Tòa Tối cao Mỹ ngày 26-6 (giờ Mỹ) đã tuyên bố giữ nguyên sắc lệnh tạm thời cấm nhập cảnh với người tị nạn và công dân của năm quốc gia phần đông là người Hồi giáo như Iran, Syria, Libya, của Tổng thống Trump. Tòa Tối cao chấp thuận phiên bản thứ ba của sắc lệnh, nhấn mạnh sự “giảm nhẹ và được điều chỉnh về chính trị” của lệnh cấm nhập cảnh.
Phán quyết bảo vệ quyền tổng thống
Quyết định của Tòa Tối cao Mỹ được đánh giá là “chiến thắng” quan trọng và đáng chú ý của chính quyền Trump kể từ khi ông nhậm chức vào đầu năm ngoái. Nói “chiến thắng” là bởi sắc lệnh của ông Trump sau hai lần chỉnh sửa để có phiên bản thứ ba vẫn mắc phải sự chống đối của đông đảo người dân Mỹ. Thậm chí có nhiều chính quyền tiểu bang đã ngăn chặn thực thi sắc lệnh mà ông Trump gọi là “bảo vệ an ninh quốc gia” này.
Có hai điểm chính trong phán quyết của Tòa Tối cao. Thứ nhất, tòa cho rằng khi xem xét luật nhập cư của Mỹ hay Tu chính án số 1 trong hiến pháp, sắc lệnh trên thuộc thẩm quyền của tổng thống Mỹ. Chánh án Tòa Tối cao John Roberts, người bỏ phiếu thuận cho sắc lệnh của ông Trump, cho biết “việc xem xét chỉ thị của tổng thống bước đầu cho thấy sự trung lập khi xử lý một vấn đề hoàn toàn nằm trong trách nhiệm hành pháp”. Vị này khẳng định chính phủ của ông Trump đã “đưa ra một đạo luật an ninh quốc gia đúng mực”.
Thứ hai, tòa bác bỏ các quan ngại liên quan đến việc phân biệt tôn giáo của ông Trump khi phía kiện ông Trump viện dẫn lời kêu gọi của ông Trump khi còn tranh cử hồi 2016 “ngăn chặn đầy đủ và toàn diện việc người Hồi giáo nhập cảnh vào nước Mỹ”. Chánh án Roberts cho rằng khi xem xét một vấn đề thuộc quyền hành pháp của tổng thống, các thẩm phán “không chỉ cân nhắc tuyên bố của một tổng thống mà còn phải tính đến thẩm quyền của người đứng đầu nước Mỹ nói chung”.
Nói về phán quyết, ông Trump phấn khởi: “Một thành công lớn lao, một chiến thắng vang dội cho người Mỹ và hiến pháp Mỹ”. Trong khi truyền thông quốc tế dẫn lời các trợ lý của ông Trump cho biết đương kim tổng thống cảm thấy “được ủng hộ” sau khi phán quyết được đưa ra đúng vào thời điểm nhập cư đang trở thành vấn đề nóng bỏng ở Mỹ, liên quan đến phản ứng gay gắt của dư luận về tình cảnh trẻ em bị tách khỏi cha mẹ ở biên giới.
Tổng thống Trump có chiến thắng quan trọng về quản lý nhập cư. Ảnh: AFP
Tranh cãi và bất an
Phán quyết của Tòa Tối cao mang lại thông điệp bảo vệ quyền lực tổng thống Mỹ với vấn đề nhập cư, vốn là tâm điểm của sự giằng co qua lại của phe bảo thủ và phe ôn hòa. Nó còn xác minh chiến thắng của phe cộng hòa trong việc xếp đặt các thẩm phán bảo thủ vào Tòa Tối cao. Điều này tạo ra sự lo ngại phe bảo thủ trong Tòa Tối cao Mỹ sẽ thao túng các quyết định làm đảo ngược các phán quyết chống lại chính quyền Trump và chắc chắn ông Trump sẽ tự tin hơn trong việc ban hành các sắc lệnh nhập cư lấy quyền tổng thống làm trung tâm, dù mắc phải sự phản đối của giới dân chủ lẫn lãnh đạo phong trào quyền con người.
17 bang tại Mỹ đã đệ đơn kiện chính quyền Trump vì việc thực thi chính sách gây tranh cãi về việc chia tách trẻ em những gia đình nhập cư trái phép với cha mẹ của chúng. (Theo BLOOMBERG) |
Sự tranh cãi trên chính trường sẽ còn kéo dài. Ngay sau phán quyết hôm 26-6, ông Trump và phe bảo thủ đang vui mừng vì “chiến thắng” quan trọng trong tòa nhà quốc hội. Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas nói với tạp chí Time rằng “Tòa Tối cao đã trực tiếp xác nhận quyền hành pháp của tổng thống. Luật liên bang rất tường minh: Tổng thống có thẩm quyền hành động vì lợi ích an ninh quốc gia”.
Chánh án Roberts dẫn tuyên bố của các tổng thống Mỹ trước đây như George Washington, Dwight D. Eisenhower hay George W. Bush để cho thấy người đứng đầu nước Mỹ luôn tôn trọng các nguyên tắc về tự do và bao dung tôn giáo. Thẩm phán Anthony Kennedy trong một bài viết khác thậm chí nhấn mạnh “Thế giới đang lo lắng ngoài kia cần biết rằng chính phủ Mỹ vẫn luôn cam kết với các quyền tự do được hiến pháp duy trì và bảo vệ”.
Các lời lẽ giải thích của các thẩm phán bảo thủ cho thấy dường như họ không thể bác bỏ sắc lệnh của ông Trump vì thiếu cơ sở luật pháp, hơn là ủng hộ hết mình một sắc lệnh mà tổng thống dùng để chứng minh quyền lực của mình hơn là mục đích tốt đẹp được nêu.
Giống như tỉ lệ năm phiếu thuận, bốn phiếu chống trong Tòa Tối cao, sự chia rẽ trong quốc hội và dư luận về đạo luật nhập cư, dù ông Trump có chiến thắng tối thiểu nhưng nước Mỹ - vẫn như ngày ông vừa nhậm chức, vẫn đang chia rẽ làm đôi.
Dân tụ tập trước Tòa Tối cao để phản đối Đối diện tòa nhà quốc hội, rất nhiều người đã tập trung trước Tòa Tối cao để phản đối việc giữ lại sắc lệnh ông Trump. Điều này ít nhiều có phần đồng điệu với hàm ý của Chánh án Roberts, khi vị này dù bỏ phiếu thuận cho ông Trump nhưng viết thêm rằng phán quyết của tòa “không đưa ra quan điểm nào về sự lành mạnh của chính sách này”. Phán quyết của tòa càng làm mất niềm tin vào quốc hội. Sự hợp tác lưỡng đảng lấy lợi ích chung của nhân dân làm trung tâm đang mờ nhạt hơn sự đấu đá chính trị. Mahsa Payesteh, Chủ tịch kết nối cộng đồng của Hội đồng quốc gia người Mỹ gốc Iran (NIAC), khi biểu tình trước trụ sở Tòa Tối cao nói: “Ngay từ đầu quốc hội có thể đưa ra biện pháp bãi bỏ sắc lệnh này nhưng họ không làm”. Chỉ tay về phía tòa nhà quốc hội phía sau lưng của mình, Mahsa Payesteh khẳng định: “Thế nên đó là nơi tôi sẽ đến. Tôi chuẩn bị di chuyển cuộc biểu tình này đến trước tòa nhà quốc hội”. |