Sáng nay (15-4), các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật sẽ trình Quốc hội tại kỳ hợp thứ 9. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trong phần kết luận nhấn mạnh: Các ý kiến thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và không né tránh.
Thay đổi cách tiếp cận để luật “sống” lâu hơn
Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh cần xác định cách tiếp cận khi xây dựng luật này, vì đây là luật để làm luật. Những luật cụ thể khác chỉ sửa một hai điều thì ảnh hưởng nhỏ nhưng luật này không đúng sẽ dẫn đến lỗi hệ thống.
“Do cách tiếp cận nên bàn đi bàn lại rồi quay lại như cũ. Thế giới tiếp cận có 3 loại: Văn bản lập pháp (luật, nghị quyết), ủy quyền lập pháp (nghị quyết, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), còn lại là văn bản lập quy. Hai cái trên rõ, còn thứ ba tùy thuộc thẩm quyền lập quy của cơ quan. Đây là nội dung chúng ta cần làm”, đại biểu Trần Du Lịch phân tích.
Đánh giá việc sửa luật lần này có khá hơn song theo đại biểu lại phát sinh nhiều mâu thuẫn vì trải dài 7 chương “phần lớn là râu ria liên quan quy chế, nội quy của cơ quan đó ta lại luật hóa”.
“Một hệ thống luật mất gốc thì rối loạn, dẫn đến luật ra khó thi hành. Không thể so sánh chim sơn ca và chim bồ câu con nào lớn hơn vì sơn ca là sơn ca, bồ câu là bồ câu. Cơ sở gì để nói cấp huyện, xã không có thẩm quyền ra văn bản quy phạm pháp luật? Hết nhiệm kỳ này tôi nghĩ rồi nên tôi nói đầy tâm huyết, phải kiến nghị phương pháp tiếp cận để tránh làm rối, luật lại phải sửa nữa”, đại biểu bày tỏ và cho rằng nếu chưa giải quyết được một loạt vấn đề thì không nên ban hành vội.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng việc sửa luật chưa khắc phục được căn bản hạn chế về lập pháp hiện nay: “Nguyên tắc áp dụng pháp luật, quả thực hiện nay hơi rối loạn. Nguyên tắc theo thời gian (văn bản sau phủ định văn bản trước khi cùng quy định một vấn đề), theo thẩm quyền ban hành (cấp trên, cấp dưới), luật chung- riêng, luật chuyên ngành này với chuyên ngành khác… đang rất có vấn đề. Do đó cần quy định một điều về nguyên tắc áp dụng luật”.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền, “đã đến lúc không giao Bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chỉ Chính phủ thôi, nếu không có nguy cơ không khắc phục được tình trạng lâu nay”.
Liên quan việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ như quy định hiện hành là giao Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết. Có ý kiến đề nghị quy định giao cơ quan chủ trì thẩm tra chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan chỉnh lý để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, việc giao Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo là một cuộc cách mạng vì để tiến tới Quốc hội nắm trọn quyền lập pháp của mình. Hơn nữa, lâu nay vẫn có ý kiến nói việc giao thẩm quyền này cho bộ, ngành soạn thảo không tránh khỏi ý chí cục bộ. Do đó đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành và Quốc hội tiến tới hơn như thế, là soạn thảo dự án luật.
Vì sao quy định vừa ban hành đã bị phản ứng?
Đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh, khi làm luật này phải trả lời được câu hỏi nguyên nhân vì sao thời gian vừa qua có một số quy định trong một số văn bản khi đưa ra tính khả thi không cao.
Theo đại biểu, ngoài nguyên nhân ở khâu tổ chức thực hiện thì việc đánh giá tác động chưa tốt, nhiều bản đánh giá rất hình thức. “Cần xem kỹ quy định về quy trình đánh giá tác động. Muốn đánh giá tác động đi vào thực chất thì tiêu chí gồm những nội dung gì, không thể quy định chồng lên nhau. Đánh giá mà hình thức thì nội dung khó khả thi”.
Đại biểu Lê Thị Nga cũng đề nghị cần xem xét lại việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp khi ban hành văn bản. Có quy định vừa đưa ra đã gặp phản ứng của dư luận vì quy trình lấy ý kiến làm không đầy đủ, một số trường hợp làm hình thức. Do đó phải quy định rõ từ khâu soạn thảo, thẩm định đến khi đưa ra Quốc hội quyết định.
Một nội dung quan trọng nữa là phản biện độc lập về chính sách nên đưa vào quy trình bắt buộc để tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cao hơn.
“2 năm nay có nhiều thông tư gây phản ứng dữ dội có yếu tố từ tính khách quan của quy trình thẩm định. Bộ giao cho một bộ phận soạn thảo rồi chính bộ phận pháp chế của Bộ đó thẩm định, do đó khó đảm bảo tính độc lập. Đề nghị xây dựng bộ phận phản biện độc lập với thông tư của các bộ, ngành và có thể giao cho Bộ Tư pháp để tránh vừa đá bóng vừa thổi còi”, đại biểu Nga đề nghị.
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại cũng nhất trí quan điểm cho rằng có điều luật vừa đưa ra đã bị phản ứng có nguyên do từ việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp và việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến đó chưa tốt.
“Cần nghiên cứu cụ thể qua thực tế lấy ý kiến để có chế định đảm bảo việc lấy ý kiến, xử lý ý kiến một cách hiệu quả, thực chất. Làm sao chúng ta đo đếm được, thẩm định được việc lấy ý kiến thế nào, tổng hợp ra sao, trách nhiệm của cơ quan tổ chức lấy ý kiến đến đâu, ban hành gặp phản ứng thì trách nhiệm thế nào?”, đại biểu nêu ý kiến.
Liên quan thẩm quyền của chính quyền địa phương trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại nói: “Người ta quản lý hàng ngàn dân tại sao không được ban hành để thực hiện? Đề nghị mạnh dạn giao cho HĐND, UBND có quyền ban hành nhưng hướng dẫn theo thẩm quyền, áp dụng trong điều kiện cần thiết để quản lý trật tự địa phương đó. Thực tế số văn bản này không nhiều”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng: “Tình trạng bây giờ ban hành quá nhiều văn bản, lộn xộn, chồng chéo khó khi thành, dân khó biết. Vậy phải quy định trong luật này nói rõ giao Chính phủ cái gì theo quy định của Hiến pháp để từ đó Chính phủ giao cho Bộ làm thông tư gì, xã ban hành cái gì. Không được giao thì không được làm để khắc phục tình trạng anh nào cũng làm thông tư, rồi xã có quyền nhưng mở rộng quá cũng không được”.
Nhấn mạnh đánh giá tác động khi xây dựng luật, văn bản quy phạm pháp luật cần thực hiện nghiêm túc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Nói báo cáo đánh giá còn hình thức, tôi thấy rất đúng. Ông soạn thảo nói rất hay, luật nói hay nhưng khi thực hiện mới thấy nó dở. Phải quy định chặt chẽ để đảm bảo khả thi. Tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp, tiếp thu ra sao? Anh lấy 100 ý kiến mà về anh vẫn lấy ý kiến của mình là nhất để trình Quốc hội là không được”.