Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 28-11 bắt đầu chuyến đi năm ngày qua các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp và gặp các nhân vật từng là người đồng cấp của ông, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nói với CNN, bà Katie Hill - người phát ngôn của ông Obama cho biết ông sẽ đến Thượng Hải phát biểu tại một hội nghị, sau đó di chuyển đến Bắc Kinh phát biểu tại một sự kiện giáo dục và có cuộc gặp với Chủ tịch Tập. Theo thông tin từ văn phòng của ông Obama, nội dung cuộc gặp sẽ là về kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và một số vấn đề khác.
“Là Tổng thống, ông Obama đã tìm kiếm một quan hệ đối tác thân thiết và hợp tác với Chủ tịch Tập về nhiều vấn đề từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đến chống biến đổi khí hậu. Và ông mong đợi được gặp người đồng cấp trước đây của mình” – theo bà Katie Hill.
Đây là lần đầu tiên hai ông gặp nhau sau khi ông Obama rời Nhà Trắng và sau lần gặp cuối cùng vào tháng 9-2016, khi hai ông cùng phê chuẩn thỏa thuận khí hậu Paris. Người kế nhiệm ông Obama là Tổng thống Donald Trump hồi tháng 6 thông báo quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Ông Trump cũng có chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng này. Ông Trump tự tin ông và ông Tập có quan hệ tốt nhất so với bất kỳ quan hệ lãnh đạo nào.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Pháp ngày 30-11-2015. Ảnh: AP
Tại New Delhi (Ấn Độ), ông Obama sẽ có cuộc gặp với 280 nhà lãnh đạo trẻ khắp nước này, cũng như có buổi diễn thuyết. Ông cũng sẽ gặp Thủ tướng nước này Narenda Modi, người mà ông có quan hệ khá tốt khi còn là tổng thống.
Tại Paris (Pháp), ông Obama sẽ có bài phát biểu và có một số cuộc gặp riêng tư trước khi quay về Mỹ. Chưa xác nhận nhưng các trợ lý ông Obama không bác bỏ khả năng ông sẽ gặp Tổng thống Emmanuel Macron, người đã được ông Obama ủng hộ khi còn tranh cử.
Từ khi rời Nhà Trắng, ông Obama thường xuyên có các chuyến đi ra nước ngoài, một phần để du lịch, một phần để thu hút tài trợ, hỗ trợ cho các hoạt động, tổ chức của ông. Các chuyến đi của ông, đặc biệt chuyến đi năm ngày sang Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp này thu hút sự quan tâm đặc biệt, khi nhiều nước vẫn chưa chắc chắn về chính sách đối ngoại của ông Trump và chờ câu giải thích rõ hơn về chủ trương của Mỹ từ người tiền nhiệm Obama.
“Barack Obama là người giải thích quan trọng với toàn bộ thế giới về những điều đang xảy ra ở Mỹ. Ông ấy mang lại sự bình tĩnh cho thế giới đang bị rối loạn hiện nay. Sự xuất hiện của ông Obama nhắc nhở họ về ngoại giao kiểu cũ và chân giá trị của nghệ thuật chính trị” - theo ông Douglas Brinkley, sử gia tổng thống tại ĐH Rice (Mỹ).