Ông Võ Văn Hoan nói về nguồn nhân lực giúp TP.HCM trở thành đô thị thông minh

(PLO)- “TP.HCM cần nguồn nhân lực sản xuất mới mà chúng tôi gọi là nhân lực số, công nghệ số, phải hình thành được các yếu tố sản xuất mới như dữ liệu số và cần động lực mới là đổi mới sáng tạo số” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói.

Chiều 4-11, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM phối hợp với Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tổ chức hội thảo quốc tế “Đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển đô thị thông minh: Kinh nghiệm quốc tế, tiềm năng hợp tác, giải pháp triển khai”.

Thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn sâu

Trao đổi với các chuyên gia tại hội nghị, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết TP đang triển khai hai chương trình trọng tâm gồm chương trình chuyển đổi số TP và đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo đó, TP đã ban hành chỉ thị, chương trình về trí tuệ nhân tạo, hạ tầng viễn thông, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số… Ngoài ra, TP đã dành 1,22% ngân sách để chi cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đồng thời, ban hành chính sách thu hút chuyên gia cho lĩnh vực chuyển đổi số và công nghệ thông tin.

"Chúng ta có chính sách nhưng việc thu hút nhân tài, người có tài năng thì chưa sâu và chưa cao” - ông Thắng nêu thực tế.

Theo ông Thắng, TP.HCM đã xác định chủ trương chuyển đổi số phải đi đôi với chuyển đổi xanh. TP dự kiến nếu ứng dụng chuyển đổi số thành công sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển bền vững của TP tăng 22% và đóng góp 20% vào kết quả chuyển đổi xanh. Từ đó, ông mong các chuyên gia gợi mở phương hướng để TP.HCM thực hiện chủ trương này.

Ngoài ra, ông Thắng nêu thực tế TP.HCM đang thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn sâu cho những vấn đề liên quan đến công nghệ cao, công nghệ lõi. “Chuyên gia tư vấn chung thì nhiều, chuyên gia tư vấn sâu thì rất thiếu” - ông Thắng nói.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Thắng nêu thực tế, TP.HCM đang phát triển vi mạch, có một nhóm chuyên gia đề nghị TP không nên xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch mà nên chỉ là nhà máy đóng gói vi mạch. Ông đặt câu hỏi với các chuyên gia rằng TP có nên đi theo hướng đó hay không?

“Hay có ý kiến khác TP không nên xây dựng nhà máy vi mạch mà chỉ tập trung vào hệ thống sinh thái xung quanh như đào tạo nguồn nhân lực, hình thành các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… thì TP.HCM nên như thế nào? TP đang thiếu đội ngũ chuyên gia sâu về các lĩnh vực đó” - ông Thắng gợi mở.

Giám đốc Sở TT&TT nhìn nhận năng lực công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ TP là không cao và thiếu nhiều nhân lực trong lĩnh vực này. Ông nêu thực tế tại quận Bình Thạnh hơn 500.000 dân nhưng người trực tiếp làm công nghệ thông tin của UBND quận Bình Thạnh chỉ có 2 người.

“Làm sao để TP phát triển nguồn nhân lực này tốt hơn thì xin chuyên gia tư vấn” - ông Thắng đề nghị.

Ngoài ra, ông Thắng cũng mong muốn các chuyên gia tư vấn hỗ trợ các vấn đề như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng dữ liệu; phương án xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo..., đặc biệt là về ứng dụng AI trong lĩnh vực hành chính công.

TP.HCM muốn mở ra thêm cơ hội hợp tác

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhìn nhận thời gian qua TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc phát triển kinh tế.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo ông Hoan, thực hiện Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị, mục tiêu của TP.HCM đến năm 2030 là nỗ lực xây dựng TP thành đô thị thông minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có chất lượng sống tốt và là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, dẫn đầu về kinh tế số, xã hội số; là trung tâm về kinh tế tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ và hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Ông Hoan cho biết để thực hiện tầm nhìn này, TP.HCM nỗ lực phấn đấu để đạt mức tăng trưởng bình quân 8-8,5% và GRDP bình quân đạt 14.500 USD, trong đó tỉ lệ đóng góp kinh tế số cho GRDP đạt 40% trở lên.

“Đây là những mục tiêu rất tham vọng và phải nỗ lực lớn để đạt được. TP cần nguồn nhân lực sản xuất mới mà chúng tôi gọi là nhân lực số, công nghệ số, phải hình thành được các yếu tố sản xuất mới như dữ liệu số và cần động lực mới là đổi mới sáng tạo số” - ông Hoan nói.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tiếp nhận báo cáo tư vấn của chuyên gia về nguồn nhân lực xây dựng đô thị thông minh. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Võ Văn Hoan cũng nhắc về cuộc gặp giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi với GS Slim Khalbous, Tổng giám đốc AUF, vào tháng 3-2024. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo TP.HCM với đại diện AUF trong suốt 30 năm từ khi AUF có mặt, hoạt động tại Việt Nam.

Qua cuộc gặp, hai bên đã thống nhất việc thành lập nhóm công tác để xây dựng sáng kiến phát triển đô thị thông minh và xây dựng đô thị sáng tạo. “Hội thảo hôm nay là một trong những bước đi đầu tiên trong cam kết hợp tác đó” - ông Hoan cho hay.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng bày tỏ mong muốn AUF cùng các tổ chức quốc tế sẽ đồng hành cùng TP.HCM để mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, các đối tác trong và ngoài nước. Từ đó, có thể phát triển và triển khai các dự án công nghệ mang tính đột phá trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, đô thị và môi trường.

Lãnh đạo TP.HCM cam kết quyết tâm nỗ lực xây dựng chính quyền số, nền tảng số, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.

Cạnh đó, ông Hoan mong muốn các doanh nghiệp sẽ cùng TP nỗ lực chuyển đổi số, tiếp tục triển khai, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh vào môi trường số, cung cấp sản phẩm dịch vụ số hoá để phục vụ cho nhu cầu đời sống xã hội, tiến tới mục tiêu hỗ trợ người dân được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm dịch vụ số với những chính sách ưu đãi phù hợp.

“Chúng tôi cam kết sẽ tăng cường hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp và tạo động lực thúc đẩy cho doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo vì sự phát triển của doanh nghiệp và cũng chính là niềm tự hào của TP” - ông Võ Văn Hoan khẳng định.

Lập tổ nghiên cứu để đào tạo nhân lực

Trong xây dựng đô thị thông minh, TP.HCM có nhiều yếu tố đặc thù, do vậy TP cần xác định lĩnh vực nào nên được đặc biệt chú trọng để ưu tiên thực hiện. TP cũng phải có kế hoạch đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Đơn cử, hiện nay TP có thể đào tạo ngay lập tức cho cán bộ quản lý, nhân viên trong lĩnh vực y tế, ô nhiễm môi trường…

Đồng thời, TP cần xác định danh sách lĩnh vực chuyên môn khác cần đào tạo để chuẩn bị cho các năm tiếp theo. Sau đó, TP sẽ làm nghiên cứu khoa học, huy động nhân lực từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học để cùng nhau suy nghĩ.

Tôi đề xuất TP thành lập một tổ nghiên cứu về nội dung này, gồm cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học trong và ngoài nước, để nghiên cứu trên từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, có huy động các giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ, sinh viên…

GS Slim Khalbous, Tổng Giám đốc AUF

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới