Ngày 28-2, Bộ Chính trị có kết luận vạch ra định hướng phát triển ngành đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điểm đáng chú ý trong kết luận này là việc Bộ Chính trị mang đến một nhận thức chung của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết của vận tải đường sắt. Từ đó đưa ra một chiến lược cụ thể là đến năm 2026-2030 xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tiếp tục đầu tư khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện hữu.
Nghiên cứu lại sau một thập niên lỡ hẹn
Đây là quyết định mang tính lịch sử, nó không chỉ là khâu đột phá, đem đến những xung lực làm xoay chuyển tình thế, khiến cho năng lực vận hành của giao thông trên trục Bắc - Nam có được sự thay đổi cả lượng và chất, mà còn mở ra một không gian phát triển sôi động, đầy tiềm năng trên suốt chiều dài lãnh thổ. Nó làm nên một hình thái địa kinh tế - chính trị mới của quốc gia trong thời kỳ giao thương và hội nhập đầy sôi động.
Tôi nhớ vấn đề xây dựng tuyến đường sắt hiện đại trên trục Bắc - Nam được đặt ra từ cách đây hơn chục năm. Sau một thập niên lỡ hẹn, đáng mừng là dự án tiếp tục được Bộ Chính trị ủng hộ và đang nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội xem xét, cho chủ trương đầu tư.
Hiện các đơn vị tư vấn của Nhật, Hàn Quốc và liên danh trong nước đã nghiên cứu khả thi, đề xuất các phương án xây dựng cụ thể. Trong đó có phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách địa phương; đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ khai thác 300 km/giờ (vận tốc thiết kế 350 km/giờ) chuyên chở hành khách.
Tất nhiên, xây tuyến đường sắt hiện đại trên trục Bắc - Nam cần nguồn vốn rất lớn nên việc nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng kịch bản đầu tư là cần thiết. Chúng ta đều biết dự án này cần thời gian xây dựng hàng chục năm hoặc nhiều hơn. Thế nên điều quan trọng trước mắt là dự án cần được thông qua chủ trương đầu tư. Nếu chủ trương đầu tư chậm được thông qua năm nào sẽ kéo lùi thời gian chuẩn bị đầu tư và đích đến của tuyến đường sắt hiện đại trong tương lai cũng khó xác định ngày đó.
Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam là dự án cho tương lai nhưng cũng là “cứu cánh” cho hệ thống hơn 1.700 km đường sắt Bắc - Nam hiện tại vốn đã hơn 100 năm “tuổi đời” đã xuống cấp, lạc hậu và thường tê liệt trong mùa mưa bão.
Sự yếu thế của tuyến vận tải đường sắt Bắc - Nam ngày càng bộc lộ rõ hơn khi vận tải hàng không, đường bộ trên hành lang Bắc - Nam có sự đầu tư, phát triển mạnh mẽ. Sự lạc hậu, cũ kỹ của hệ thống hơn 100 tuổi đã khiến đường sắt Bắc - Nam không cạnh tranh được với đường hàng không, đường bộ; ngành vận tải bền vững của đất nước đang bị phát triển lệch.
Nếu không có tuyến đường sắt hiện đại thay thế cho đường sắt hiện nay, hành khách sẽ tiếp tục quay lưng với tuyến đường sắt.
Một chuyến tàu cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản. Ảnh: AP |
“Chia lại” cơ hội phát triển
Trở lại câu chuyện dự án được trình Quốc hội năm 2010 và không được chấp thuận chủ trương đầu tư. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân do dự tính tổng mức đầu tư lên tới hơn 55 tỉ USD, bằng 1/2 GDP khi đó, do vậy sẽ vượt quá sức chịu của nền kinh tế.
Xin giải thích để mọi người hiểu, 55 tỉ USD là con số khái toán do một công ty tư vấn được JICA (tổ chức đang xem xét khả năng tài trợ cho dự án) đặt hàng đưa ra. Chắc chắn còn phải được tính toán, thẩm định chặt chẽ hơn. Song điều quan trọng là trong 55 tỉ USD đó, chỉ có 35 tỉ USD dành cho phần đầu tư hạ tầng, phần còn lại là để trang trải các chi phí khác. Với 35 tỉ USD cho phần hạ tầng, thời gian đầu tư dự kiến kéo dài tới 25 năm (2010-2035) thì mỗi năm chỉ cần 1,4 tỉ USD để cân đối cho dự án. Chắc chắn đó là con số mà nền kinh tế đất nước có thể trang trải được.
Không thể không đặt lên bàn cân vấn đề nguồn lực tài chính khi đầu tư tuyến đường sắt hiện đại trên trục Bắc - Nam nhưng ngoài chuyện tiền bạc cũng cần có sự nhìn nhận từ tác động, đòn bẩy đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà dự án đặc biệt này mang lại.
Hãy thử hình dung, bây giờ người dân phải mất nửa ngày để di chuyển bằng ô tô từ Hà Nội đến Vinh (Nghệ An), còn với đường sắt tốc độ cao mất chưa đến 2 giờ, điều đó sẽ có sự thay đổi thế nào trong việc đi lại, phân bổ dân cư, lao động trên trục đường sắt đi qua. Nếu ở nhà ga hiện đại, các trung tâm của khu đô thị mới, kinh tế và thương mại, sự đi lại và cuộc sống của người dân ở các địa phương thay đổi thế nào… Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy nhiều nhà ga đường sắt tốc độ cao đã trở thành trung tâm đô thị mới, là nhân tố để tạo sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, địa phương.
Tuyến đường sắt hiện đại tốc độ cao Bắc - Nam trong tương lai không đơn thuần chỉ để phát triển vận tải bền vững, hài hòa các phương thức vận tải mà còn mang đến cơ hội phát triển chung trên trục đường nó đi qua. Lợi thế thương mại và nguồn lực phát triển được chia sẻ giữa các khu vực sẽ tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa các khu vực kém phát triển; là điều kiện tốt để quy hoạch lại đô thị, góp phần mở rộng không gian, chia sẻ và giảm áp lực đối với các đô thị lớn đã phát triển.•
Nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế
Xây dựng đường sắt tốc độ cao sẽ giúp cho hai đầu đất nước kéo lại gần nhau hơn trong tư duy phát triển kinh tế, góp phần tiết kiệm thời gian đi lại của hành khách. Chi phí đi lại của xã hội cũng tiết kiệm. Những lợi ích trên sẽ là nhân tố quan trọng để tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra, phát triển đột phá hạ tầng giao thông, tạo động lực cũng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong hội nhập quốc tế.
GS-TS BÙI XUÂN PHONG