Phá đường dây tranh giả triệu đô

Theo tài liệu từ tòa án, đường dây lừa đảo hoạt động trong hai thập kỷ qua và giúp những kẻ lừa đảo bỏ túi hơn 30 triệu USD. Tuần trước, các cơ quan chức năng đã theo sát Diaz và bắt hắn cùng em trai ở Tây Ban Nha. Cả hai dự kiến bị trục xuất về Mỹ để đối mặt với các tội danh âm mưu lừa đảo và rửa tiền.

Bà Glafira Rosales rời phiên tòa xử mình với tội giúp bán hơn 60 tác phẩm nghệ thuật giả  - Ảnh: AFP

Cú bịp lớn nhất trong một thập kỷ qua làm rúng động giới chơi tranh khi liên quan đến hàng loạt nhà triển lãm tranh ở New York được cho là đã kiếm hàng chục triệu USD từ những bức tranh thực chất là của một họa sĩ vô danh người Trung Quốc.

Bậc thầy giả mạo

Âm mưu lừa đảo bắt đầu khi em trai Diaz tình cờ gặp họa sĩ nhập cư Pei Shen Qian bán tranh ở một góc đường tại New York. Ấn tượng với tài năng của Qian, từ những năm đầu 1990, anh em Diaz trả tiền để Qian sáng tác những bức tranh theo phong cách của những họa sĩ nổi tiếng thế kỷ 20 như Mark Rothko, Jackson Pollock và Willem de Kooning. Ban đầu Qian chỉ nhận được vài trăm USD cho mỗi bức tranh nhưng từ  năm 2005 - 2008, tay họa sĩ Trung Quốc nhận 5.000 - 9.000 USD mỗi bức, hẳn là khi biết giá trị “tài năng” của mình đã được nhìn nhận.

Để làm tăng giá trị bức tranh và thuyết phục người mua, anh em Diaz và bạn gái của người anh là Glafira Rosales đã thêu dệt những câu chuyện đằng sau bức tranh, giới thiệu chúng thuộc về một nhà sưu tập được thừa kế từ cha, ông, thậm chí làm giả giấy tờ về nguồn gốc tranh. “Anh em Bergantiños Diaz sau đó đem giấu số tiền bất hợp pháp ở nước ngoài. Với cáo buộc ngày hôm nay, các bị cáo phải trả lời về vai trò, như bị cáo buộc, là những bậc thầy về giả mạo và lừa đảo” - công tố viên Mỹ Preet Bharara tuyên bố. 

Bạn của Qian, ông Zhang Hongtu, cho biết ông không thể tin rằng người bạn thật thà, siêng năng của mình thực chất là một tay làm giả tranh điêu luyện. Tuy nhiên ông Richard Grant, giám đốc điều hành Diebenkorn Foundation, đã khẳng định “ai làm được điều này phải vô cùng lão luyện” và các nhà triển lãm cũng cho biết họ hoàn toàn bị thuyết phục, dù nhiều bức tranh không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Hơn 60 bức tranh giả đã được anh em Diaz bán ra, trong đó nhiều bức bán thông qua nhà triển lãm tranh lâu đời có uy tín là Knoedler & Company và Julian Weissman, theo New York Times. Một trong hai nhà triển lãm kiếm được đến 43 triệu USD nhờ bán lại tranh giả của anh em Diaz.

100 năm tù

Vụ lừa đảo bắt đầu bị phanh phui khi các hoài nghi về những bức tranh triệu đô đến tai cơ quan điều tra FBI của Mỹ năm 2009. Nhiều người mua tranh nộp đơn kiện đòi bồi thường hàng triệu USD. Bà Rosales sau đó bị bắt và chấp nhận hợp tác với các nhân viên điều tra sau khi thú nhận tổng cộng chín cáo buộc liên quan đến việc bán tranh giả. Còn họa sĩ Qian đã biến mất khi cảnh sát đến khám nhà năm ngoái và vợ hắn cho biết hắn đã đột ngột bỏ đi vài tháng trước.

Nhiều khả năng Qian đã trốn về Trung Quốc. Trên tờ Business Week cách đây bốn tháng, Qian tự hào: “FBI nói họ bị qua mặt bởi một tay thiên tài. Đó là tôi! Cảm giác thật lạ lùng làm sao!”. Hắn biện hộ mình chỉ là người “làm ra dao gọt trái cây. Nhưng nếu có ai dùng nó giết người rồi đổ lỗi cho tôi là không công bằng”.

Với vô số cáo buộc, anh em nhà Diaz có thể đối mặt với mức án tối đa là 80 và 100 năm cho mỗi người. Rosales cũng có thể chịu mức án đến 99 năm, trong khi bậc thầy làm giả Qian có thể phải chịu 45 năm ngồi sau song sắt.

 

Công nghệ làm tranh giả khá đơn giản

Từ nhà xe của nhà mình ở quận Queens (New York), họa sĩ Qian đã tạo nên những bức tranh được bán với giá triệu đô chỉ với những túi trà, sơn cũ và máy sấy tóc. Qian sử dụng sơn cũ, cùng thời với những họa sĩ hắn muốn làm giả tranh, vẽ lên những tấm vải “cùng thời” được Diaz mua từ các khu chợ đồ cũ rồi nhuộm nước trà. Bộ ba sau đó thực hiện nhiều công đoạn làm cũ như phơi nắng, hơ nóng tranh bằng máy sấy tóc, bỏ chúng vào nơi nhiệt độ thấp để khiến các bức tranh trông như đã trải qua nhiều năm thăng trầm.

Theo TRẦN PHƯƠNG (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm