ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO BẮC - NAM KHÔNG THỂ CHẬM HƠN - BÀI 2

Quyết tâm xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

(PLO)- Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển đường sắt thể hiện sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ, nhằm xác định lại tầm quan trọng của hệ thống đường sắt trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện thị phần vận tải lùi sát về số 0, đường sắt không tồn tại theo đúng nghĩa. Hệ thống hạ tầng giao thông lâm vào tình thế mất cân đối nặng nề, đặt nền kinh tế - xã hội đối mặt với quá nhiều rủi ro, thách thức. Trước yêu cầu bức thiết trên, Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận vạch ra định hướng phát triển ngành đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xác định lại vai trò, vị trí của đường sắt

Kết luận của Bộ Chính trị xác định một quan điểm rất quan trọng đó là mang đến một nhận thức chung của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của vận tải đường sắt. Trong đó, mục tiêu lớn nhất, quyết tâm nhất là xây dựng một tuyến đường sắt tốc độ cao xuyên suốt Bắc - Nam. Đây là dự án có tính chất bản lề, là trục “xương sống” trên tuyến hành lang quan trọng bậc nhất cả nước. Từ đó, hệ thống đường sắt sẽ kết nối các tỉnh, cảng biển, sân bay… giúp vận tải hàng hóa, hành khách được thông suốt.

Kịch bản 2 của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đồ họa: THÙY TRANG

Kịch bản 2 của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đồ họa: THÙY TRANG

Để làm được như vậy, Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu đầu tiên là đến năm 2025 phải chuẩn bị thật kỹ hồ sơ để trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Nếu được Quốc hội đồng thuận, năm 2026-2030 bắt đầu triển khai làm trước hai đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang và hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.

Sau khi có được hình hài trục “xương sống” Bắc - Nam, năm 2030 bắt đầu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu...), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn...), sân bay (Thủ Thiêm - Long Thành), đường sắt vành đai phía đông khu đầu mối Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi).

Đối với tuyến TP.HCM - Cần Thơ, Bộ Chính trị định hướng đầu tư bằng phương thức đối tác công tư (PPP) hoặc phương thức đầu tư khác phù hợp trong giai đoạn đến năm 2030. Cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đặt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM vào năm 2035.

Về tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết đang tập trung vào 2/4 kịch bản. Kịch bản 1, xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm, chiều dài 1.545 km, tốc độ thiết kế tối đa 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ để vận tải hành khách. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 58,71 tỉ USD.

Kịch bản 2, xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180 km/giờ, tàu hàng tối đa 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư khoảng 64,9 tỉ USD.

Theo báo cáo mới đây của Hội đồng thẩm định nhà nước, tư vấn đề xuất lựa chọn kịch bản 2.

Tiền đâu làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?

Đầu tư đường sắt cần khoản tiền khổng lồ, vì vậy Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ thời gian tới cần phải xây dựng các chính sách để huy động vốn từ nhiều nguồn. Chẳng hạn như vốn đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm, nguồn từ khai thác quỹ đất dọc tuyến đường sắt… Song song đó, huy động vốn xã hội hóa bằng các phương thức PPP.

Sau đó, khi xây xong tuyến đường sắt, cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách về nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng đường sắt để thu hồi vốn các công trình được đầu tư từ vốn vay, kể cả vốn ODA và vốn trái phiếu Chính phủ.

Để cụ thể hóa chủ trương trên, mới đây Thủ tướng ban hành quyết định về kế hoạch huy động nguồn lực phát triển đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ giao các bộ, ngành cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về thuế ưu đãi đối với các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị, công nghiệp đường sắt trong Luật Đất đai; quy định về miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt…

Thủ tướng cũng giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung quy định địa phương được phép sử dụng ngân sách để cải tạo, nâng cấp, đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Song song đó, bổ sung quy định pháp luật về đất đai để địa phương sử dụng quỹ đất quy hoạch tại khu vực nhà ga đường sắt quốc gia tạo nguồn lực tham gia đầu tư phát triển đường sắt quốc gia…•

Nghiên cứu bài bản để trình Quốc hội

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, hiện ngành đang tập trung nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây là dự án có quy mô rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn. Dự án này cũng chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên Bộ GTVT đang xây dựng đề án chủ trương đầu tư dự án.

Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng sẽ làm tổ trưởng tổ công tác xây dựng đề án trên. Tổ có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp lớn mang tính tổng thể, liên ngành và chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng đề án. Đồng thời chỉ đạo xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trình Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị quyết định.

Cũng theo Bộ GTVT, dự án trên cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật (công nghệ, tốc độ khai thác, đối tượng phục vụ...). Cạnh đó, dự án cần có mô hình khai thác hợp lý trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển quốc tế, điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm tầm nhìn chiến lược, dài hạn.

Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước. Bộ GTVT cũng tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như châu Âu, Trung Quốc để cập nhật, bổ sung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

“Để có đầy đủ cơ sở khoa học và khách quan, Bộ GTVT cũng sẽ huy động tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để nghiên cứu, hoàn thiện làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2025…” - lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm