Ông Trần Vĩnh Tuyến: Không cố ý làm sai, không chỉ đạo làm trái

Sáng 10-12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho ông Trần Trọng Tuấn, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM, bị tạm đình chỉ công tác) cho rằng việc chuyển nhượng Dự án Khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 cũ đã được thực hiện theo đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện việc chuyển nhượng, ông Tuyến cho rằng hoàn toàn tin tưởng vào sự tham mưu của cấp dưới và sự thực hiện của SAGRI. Ông thừa nhận có sai sót, chủ quan khi không đọc kỹ kết luận thanh tra SAGRI nên ký quyết định chấp thuận dẫn tới sai phạm.

Ông Trần Vĩnh Tuyến tại phiên toà. Ảnh: N.NHI

Bị cáo Tuyến nói “Tôi là người ký quyết định nên tôi xin nhận trách nhiệm. Nếu có nhiều thời gian hơn thì tôi sẽ đọc kỹ hồ sơ, sẽ làm chặt chẽ hơn và mời các bên liên quan lên làm việc thì đã không có sai sót".

Đáng chú ý, ông Tuyến nói nhận thức tại thời điểm đó là quyết định của mình phù hợp với Luật Kinh doanh bất động sản, đã làm đúng pháp luật.
Khi luật sư hỏi về việc có bị ai tác động, áp lực hay không, ông Tuyến nói không cố ý làm sai và không có chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định. Nhưng ông cũng cho biết thực sự là có sự nể nang đối với bị cáo Lê Tấn Hùng do bị cáo Hùng là em của nguyên bí thư Thành ủy.
Giải thích cặn kẽ hơn, ông Tuyến nói ”Thực sự có sự nể nang vì đó là đạo đức của cán bộ đối với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, không có chuyện nể nang dù biết sai”.
Cạnh đó, ông Tuyến khai mình có áp lực vì khi nhận hồ sơ thì ông yêu cầu văn phòng kiểm tra, rà soát lại (5 ngày sau mới ký). Lý giải về việc bị áp lực thì bị cáo này e ngại ông Lê Tấn Hùng suy nghĩ không đúng về mình.

Bị cáo Lê Tấn Hùng. Ảnh: N.NHI

Bị cáo Lê Tấn Hùng thì cho rằng quá trình chuyển nhượng được thực hiện theo đúng quy định, không gặp gỡ, tác động ông Tuyến sớm ký quyết định chấp thuận.

Bị cáo Hùng cho rằng đề án chuyển nhượng dự án có trước khi ông nhận nhiệm vụ tổng giám đốc SAGRI. Đồng thời, bị cáo này khẳng định việc chuyển nhượng là đúng đề án nên đề nghị tòa xem xét lại cáo buộc việc thực hiện này không có đề án.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đại diện Tổng công ty Phong pHú (bên nhận chuyển nhượng) cho rằng sau khi thanh tra kết luận có sai phạm thì đơn vị này đã chủ động ký biên bản thanh lý hợp đồng và 2 bên không gây thất thoát lãng phí phát sinh gì cho Nhà nước.
Tuy nhiên, khi luật sư hỏi quan điểm của Phong Phú về việc cáo trạng nêu số tiền thiệt hại của việc chuyển nhượng này là 672 tỉ đồng thì đơn vị này mong HĐXX xem xét đúng pháp luật.
Trước đó, bị cáo Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở xây dựng TP.HCM) mong HĐXX xem xét lại kết luận giám định vụ án. Đồng thời, ông Tuấn cho rằng đã rà soát Luật Quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thấy SAGRI đã đảm bảo thực hiện đề án tái cơ cấu cũng như việc chuyển nhượng dự án này không phải đấu giá. Từ đó ông Tuấn cho rằng ở giai đoạn chuyển nhượng dự án này, Hội đồng thẩm định của TP (do ông là chủ tịch) đã thẩm định thoã yêu cầu của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào kinh doanh.
Phần việc còn lại chuyển nhượng vốn trong dự án ra ngoài doanh nghiệp thì người được giao vốn phải thực hiện theo quy định của Luật Quản lý vốn. Bản thân ông đã rà soát lại luật và thấy đề xuất hợp lý nên thống nhất tham mưu cho Ủy ban, trong quyết định theo mẫu có thêm nội dung đề nghị SAGRI phải tuân thủ theo pháp luật về quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào kinh doanh, doanh nghiệp.
Chiều nay, 10-12, HĐXX tiếp tục làm việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới