Về mô hình giáo dục 4.0 mà Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang triển khai, ông Phong đánh giá đây là bước đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của nền giáo dục tiên tiến, tạo một cú hích mang đến sự thay đổi đối với giáo dục đại học của TP.HCM. Mục tiêu sắp tới của TP là phải có những trường đại học trong top của khu vực và cả thế giới.
"Sự bùng nổ của các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà đặc trưng là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học mà trung tâm là sự phát triển của các trí tuệ nhân tạo, robot và sinh học... đã làm cho khu vực giáo dục đại học bị đặt trước nhiều thách thức" - ông Phong nói.
Ông Phong cho rằng đây là một hướng đi phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường trở thành trường đại học hàng đầu về ứng dụng thực hành. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức và kỹ năng, phát triển tri thức mà còn là nơi ứng dụng tri thức để giải quyết các vấn đề cụ thể của đất nước, tạo ra giá trị cho xã hội.
Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học TP.HCM Nguyễn Thành Phong thăm cơ sở vật chất Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: P.ĐIỀN
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường hiện có 1.126 người, trong đó có một nhà giáo nhân dân, 12 giáo sư, 20 phó giáo sư, 81 tiến sĩ và hơn 500 thạc sĩ. Tất cả các chương trình đào tạo của nhà trường đang được đánh giá theo chuẩn chương trình AUN (mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á).
Mỗi năm, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cung cấp cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam khoảng 5.000 kỹ sư, cử nhân lành nghề, trong đó có 80% số sinh viên tìm được việc làm phù hợp ngành nghề đào tạo.
Theo TS Hùng, lực lượng lao động qua đào tạo này đã đóng góp một phần đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại của TP.HCM và các tỉnh lân cận. Cùng với việc tham gia giải quyết được một phần thiếu hụt nguồn nhân lực y tế thông qua việc mở ra các ngành đào tạo điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật y sinh...