“Cá nhân tôi tiếp nhận một số luồng thông tin như đại bộ phận người dân đồng thuận chủ trương lập lại trật tự vỉa hè, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, người dân cũng đòi hỏi sự công bằng. Có nghĩa là dưới cơ sở vẫn còn có những địa điểm người ta cho là của người này, người kia không bị xử lý”. Đó là thông tin được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu tại hội nghị giao ban trực tuyến quý I-2017 giữa Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với các quận, huyện sáng 15-3.
Không “bắt cóc bỏ đĩa”
Từ đó, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu các quận, huyện phải rà soát kỹ lưỡng và thực hiện một cách nghiêm túc việc lập lại trật tự vỉa hè.
Bên cạnh đó, chủ tịch Hà Nội cũng cho hay ông đã nhận được phản ánh việc dọn dẹp vỉa hè gây ảnh hưởng đến cuộc sống, mưu sinh của nhiều hộ dân nghèo. Họ chấp hành chủ trương của TP, tuy nhiên mong muốn về lâu dài TP cần quy hoạch, chọn những tuyến phố hoặc ngõ xóm để tổ chức bán hàng một cách trật tự, quy củ để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống gia đình họ. Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề xuất Thành ủy Hà Nội giao cho các quận, huyện rà soát, sớm triển khai việc này.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thay mặt lãnh đạo Hà Nội gửi lời cảm ơn đến người dân đã “hy sinh quyền lợi của cá nhân mình vì sự nghiệp chung của TP”. Ông cũng lưu ý các cấp của Hà Nội phải kiên trì thực hiện việc này chứ không làm hình thức, “bắt cóc bỏ đĩa”. “Tình trạng tái chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh vẫn còn xảy ra. Có người nói đầu phố Đoàn 197 đi thì cuối phố họ lại vứt rác” - ông Hải lấy ví dụ và đề nghị chính quyền các cấp của Hà Nội phải thực hiện dọn vỉa hè một cách kiên trì, thường xuyên.
Nhiều bậc tam cấp trên tuyến phố Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội đã được phá dỡ. Ảnh: TUYẾN PHAN
Chưa bền vững
Báo cáo kết quả việc xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng lòng đường, vỉa hè vừa qua, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết sau ngày đầu ra quân, tại 12 quận nội thành cơ bản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo tướng Toản, tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe đã giảm rõ rệt. Tại các tuyến phố việc sắp xếp phương tiện đã gọn gàng, đúng quy định, các cửa hàng không còn bày hàng hóa ra hè phố. Các bục bệ, mái che vi phạm hành lang giao thông, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và các lực lượng chức năng tháo dỡ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cũng cho hay việc giải quyết các điểm vi phạm trật tự đô thị chỉ có kết quả bước đầu, chưa bền vững, nhiều điểm vi phạm chưa được giải quyết triệt để. Ông Toản nói: “Nguyên nhân là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ trong khi nhu cầu kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện của người dân rất lớn, đặc biệt là trong các quận nội thành, ở các khu vực phố cổ, bệnh viện, khu vui chơi giải trí…”.
Thời gian tới, Hà Nội yêu cầu các sở, ngành liên quan tổ chức sắp xếp lại các điểm giao thông, khu vực kinh doanh, buôn bán, chợ cóc… đảm bảo phù hợp và hiệu quả. Đồng thời giao Sở LĐ-TB&XH nghiên cứu, tham mưu các chính sách hỗ trợ hướng nghiệp cho người lao động có nguồn thu nhập chính dựa vào việc buôn bán chiếm dụng lòng, lề đường.
Lúng túng vì bậc tam cấp… có phép
Tuy nhiên, phó giám đốc Công an TP Hà Nội cũng cho rằng còn xảy ra tình trạng một số hộ dân phản ứng việc thực hiện của lực lượng chức năng. Như ngày 10-3, tại nhà 168 Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, một số hộ dân phản đối yêu cầu tháo dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè của tổ công tác phường Trung Liệt.
Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, tại tuyến phố Hào Nam, quận Đống Đa có một trường hợp khá đặc biệt. Cụ thể, ngày 14-3, khi UBND phường Ô Chợ Dừa điều lực lượng chức năng phá dỡ bậc tam cấp xây lấn vỉa hè của nhà 161 Hào Nam thì chủ tiệm tại đây nhất quyết phản đối. Trước tình huống trên, chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa “chốt” đến 14 giờ ngày 15-3, nếu chủ nhà không trình được giấy tờ chứng minh bậc tam cấp được xây dựng đúng, phường này sẽ cưỡng chế. Tuy nhiên, quá 14 giờ, việc tháo dỡ bậc tam cấp vẫn chưa được tiến hành. Ông Phạm Văn Viên, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, giải thích trong quá trình làm việc, chủ nhà đưa ra hồ sơ hoàn công của căn nhà cho thấy có cả bậc tam cấp. Do đó phường đang xin ý kiến lãnh đạo có phá dỡ hay không.
“Tôi lái ô tô đi bắt xe đậu vỉa hè” Ngày 15-3, trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM, cho biết các hoạt động chấn chỉnh vi phạm lòng, lề đường tại địa bàn vẫn diễn ra thường xuyên, quyết liệt. Ông vẫn theo dõi tình hình tại các phường, sau chỉ thị của Thành ủy TP.HCM về việc để bí thư, chủ tịch, trưởng công an phường trực tiếp “xắn tay áo” xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Một tuần nay, đoàn công tác liên ngành của quận 1 tạm dừng xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, song ông Hải thường xuyên lái ô tô đi kiểm tra. “Gặp các trường hợp đậu xe trái phép, tôi giữ lại, gọi điện thoại cho chủ tịch phường đến xử lý” - ông Hải nói. Trong bảy ngày, ông Hải đề nghị các phường lập biên bản, cẩu về trụ sở công an hơn 100 xe vi phạm. Tự nguyện tháo dỡ trụ sở khu phố Ngày 15-3, trụ sở khu phố 7, phường 15, quận 10, TP.HCM đã được tháo dỡ để trả lại vỉa hè cho người đi bộ (ảnh). Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Đinh Thị Yến, trưởng khu phố 7, cho biết: “Nhận thấy trụ sở đã lấn chiếm vỉa hè nên chúng tôi tự nguyện tháo dỡ chứ không phải có sự bắt buộc của lãnh đạo. Tâm lý chung là thấy cũng tiếc nhưng đây là chủ trương của lãnh đạo quận và TP nên chúng tôi nghiêm túc thực hiện”. H.TRÂM |