Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh như trên tại cuộc họp của UBND TP đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách quý I và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm quý II diễn ra sáng 31-3.
“Tôi phải gọi lãnh đạo quận ra xem”
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết kể từ khi ra quân dọn dẹp vỉa hè, đến nay trong số 134 tuyến đường của quận đã dọn dẹp được 100 tuyến đường thông thoáng. Còn lại có 34 tuyến đường đang tiếp tục được dọn dẹp, trong đó có 29 tuyến đường khó, có nhiều yếu tố tranh chấp cơ sở, quận đang “cảm thấy hơi ngại”.
Đánh giá cách làm của quận 1 thời gian qua được người dân đồng lòng ủng hộ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sau đó các quận khác tiến hành đồng bộ, bước đầu đạt được kết quả khá tốt. “Quận nào làm tốt rồi thì phải tính đến chuyện bị chiếm vỉa hè trở lại và tính đến chuyện kinh tế vỉa hè, nơi cho người bán hàng rong” - ông Phong nói và cho rằng hệ thống mặt trận cũng phải vào cuộc giám sát.
Tuy nhiên, theo ông Phong, hiện vẫn còn nhiều tuyến đường bị lấn chiếm như đường Ký Hòa (quận 5). “Buổi sáng xe đậu kín hết vỉa hè, học sinh và người dân không có chỗ đi bộ, phải đi dưới lòng đường. Tôi phải gọi lãnh đạo quận ra xem lại. Tại sao TP đã có chỉ đạo rồi mà tình hình vẫn còn như vậy? Đề nghị quận 5 phải chấn chỉnh vấn đề này” - ông Phong nói.
Ông Phong cho biết trong thời gian tới sẽ có cuộc họp với các quận, huyện để đánh giá lại việc tổ chức thực hiện lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Ông cũng khẳng định không có chuyện làm được một tháng xong rồi nghĩ ổn rồi là thôi, không có chuyện làm theo chiến dịch, phong trào, đánh trống bỏ dùi.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh việc dẹp vỉa hè, lòng đường phải làm kiên trì, không đánh trống bỏ dùi. Ảnh: TL
Duy ý chí sẽ không bền vững
Liên quan đến việc tổ chức lại kinh tế vỉa hè, người đứng đầu chính quyền TP cho rằng phải nghe nhiều ý kiến. “Nếu theo duy ý chí của một người thì sẽ không bền vững” - ông Phong nói.
Theo ông Phong, khi thực hiện lập lại trật tự vỉa hè phải có phối hợp. “Quá trình làm có thể có ý kiến này ý kiến nọ, chúng ta phải lắng nghe và có điều chỉnh nhưng phải quyết tâm làm bằng được để lập lại trật tự lòng, lề đường. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật” - ông Phong nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết quận có 580 hộ bán hàng rong, trong đó quận đã điều tra, khảo sát, sàng lọc được 260 hộ nghèo. Có 130/260 hộ nghèo chấp nhận chuyển đổi ngành nghề. Quận đã tạo điều kiện, giới thiệu cho những người dân thuộc các hộ này chuyển sang nghề giúp việc nhà, làm bảo vệ, nhân viên vệ sinh…
Riêng với 130 hộ nghèo không đăng ký chuyển đổi ngành nghề, quận đã có kế hoạch tổ chức, sắp xếp cho 100 hộ trong số này được buôn bán tại hai khu vực thí điểm đã được UBND TP chấp thuận.
Đặc biệt, còn lại 30 hộ nghèo không có khả năng chuyển đổi ngành nghề, cũng không thể buôn bán vì đa phần là người già, người khuyết tật, quận 1 cũng đã có hướng tạo việc làm. Cụ thể, quận 1 đã yêu cầu Ban quản lý chợ Bến Thành vận động được 1.200 hộ kinh doanh trong chợ Bến Thành chấp thuận chuyển từ túi nylon sang túi giấy và 30 hộ nghèo này sẽ gia công túi giấy cung cấp cho các hộ kinh doanh trên. Với giá thành 600-1.000 đồng/túi giấy, dự kiến các hộ cũng có thể có thu nhập đảm bảo cuộc sống.
Sẽ “rất đuối” nếu nhập các sở Tại buổi họp báo trưa cùng ngày, trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCMliên quan đến quan điểm của TP đối với dự thảo nghị định của Chính phủ về sáp nhập các sở, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP đã có kiến nghị chính thức với Bộ Nội vụ là giữ nguyên hiện trạng. “TP không phải không muốn cho bộ máy của mình gọn nhưng phải gọn như thế nào để có thể phát huy được, chứ gọn như các tỉnh, thành khác thì không thể quản lý được TP mười mấy triệu dân này” - ông Hoan nói. Theo ông Hoan, nếu gom Sở KH&ĐT và Sở Tài chính như đề xuất của Bộ Nội vụ thì thật sự TP.HCM sẽ “rất đuối” vì đa số các tỉnh không như TP, thu ngân sách không bao nhiêu, đầu tư cũng không nhiều, công việc của họ cũng đơn giản. Cũng theo ông Hoan, nếu ở TP.HCM mà gom ba sở GTVT, Xây dựng và QH-KT thì rất vất vả, có thể nói là một bước đi lùi và sẽ rất khó khăn trong quản lý quy hoạch của TP. Ông Hoan cho biết lĩnh vực quy hoạch kiến trúc ngày xưa thuộc Sở Xây dựng. Sau đó TP mới đề ra cơ chế kiến trúc sư trưởng, chỉ một người có thẩm quyền quyết định những vấn đề về quy hoạch chứ quy hoạch mà quản lý tập thể là chết. Rồi sau đó chuyển thành Sở QH-KT như hiện nay. “Giờ lại tính nhập về Sở Xây dựng giống như ngày xưa, đi lòng vòng lại quay về điểm cũ thì là đi thụt lùi” - ông Hoan lý giải. |