung đột hàng hải nào.

Chiến thuật "tấn công quyến rũ"  không như ý

Thời điểm ban hành luật mới này cũng gây bất ngờ vì trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có một tuần bận rộn trong chuyến công du “tấn công quyến rũ” tới các nước Đông Nam Á như Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin và người đồng cấp Vương Nghị. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Trong chuyến thăm Philippines của ông Vương, Bắc Kinh và Manila đã nhấn mạnh “mối quan hệ mạnh mẽ và đa dạng liên kết giữa Trung Quốc và Philippines”. Theo sau các cuộc thảo luận là các khoản đầu tư hàng tỉ đô và các lô hàng vaccine ngừa COVID-19 quy mô lớn do Trung Quốc sản xuất.

Thoạt đầu, chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tìm cách “lấy lòng” Trung Quốc khi hạ thấp mức độ của dự luật hải cảnh. Phát ngôn viên Phủ Tổng thống Harry Roque cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng sẽ không có quốc gia nào thực hiện bất kỳ hành động khiến tình hình vùng biển tây Philippines (Biển Đông) trở nên tồi tệ”.

Nhưng sự thân thiện đó sớm tan vỡ khi Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã chỉ trích Luật Hải cảnh của Trung Quốc.

“Sau khi xem xét, tôi đã gửi công hàm phản đối” - ông Locsin thông báo trên Twitter.

Đồng thời ông cũng lưu ý: “Dù việc ban hành luật là quyền của quốc gia nhưng luật mà Trung Quốc vừa thông qua là lời đe dọa chiến tranh đối với bất kỳ quốc gia nào không tuân theo”. 

Là đồng minh của Mỹ, Philippines rất có thể được khuyến khích từ lập trường cứng rắn của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ LIoyd Austin trong những phát ngôn về Trung Quốc gần đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới