Phải biết hỏi “tại sao”

So với vụ án Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), vụ án võ sư Vạn (TP.HCM) có nhiều điểm tương đồng khi cũng là “giết người” với hồ sơ truy tố đầy rẫy sai sót và bỏ lọt tội phạm. Thế nhưng vụ án Vạn đã “kịp thời” được lật lại sau sáu năm chứ không phải đợi đến 10 năm như vụ ông Chấn.

Trong vụ án Vạn, có nhiều người tham gia gây án ở một quán cà phê làm một người bị thương tật 40%, một người chết. Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình tố tụng, người cháu trai của Vạn đều tự nhận mỗi mình là hung thủ duy nhất. Cho rằng “chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm của Vạn và hai bị can khác như đề nghị của cơ quan CSĐT Công an TP”, VKS TP chỉ truy tố mỗi người cháu, đồng thời xếp cả ba là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Điều đáng nói là hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn, dấu hiệu bất thường không phải quá khó để không thể nhận ra. Chẳng hạn, lời khai của Vạn và một số nhân chứng ở bên ngoài quán giống y chang nhau về nội dung và cả ngày, tháng tường trình như thể được ai đó dàn dựng; kết quả giám định tử thi, thương tích của nạn nhân và lời khai của bị can có sự khác nhau về loại hung khí gây án… Thế mà vào năm 1999, TAND TP đã dễ dãi dựa vào lời nhận tội để kết tội người cháu với mức phạt tù chung thân.

Phải đến năm 2002 thì vụ án mới được đưa ra xét xử phúc thẩm theo kháng cáo của người bị hại. Lúc bấy giờ, rất nhiều người tham dự phiên tòa đã đi từ ngạc nhiên đến thú vị trước “quy trình” thẩm vấn khá khoa học, hợp lý để rồi sau đó tòa ra quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Đó là: Cách ly các nhân chứng ngay từ đầu; cho từng nhân chứng đối chất, nhận dạng các hung thủ; cho xem xét vật chứng, ảnh… Vị chủ tọa phiên tòa đã làm nhiều người liên quan “toát mồ hôi hột” với những câu hỏi sắc sảo (bên cạnh việc công bố các bút lục lời khai, điều mà HĐXX sơ thẩm đã không làm) để lật đi lật lại vấn đề. Đối với Vạn, ông đã đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao là võ sư giỏi mà không thể chống đỡ người nhà của chủ quán? Vì sao “không làm gì cả” (như lời trình bày) mà lại bỏ trốn và sau đó “xin tự thú để hưởng chính sách khoan hồng”? Vì sao không “đâm, chém ai cả” nhưng lại đứng ra bồi thường cho phía người bị hại?... Tương tự, hai người thân khác của Vạn cũng không trả lời được vì sao lại ra tự thú. Và rồi hai năm sau đó, kết cục cho thấy người thẩm phán trên đã có những cân nhắc, hành xử hết sức đúng đắn: Ngoài người cháu đã nhận tội thay (có mức án cuối cùng là 15 năm tù) thì còn có ba người từ chỗ “vô can” đã bị cấp phúc thẩm xử tội giết người, trong đó Vạn bị tuyên tử hình.

Hỏi “bí quyết” để có được những quyết định sáng suốt, ông chỉ đơn giản “nghiên cứu thật kỹ tất cả tài liệu trong hồ sơ vụ án để từ đó định hình kỹ thuật thẩm vấn và tổ chức thẩm vấn sao cho bật ra được sự thật”. Ông nói đúng nhưng chưa đủ. Có những thông tin mà chúng tôi tình cờ biết được cho thấy nếu không thật sự có trách nhiệm và bản lĩnh thì rất có thể ông đã không thể làm được điều đã làm. Đó là đã từng có những chỉ đạo “tha” cho Vạn và hai người thân từ vụ 2B VKSND Tối cao và lãnh đạo TAND Tối cao nhưng rất đáng khen là ông đã không hề bị lệ thuộc.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm