Thời gian qua, đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tình trạng đất nông nghiệp, đất dự án bị bỏ hoang còn nhiều.
Vì vậy, Nghị quyết (NQ) 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa được ban hành đã đặt ra nhiệm vụ phải hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai. Trong đó, yêu cầu quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất (SDĐ), bỏ đất hoang.
Chặn đầu cơ, giữ ổn định giá nhà
Nhiều ý kiến ủng hộ NQ18 khi đặt ra nội dung đánh thuế người có nhiều nhà đất, bỏ hoang do vừa chống được đầu cơ, trị sốt đất vừa kéo giá nhà đất không bị thổi vô tội vạ.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho biết đề xuất đánh thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm SDĐ, bỏ đất hoang đã được đưa ra bàn thảo từ lâu. Việc đánh thuế đối với tài sản bất động sản (BĐS) sẽ giúp điều tiết thu nhập và tăng hiệu quả của việc sử dụng BĐS, nhất là đối với tài nguyên đất đai. Khi ngăn được đầu cơ, trị được sốt đất, thổi giá ảo thì giá trị nhà đất trở về đúng giá trị thật.
Việc đánh thuế đối với tài sản BĐS sẽ giúp tăng hiệu quả của việc sử dụng BĐS, nhất là đối với tài nguyên đất đai. Ảnh minh họa: Q.HUY |
Khi giá BĐS về đúng ngưỡng, người thu nhập thấp có nhiều cơ hội mua nhà hơn. Quan trọng nhất là tài nguyên đất đai sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, giảm lãng phí.
Thế nhưng, khi cụ thể hóa nội dung trên bằng văn bản pháp luật thì cũng phải cân nhắc tới nhiều yếu tố như xác định nhiều nhà ở là như thế nào, loại tài sản, trường hợp đánh thuế, diện tích, đặc biệt là mức thuế suất… “Phải làm sao loại thuế đưa ra đảm bảo tính công bằng, hợp lý, mang lại hiệu quả, vừa giảm thiểu tác động bất lợi” - ông Thịnh chia sẻ.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, đồng tình với việc áp dụng đánh thuế tài sản BĐS. Người dân khi nộp thuế này chính là góp phần phát triển kinh tế quốc gia và địa phương. Nguồn thuế đó khi chi đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông mở đường, làm đường cao tốc, xây cầu… thì người dân sở hữu BĐS cũng được hưởng lợi.
Để đánh thuế tài sản, trước hết cần phải giảm tiền SDĐ xuống mức hợp lý hơn mới tạo được sự đồng thuận. Hiện nay, tiền SDĐ chiếm khoảng 10% giá trị căn hộ, chiếm trên dưới 30% giá trị nhà phố liền thổ. Riêng biệt thự, tiền SDĐ đang chiếm 50% giá trị căn nhà.
Chừng nào loại tiền này vẫn còn chiếm tỉ trọng quá lớn trên tổng giá trị căn nhà, việc đánh thuế tài sản sẽ dẫn đến tình huống thuế chồng thuế. Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng dữ liệu số là mã số định danh để thực hiện việc đánh thuế tài sản. Thứ ba, các giao dịch nhà đất cần thực hiện qua hệ thống ngân hàng để xác định giá trị và dòng tiền.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)
“Việc áp dụng đánh thuế tài sản là đúng với kinh tế thị trường, theo đó người càng nhiều tài sản, nhiều nhà đất thì càng phải đóng thuế nhiều” - TS Hiển phân tích.
Thuế tài sản sẽ hạn chế được tình trạng nhà đất không được đưa vào sử dụng để tăng hiệu quả SDĐ, hạn chế lãng phí nguồn tài nguyên.
Cần đúng đối tượng, đảm bảo công bằng
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá đánh thuế tài sản sẽ giảm thiểu tình trạng lãng phí đất đai hiện nay. Cái khó là xác định đúng đối tượng phải đóng thuế, hạn mức đánh thuế cho phù hợp.
Theo ông Thịnh, thuế tài sản với nhà đất cần xây dựng định mức một người dân được ở bao nhiêu diện tích nhà đất. Người sở hữu vượt định mức phải đóng thuế, người sở hữu dưới định mức sẽ không phải đóng thuế tài sản, không nên quy định đánh thuế tài sản với căn nhà thứ hai trở lên.
“Trường hợp người dân có 2-3 căn nhà nhưng diện tích nhỏ, giá trị không lớn cũng phải đóng thuế tài sản trong khi người giàu đứng tên một căn nhà nhưng diện tích vài ngàn mét vuông lại không phải đóng thuế thì bất hợp lý” - ông Thịnh dẫn chứng.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP BĐS Việt An Hòa, cho rằng cần phân loại tài sản BĐS được đánh thuế, bởi không phải ai sở hữu tài sản BĐS thứ hai cũng vì mục đích đầu cơ, nhiều trường hợp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị cho xã hội.
Đánh thuế thật cao với đất, dự án bỏ hoang là định hướng hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Thị trường đang tồn tại một nghịch lý đó là hàng trăm dự án ôm đất, chây ì không triển khai, trong khi nhiều chủ đầu tư săn lùng quỹ đất để triển khai các dự án nhà ở mới thì không có.
Nhiều nước thu thuế tài sản
Theo Bộ Tài chính, thuế tài sản ở các nước có vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỉ lệ trung bình 3%-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỉ lệ này lên đến 8%, như Nhật Bản.
Ở Việt Nam, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản (thuế SDĐ phi nông nghiệp, thuế SDĐ nông nghiệp) chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.
Trong khu vực Đông Nam Á, tại Singapore kể từ năm 2013, chủ sở hữu BĐS thứ hai chịu thuế 7% giá mua nhà, 10% với BĐS thứ ba. Tại Thái Lan, Luật Thuế đất và công trình trên đất đánh thuế tài sản theo lũy tiến của diện tích đất. Thuế lũy tiến tính theo giá trị thẩm định tài sản và có phân loại theo mục đích sử dụng của tài sản.
Ở Indonesia, thuế BĐS là 0,5% tính trên giá trị đất đai và tài sản đi liền với đất.
Ở Mỹ, người ta thu thuế mạnh khi bán nhà và thuế căn nhà thứ hai. Khi đánh thuế bán nhà, phân định rõ nhà phục vụ sinh hoạt và nhà phục vụ đầu tư. Với thuế BĐS tính một lần khi mua nhà, mức thuế có sự dao động ở từng bang nhưng không quá 2,35% giá trị nhà.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, việc áp dụng mức thuế lại được chia theo dòng sản phẩm BĐS. Chẳng hạn như đánh thuế 0,15%-0,5% đối với nhà riêng, 0,25% đối với nhà chung cư, 4% đối với biệt thự…